Lãnh đạo Sở Tài chính, Y tế vắng là coi thường giám sát, cần xử lý làm gương

16/04/2022 06:48
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Cao Đình Thường nêu, nếu Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giám sát thì Sở, ngành có dám coi thường?

Ngày 14/4/20222, nhiều tờ báo đưa tin, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy buổi giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 vì lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Y tế vắng mặt. [1]

Theo thư mời, buổi giám sát sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 00 ngày 14/4/2022 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đến 8 giờ 30 lãnh đạo Sở Tài chính vẫn không có mặt, còn Sở Y tế chỉ cử chuyên viên đến tham dự do lãnh đạo sở này có họp đột xuất.

Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Phó Giám đốc Sở đại diện. Vì vậy, đoàn giám sát phải thông báo hủy buổi giám sát, vì nếu không có mặt đầy đủ lãnh đạo các đơn vị sẽ không đạt hiệu quả cao.

Được biết, trước đó ngày 12/4/2022, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành thư mời lãnh đạo các tổ chức, sở, ban, ngành và các cơ quan báo chí tham dự buổi giám sát.

Sự việc trên khiến dư luận quan tâm và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các lãnh đạo Sở, ngành và lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính nêu gương của đảng viên, cán bộ ở đâu khi không tham dự buổi giám sát của Hội đồng nhân dân?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Cao Đình Thưởng - Đại biểu quốc hội khóa XIV, nguyên Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cũng bày tỏ sự chia sẻ với các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia buổi giám sát nhưng lãnh đạo Sở, ngành liên quan lại không tham dự.

Ông Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội)

Ông Cao Đình Thưởng. (Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội)

Ông Cao Đình Thưởng nêu, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và kèm theo là rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Đó là việc nhiều nhân viên y tế nghỉ việc do "quá tải" công việc trong khi chế độ lương, trợ cấp còn thấp, hay công nhân thì thất nghiệp do dịch và phải chuyển đổi công việc mới...

"Tác động của hậu Covid-19 là rất nghiêm trọng chứ không phải là bình thường, nên chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh được người dân rất quan tâm", ông Thưởng đánh giá.

Ông Thưởng cũng cho rằng, việc lãnh đạo sở, ngành vắng mặt tại buổi giám sát của các Ban trực thuộc Hội đồng nhân dân thì không phải vấn đề mới, vì nó đã từng diễn ra ở Hội đồng nhân dân các cấp ở nhiều nơi.

Trong bối cảnh, chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 là một nội dung rất quan trọng, được người dân quan tâm nhưng các Sở thờ ơ, không chịu sự giám sát, thì quá trình thực thi nhiệm vụ liên quan có tốt?

"Nếu Thường trực Hội đồng nhân dân giám sát thì Sở, ngành còn sợ nhưng các Ban trực thuộc Hội đồng nhân dân đi giám sát thường họ làm việc mang tính ứng phó, không chú tâm.

Nội dung giám sát của Ban văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là nội dung mà người rất bức xúc và rất quan tâm. Việc vắng mặt các lãnh đạo Sở, là sự thiếu tôn trọng của các Sở, ngành đối với cơ quan đại diện của dân. Vì vậy cần có biện pháp xử lý mạnh tay", nguyên Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định.

Ông Thưởng cũng nói thêm, để buổi giám sát thực sự có kết quả thì cần có kế hoạch và gửi thư mời các bên liên quan sớm để sắp xếp, chuẩn bị các nội dung liên quan chu đáo, chi tiết, tránh việc thời gian gửi thư mời và ngày diễn ra giám sát quá gấp gáp.

Từ sự việc trên, theo ông Cao Đình Thưởng cần rút kinh nghiệm từ cả hai phía. Tuy nhiên, để cơ quan quyền lực của dân có tiếng nói, có vị thế thì Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Thường trực Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải rút kinh nghiệm, để dù Thường trực Hội đồng nhân dân đi giám sát hay là các Ban Hội đồng đi giám sát thì đều phải được tôn trọng và làm việc nghiêm túc.

Cần xử lý nghiêm

Để tránh câu chuyện tương tự diễn ra thời gian tới, ông Cao Đình Thưởng cho biết, thực tế, thời gian qua, biện pháp xử lý chủ yếu là xử lí hành chính hoặc nhắc nhở, rút kinh nghiệm, kiểm điểm, nhưng nếu nó trở thành thường xuyên và là "vấn nạn" thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Đảng và chính quyền.

"Làm sao cho các cơ quan Sở, ngành phải biết sợ và thực hiện nghiêm túc, chứ họ cứ lơ là chủ quan thì hành động đó là coi thường dân. Bởi họ đã không tôn trọng cơ quan quyền lực của dân là Hội đồng nhân dân", ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Cao Đình Thưởng cho hay, sau sự việc trên thì Thường trực Hội đồng nhân dân phải có văn bản yêu cầu các Sở phải kiểm điểm nghiêm túc, nếu tái phạm thì xử lý thật nghiêm mới lập được kỉ cương, phép nước.

"Nếu các Sở, ngành chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, còn vấn đề xã hội mà họ không quan tâm là không được", ông Thưởng nhận định.

Cần có thông báo việc bận

Theo ông Bùi Văn Phương (Đại biểu quốc hội khóa XIII-XIV), việc các lãnh đạo Sở, ngành không tham dự buổi giám sát mà cử chuyên viên đến đã khiến ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc lên tiếng, đồng thời hủy buổi giám sát.

"Qua đây cho thấy các Sở, ngành đơn vị đã không tôn trọng Ban này là cơ quan đại diện cho người dân, xem nhẹ cơ quan dân cử.

Bất kể anh bận việc gì thì xin đề nghị hoãn lại vì lí do gì đó nhưng họ lại không báo cáo, mà lại cử chuyên viên đi thay. Đó là việc không thể chấp nhận", ông Phương cho hay.

Ông Bùi Văn Phương cho hay, qua vụ việc trên, thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi, khi lãnh đạo các cơ quan như Thành ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân có những chấn chỉnh với các lãnh đạo Sở, ngành. Từ đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những đơn vị khác.

Mạnh Đoàn