Lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tổ chức ngày 8/11

05/11/2014 06:36
Diệu Linh
(GDVN) - Ngày 1/11, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã từ trần tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn sinh năm 1935 tại xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình. 

Ông tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, công tác trong ngành nông nghiệp trước khi chuyển sang chính trường giữ các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Thành ủy Hà nội (1983), Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân TP Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội (1986).

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từ trần vào ngày 1/11, tang lễ được tổ chức vào ngày 8/11.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn từ trần vào ngày 1/11, tang lễ được tổ chức vào ngày 8/11.

Tại Đại hội Đảng VI (1986) ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Năm 1987 ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Sau đó, ông làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tiên (1995) khi sáp nhập các bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thủy lợi.

Tại Đại hội Đảng VII, Đại hội Đảng VIII ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; là Đại biểu Quốc hội khóa X (thuộc đoàn Đại biểu Hà Tây). Năm 1997, ông giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đến khi nghỉ hưu vào năm 2002.

Sau khi nghỉ hưu, ông thành lập Trường ĐH Dân lập Thành Tây và luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp. Ông đã tự tuyển chọn thành công giống lúa RVT chất lượng cao, được gieo trồng ở nhiều địa phương và đã được Bộ NN&PTNT công nhận.

Còn nhớ vào năm ngoái, khi nghịch cảnh nông dân được mùa nhưng mất giá tiếp tục lặp lại, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đưa ra những phân tích hết sức sâu sắc rằng, nông dân bỏ ruộng chính ở hai vựa lúa lớn là Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long. Còn các đất canh tác cà phê, cao su, hồ tiêu… người dân vẫn mê, vì giá trị các nông sản này cao.

Vậy vì sao nông dân chán đất lúa? Với 1 héc-ta đất lúa, nông dân chỉ thu lời được vài triệu đồng, trong khi đó có những nông sản khác mang lại lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha. Trong nền nông nghiệp Việt Nam, đại bộ phận nông dân trồng lúa. Khi người nông dân chán đất lúa, tất nhiên nông nghiệp sẽ tiêu điều.

Do giá lúa gạo quá rẻ mà nhiều nước có thể chủ động được họ cũng không sản xuất mà đi nhập khẩu. Do vậy, phải đưa giá lúa gạo lên, để người nông dân hưởng lợi. Tôi tự đặt câu hỏi, tại sao giá xăng dầu, điện có thể điều chỉnh tăng… mà giá lúa không theo quy luật đó? Phải đưa giá lúa vào một cuộc chơi bình đẳng.

Diệu Linh