Liên đoàn luật sư sẽ ra tuyên bố phản đối tàu TQ xâm phạm chủ quyền VN

02/06/2011 00:25
Liên đoàn sẽ ra tuyên bố pháp lý phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Ngày mai (3-6), liên đoàn sẽ ra tuyên bố pháp lý phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

* Phóng viên: Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa lấy ý kiến các luật sư, các công ty luật uy tín để ra tuyên bố về việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, ông có thể cho biết nội dung của tuyên bố này?
 

Lực lượng hải quân ở Trường Sa sẵn sàng bảo vệ lãnh hải. Ảnh: BẢO TRÂN
Lực lượng hải quân ở Trường Sa sẵn sàng bảo vệ lãnh hải.
Ảnh: BẢO TRÂN

- Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh: Ngày 3-6, theo thông lệ quốc tế, liên đoàn sẽ chính thức đưa ra tuyên bố về mặt pháp lý phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cản trở, phá hoại tài sản của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào ngày 26-5. Bản tuyên bố này căn cứ vào luật pháp quốc tế hiện hành.
 
Thứ nhất, Việt Nam và Trung Quốc là thành viên của Liên Hiệp Quốc nên các ứng xử của hai bên phải đúng theo Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, tức là các thành viên không được đe dọa hoặc dùng vũ lực đối với chủ thể của thành viên. Thứ hai, căn cứ vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Thứ ba, căn cứ vào tuyên bố chung ứng xử ASEAN ký với Trung Quốc. Căn cứ trên 3 cơ sở pháp lý này cho thấy Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng.

Trên cơ sở vi phạm của Trung Quốc, liên đoàn có tuyên bố yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi tương tự trên biển Đông.

* Sau đó, liên đoàn sẽ đề ra tiếp những hành động pháp lý gì?

- Đồng thời với bản tuyên bố, liên đoàn cũng sẽ đề nghị được làm việc với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ để vạch ra toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc và đề xuất những việc mà liên đoàn có thể tham gia hỗ trợ. Nếu được Chính phủ đồng tình, ủng hộ và quyết tâm kiện ra Tòa án Quốc tế, liên đoàn sẽ tham gia xây dựng toàn bộ thủ tục trình tự, cũng như đề xuất nhân sự tham gia vụ kiện.

 * Việt Nam có thể gửi quan điểm về vụ việc vi phạm trắng trợn của Trung Quốc đến Liên đoàn Luật sư quốc tế, thưa ông?

- Đây cũng là một hướng mà liên đoàn có thể tiếp cận. Hiện liên đoàn là thành viên Hiệp hội Luật châu Á - Thái Bình Dương (LAWASIA). Qua đó, liên đoàn có thể có tiếng nói kêu gọi sự đồng tình, ủng hộ của LAWASIA. Mặt khác, nếu được Chính phủ đồng thuận, liên đoàn sẽ mời các tổ chức hành nghề quốc tế phối hợp với tổ chức hành nghề luật Việt Nam để có báo cáo ra công luận toàn cầu về việc vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Từ sự lên tiếng của giới luật sư quốc tế, thông tin về hành vi vi phạm của Trung Quốc sẽ lan rộng hơn. Liên đoàn cũng có thể mời một số công ty luật uy tín của thế giới cùng một số công ty luật trong nước để đề xuất việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển và hải đảo theo các quy định của luật pháp quốc tế và cam kết của các nước ASEAN với Trung Quốc.

{iarelatednews articleid='3661,3622,3654,3608,3604,3593,3600,3576,3535'}

Theo Thế Dũng (báo Người Lao Động)