Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Lo "thắt ruột" khi áp dụng phạt nặng xe không chính chủ

12/11/2012 07:28
Huệ Nguyễn
(GDVN) - “Giờ cố gắng đi đúng làn đường để không bị bắt lỗi, không có khách cũng được vì tiền phạt nặng hơn tiền lương mà" - một tài xế hãng Taxi Group lo lắng chia sẻ.

Nghị định 71 của Chính phủ đã được áp dụng hai ngày nay tại Hà Nội, nhưng trên thực tế nhiều tài xế xe khách, xe taxi vẫn ở “ngoài luồng” thông tin đó. Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với một số “xế” tại các bến xe khi những thông tin về Nghị định mới được họ cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng cách đó ít phút.

Khi chỉ còn 10 phút nữa xe khách đi Đại Từ - Yên Lãng (Thái Nguyên) của hãng Quyền Nga sẽ chuyển bánh từ bến xe Giáp Bát (Hà Nội), tranh thủ lúc giải lao bác tài xế mới lướt web và biết tới Nghị định 71 về việc tăng mức xử phạt hành chính đối với các xe chưa sang tên đổi chủ khi vi phạm giao thông.

Tài xế này hơi hoang mang vì xe của anh là do Hợp tác xã đứng tên. Anh chỉ là “lính đánh thuê”: “Việc áp dụng Nghị định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho dân lái xe chúng tôi vì những xe về các huyện đều là do Hợp tác xã đứng tên chính chủ. Chưa có bất kì thông báo gì cho lái xe và chúng tôi vẫn rất “vô tư” lưu thông trên đường với những giấy tờ có từ trước tới nay.

Giờ phải làm thủ tục chuyển nhượng, ủy quyền sẽ rất mất thời gian vì anh em chúng tôi “đánh bóng mặt đường” là chính chứ có mấy khi được ở nhà đâu. Thời gian về nhà là thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho những cuộc hành trình tiếp.

Không làm thì nếu xe bị bắt, tiền lương không đủ cho tiền phạt. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, chỉ mong sao các cơ quan Nhà nước khi ban hành Luật gì nên trưng cầu dân ý. Có như thế Luật đi vào thực tế mới có hiệu lực và có hiệu ứng tốt”.

Nhiều tài xế lái xe cho các hãng xe khách vẫn "ngoài luồng" thông tin áp dụng Nghị định 71 vào thực tế.
Nhiều tài xế lái xe cho các hãng xe khách vẫn "ngoài luồng" thông tin áp dụng Nghị định 71 vào thực tế.

Mặc dù xe của tài xế hãng Hoàng Long chuyến Giáp Bát – Thái Bình là đăng kí chính chủ nhưng cả tài xế và phụ xe của hãng vẫn rất bức xúc khi từ hôm qua tới giờ khách trên xe cũng nhiều người hỏi các anh về vấn đề giấy tờ xe hợp lệ.

“Họ cũng vì sự an toàn của mình thôi. Nhưng chúng tôi thấy Luật đưa ra mà người dân nhiều người không biết gì thì việc đi vào thực tế chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, không phải hãng xe nào, lái xe cũng được đứng tên chính chủ. Rõ ràng việc áp dụng quy định này sẽ là rào cản rất lớn với chúng tôi. Vẫn biết, với những người sử dụng xe của cơ quan, nếu trình bày được mình là nhân viên của cơ quan thì cũng không bị phạt vì lỗi đi xe không chính chủ nhưng lại thêm thời gian xác minh. Phức tạp lắm.

Tôi không quá gay gắt với việc áp dụng Nghị định 71 vào thực tế mà có chăng Nhà nước mình nên căn cứ vào thực tế đời sống của người dân. Một mức phạt như thế, người dân lấy gì mà sống giữa thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay vì không chỉ xe ô tô mà dân ta đi xe máy nhiều lắm chứ. Có phải ai cũng mua ngay được xe mới và đăng kí được tên mình đâu?”.

Khi được hỏi về những suy nghĩ của mình về Nghị định 71, không ít tài xế hãng xe Taxi Group có mặt tại bến xe Giáp Bát thở dài: “Nghị định chưa ra anh em chúng tôi đã có những tháng phải nhịn ăn vì tiền lương không bù được tiền phạt.

Giờ Nghị định được áp dụng, chúng tôi vẫn phải làm theo thôi nhưng không biết sẽ sống như thế nào?”. Nhiều người trong số họ vẫn rất bàng quan với Nghị định này vì chưa có thông báo gì từ chủ hãng xe. Mặc dù phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với xe mình điều khiển nhưng họ cũng không phải chính chủ. Không ít tài xế hoang mang trước những quy định mà họ chưa được “tỏ tường”.

“Giờ cố gắng đi đúng làn đường để tránh không bị bắt lỗi, kể cả không có khách cũng được vì tiền phạt nặng hơn tiền lương mà. Chỉ mong sao Nhà nước mình khi sửa đổi, bổ sung điều luật gì nên quan tâm tới tâm tư, nguyện vọng của những người như mình. Hôm qua, nhiều bạn sinh viên trong xóm trọ cũng than phiền: Nghị định đưa ra là một cú sốc với họ” – một tài xế hãng Taxi Group chia sẻ.

Về việc tăng mức xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ theo quy định, Thượng tá Nguyễn Kim Hải, Phó trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ - Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) và Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT TP. Hà Nội đã có những chia sẻ cùng Báo Giáo dục Việt Nam.
Theo Thượng tá Nguyễn Kim Hải: Nghị định 71 là chỉ tăng thêm hình phạt còn những quy định về xử phạt hành chính đối với những xe mua bán nhưng không sang tên đổi chủ đã được quy định rất rõ trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP.
Nếu xe tham gia giao thông là mượn của bố mẹ, anh chị em hoặc cho bạn bè mượn mà có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì không bị phạt. Việc mua, bán, cho tặng không sang tên đổi chủ theo đúng quy định thì mới tiến hành xử phạt theo Nghị định 34.
Không phải trường hợp nào công an cũng đi xác minh, làm rõ mà chỉ những trường hợp bị nghi vấn hoặc xe bị tạm giữ theo quy định của Nghị định 34. Trong quá trình đó mà giấy tờ chủ phương tiện xuất trình ra không phải chính chủ thì công an cần xác minh đối với người chủ cũ. Nếu chủ cũ trả lời đã bán rồi thì mình sẽ xử phạt với người không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu họ trả lời là cho mượn thì trường hợp này không xử phạt.
Để xác minh chủ phương tiện giao thông, kể cả với những xe đã mua từ lâu hoặc qua nhiều đời chủ, lực lượng chức năng có nghiệp vụ và phương pháp xác minh để “đúng người, đúng tội”.
Còn với xe taxi, xe công, người đăng kí là chủ hãng, dân lái xe chỉ là người làm thuê thì không thể có giấy đăng kí được nhưng họ lại có thẻ nhân viên và giấy tờ lưu thông hợp lệ. Đó chính là căn cứ chứng minh xe của họ đang điều khiển trên đường là hoàn toàn chính đáng. Chỉ những trường hợp như xe đăng kí là ở Hà Nội nhưng một công dân ở Quảng Ninh dùng lâu ngày thì lực lượng chức năng mới kiểm tra và xác minh làm rõ.
Để giải thích rõ vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng đưa ra trường hợp cụ thể: Người tham gia giao thông mượn xe của bạn nhưng có đầy đủ giấy tờ hợp lệ bao gồm: giấy phép lái xe, bằng lái xe, bảo hiểm đối với xe máy và thêm sổ kiểm định chất lượng đối với xe ô tô, khi đi đường nếu vi phạm các lỗi như vượt đèn đỏ, dừng đỗ xe sai quy định, đi sai làn đường… CSGT kiểm tra đầy đủ giấy tờ thì cũng chỉ bị xử phạt các lỗi vi phạm chứ không xử phạt vì không có giấy tờ chính chủ nếu người vi phạm xác minh được xe đó là mượn của bạn bè mình.
Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ, khi tham gia giao thông phải có đầy đủ giấy tờ. Là bạn bè hay người thân, phải thực sự tin tưởng thì mình mới cho mượn xe và khi cho mượn đương nhiên phải giao giấy tờ để làm căn cứ cho người đó lưu thông hợp lệ.
Huệ Nguyễn