Lời cầu hôn xoa dịu nỗi tủi nhục của thiếu nữ thành bà già

05/11/2011 05:38
Theo Pháp luật & Thời đại
Khi được người đàn ông cầu hôn, chị vừa mừng, vừa tủi cho số phận éo le nhưng cũng có phần may mắn của bản thân
15 năm đã trôi qua, thế nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (ngụ số nhà 21, đường Trần Quang Khải, phường Cẩm Châu, Tp.  Hội An, tỉnh Quảng Nam), người phụ nữ mắc bệnh lạ hóa bà lão từ năm 12 tuổi vẫn nhớ như in buổi đến lớp cuối cùng ở mình. Trước những ánh mắt ghẻ lạnh, thái độ xua đuổi của bạn bè, cô bé bị khinh rẻ là “mắc bệnh quái vật” này lầm lũi đội mưa rời lớp học, nước mưa ngấm vào những nốt sưng khắp cơ thể không đau bằng nỗi đau bị coi là “người thừa”.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai
“Người thừa” trong cuộc sống Nhìn bề ngoài, không ai đoán được chị Mai mới 27 tuổi mà phải đoán chị là bà lão 60. Ngồi cạnh bà mẹ, ai không rõ chuyện sẽ chắc chắn tưởng chị Mai là…chị ruột của bà mẹ. Và khi nghe chị kể về cuộc đời với những chuỗi ngày thấm đẫm nước mắt, càng cảm động hơn về những khát khao, nghị lực sống và tình yêu gia đình mãnh liệt trong người phụ nữ tội nghiệp này. Sinh ra trong một vùng quê nghèo dựa lưng vào con sông Cổ Cò, trước mặt là triền cát trắng bao la, tuổi thơ cô bé Mai cũng như bao đứa trẻ ở các vùng quê khác: một buổi giúp cha mẹ chăn trâu, buổi kia tung tăng cùng đám bạn đến trường. Tuy nhiên, quãng thời gian thơ ấu của chị qua nhanh. Năm 1996, khi mới 12 tuổi, chị Mai bỗng nhiên có nhiều biểu hiện bệnh tật lạ như nổi nhiều mề đay, mặt sưng vù và toàn thân liên tục ngứa ngáy. Dù vất vả nhưng cả gia đình cũng cố gắng dành dụm tiền bạc, chạy vạy ngược xuôi để chữa trị cho con mình. Từ bệnh viện Hội An cho đến bệnh viện da liễu Đà Nẵng, cô bé đều được chuẩn đoán là bị mề đay và được chỉ định thuốc điều trị. Tuy nhiên, khi của cải trong nhà lần lượt ra đi theo từng đơn thuốc thì căn bệnh của chị lúc này cũng không hề thuyên giảm. Mặc dù sau đó gia đình đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, hễ có người mách cho địa chỉ chữa mề đay là tìm tới nhưng đều vô vọng. Cuộc sống tủi nhục của cô bé cũng bắt đầu từ đây.
Y học vẫn “bó tay” trước bệnh lạ của chị Mai

Ngay khi biết trường hợp chị Mai bị lão hóa sớm, nhiều đoàn cán bộ, y bác sĩ của các bệnh viện đã tổ chức thăm hỏi, khám và chẩn đoán bệnh cũng như chỉ định phương pháp điều trị cho cô gái đặc biệt này. Tại lần hội chẩn thứ hai diễn ra vào sáng 25/10 tại bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), hàng chục bác sĩ chuyên khoa đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Bộ Công An…sau hơn 3 giờ đồng hồ thảo luận đã đi đến một kết luận: Chưa xác định được căn bệnh chính đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc Mai. Các bác sĩ đều cho rằng nên tập trung theo dõi, tìm hiểu về da của bệnh nhân, có thể đây là căn bệnh lão hóa da. Bên cạnh đó, cần cân nhắc bênh viêm da dị ứng và bệnh tế bào mast (mastosytosis, dưỡng bào, tế bào bón). Theo PGS.TS Trần Thị Minh Diễm. chủ nhiệm bộ môn miễn dịch học (Đại học Y Dược Huế), bệnh nhân có nhiều biểu hiện tổn thương da và các tiền sử bệnh án của bệnh nhân khá trùng hợp cới loại bệnh này.
“Thủa nhỏ tui ao ước sau này sẽ được làm cô giáo, được đứng trên bục giảng dạy học cho bọn trẻ ở làng thì không gì hạnh phúc bằng. Đến khi bị căn bệnh mề đay hành hạ, tui lại ước sau này mình trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Tui thấy con người mang bệnh thì thật khổ”, chị Mai tâm sự. Từ khi mang trên mình căn bệnh toàn thân ngứa ngáy, da nổi từng mẩn đỏ, mặt thì sưng húp lên, cô bé phải chịu biết bao là dị nghị của mọi người. Đám bạn cùng trang lứa xem Mai như một “con quái vật”, chúng bảo chị là “bị SIDA (AIDS) ” nên không dám đến gần. Trong khi đó, người lớn thì bảo cô bé đã bị…ma nhập nên bàn ra tán vào và khuyên cha mẹ Mai đủ điều để “trừ” con ma. Điều này khiến cô bé càng ngày càng cô độc, bị xem như người thừa trong xã hội. “Đến lớp tôi được xếp ngồi một mình ở bàn cuối vì không có ai chịu ngồi cùng bàn. Nhiều lúc muốn hỏi bài nhưng không có ai đồng ý giúp đỡ vì cứ thấy tôi đến là mọi người lại bỏ chạy”, chị Mai xót xa nhớ lại. Không chịu nổi cơn ngứa ngáy hành hạ, càng không thể chịu được ánh mắt dị nghị, ruồng bỏ của mọi người, một năm sau cô bé phải bỏ học. Giờ đây chị vẫn nhớ như in cái ngày cuối cùng đến lớp dưới cơn mưa xối xả đầu mùa. Bước vào lớp với một tấm thân ướt nhem, nhưng bọng nước trên cơ thể gặp mưa bị bể ra khiến toàn thân cô học trò tội nghiệp bốc lên một mùi hôi tanh đến ngạt thở. Bạn bè bịt mũi, cô giáo thì ái ngại, hàng chục ánh mắt nhìn dò xét, khó chịu đã khiến Mai phải quay lui, lầm lũi bước về trong mưa. Ước mơ trở thành cô giáo, rồi bác sĩ thế là tiêu tan. Từ ấy Mai chỉ có một ước muốn duy nhất và luôn cháy bỏng trong lòng là mình được trở thành một con người bình thường, không bệnh tật, không bị mọi người kì thị. Bà Nguyễn Thị Mứt (52 tuổi) mẹ của chị Mai nhớ lại, con bà xuất hiện những nếp nhăn từ rất sớm và biểu hiện rõ trên khuôn mặt, sau đó đến vùng da cổ, tay và chân. Bà mứt kể: “Khi phát hiện bệnh, Mai có các biểu hiện ngứa, nổi mề đay, sưng vù mặt, người sút cân. Sau đó nghe nhiều người mách bảo, tôi mua rất nhiều thang thuốc nam và thuốc bắc để sắc cho con uống. Ban đầu thấy da trở lại như người bình thường, tuy nhiên sau tình trạng bệnh càng nặng. Cháu có biểu hiện suy nhược cơ thể, ăn uống và ngủ rất kém. Trước đó nó hoạt bát, nhanh nhẹn, hay cười với gia đình, hàng xóm bao nhiêu thì giờ đây, khi căn bệnh diễn biến ngày càng trầm trọng, con tôi nó suy sụp, tủi thân, ngại tiếp xúc với mọi người bấy nhiêu”. “Vợ chồng tôi có 3 đứa con, hai gái, một trai nhưng chỉ có Mai là mắc căn bệnh lạ lùng. Hai đứa kia cơ thể bình thường, không có biểu hiện bệnh tật gì hết”, bà mẹ buồn bã. Bỏ vợ sắp cưới để lấy “bà lão”
Dù sao thì cuộc đời vẫn không hoàn toàn khép cửa với chị, vì chị còn có may mắn là lấy chồng và sinh con. Nhìn anh chồng Trần Thanh Phương (SN 1976, ngụ phường Cẩm Thô, TP.Hội An), thoạt đầu chị Mai giống…mẹ hơn là vợ của anh Phương. Cũng dễ hiểu bởi khuôn mặt chị bị chảy sệ, da nổi mẩn đỏ và nhăn nheo, toàn cơ thể đều bị co rút lại. Tuy nhiên, mái tóc, giọng nói và cử chỉ của chị vẫn như một cô gái bình thường. Đó cũng là “cánh cửa” giúp chúng tôi biết thêm về câu chuyện tình kì lạ của “hai con người đặc biệt” này. Ba năm sau khi phải nghỉ học, chị Mai được người nhà cho đi học nghề may và sau đó xin vào làm thuê tại các tiệm may trong thành phố. Sau khi bị hết người này đến người khác từ chối nhận việc với muôn vàn lí do (thực tế là họ sợ - Lời chị Mai), chị được một cơ sở may mặc trên đường Nguyễn Trường Tộ nhận vào làm. Dù mức lương không cao nhưng đó là tất cả những gì chị có thể bù đắp cho gia đình sau những năm tháng vì chị mà khánh kiệt. Sự cam chịu, sự tủi nhục không chỉ hằn sâu trên khuôn mặt người phụ nữ u buồn này, mà còn hằn vào từng dáng đi, dáng ngồi. Hạn chế xuất hiện và hạn chế gặp mọi người, còn nếu có lỡ gặp ai, đến đâ cô cũng ngồi thu lu vào một góc, hai đầu gối co lên như cố giấu đi khuôn mặt bị lão hóa của mình. Một ngày cuối tháng 7/2006, có người đàn ông vào tiệm chị đặt may một bộ áo quần để làm đám cưới. Người đàn ông đó chính là anh Phương, chồng chị Mai bây giờ. Được biết, anh Phương cũng sinh ra trong một gia đình vô cùng khó khăn, bản thân anh từng có tiền sử bị bệnh tâm thần. Sau một trận ốm năm 1988, anh Phương tỉnh dậy với một con người ngây dại, hơi chút “being biêng”, mặc dù trước đó anh hoàn toàn khỏe mạnh. Cũng chính vì căn bệnh quái ác này đã khiến Phương phải bỏ học giữa chừng. Lớn lên một chút anh làm nghề chạy xe ôm thồ quanh quẩn trong thành phố để mưu sinh. Một tháng trước khi cưới vợ, Phương tìm đến quán trọ chị Mai làm thuê để đặt áo quần. Và rồi đùng một cái, anh Phương bỏ vợ sắp cưới để xe duyên với một “bà lão”, chính là bà Mai bấy giờ.
Lời cầu hôn xoa dịu nỗi đau
“Sao anh lại cưới chị Mai làm vợ”, chúng tôi hỏi. “Không biết, thích thì cưới thôi”, anh trả lời. Mặc dù không trở lại một người bình thường như trước nhưng anh Phương vẫn đủ tỉnh táo để ý thức và hành động với những câu chuyện, sự việc đơn giản. Anh chính là điểm tựa vững chắc cho chị Mai vững trãi vượt qua mọi khó khăn, đối mặt với bệnh tật. Suốt cuộc nói chuyện về căn bệnh của mình, chị Mai luôn giàn giụa nước mắt. Nhưng khi kể về chuyện hôn nhân, đặc biệt là lời cầu hôn của chồng, trên khuôn mặt nhăn nheo rớm lệ của chị lại ánh lên sự rạng ngời, hạnh phúc đến khó tả. “Hôm đó, tui đang may cái quần thì ổng vào đặt may đồ cưới cho mình. Không hiểu sao ông cứ nằng nặc đòi tôi phải trực tiếp đo và may cho ổng. Cứ nghĩ là chiều khách nên tôi được chủ quán yêu cầu may cho ổng, ai ngờ từ hôm sau ổng cứ đến miết để xem tôi may đồ”, chị cười tươi cho biết. Ngày giao áo quần cho khách như đã hẹn, anh Phương đến sớm và nói với chị Mai rằng: “Chị có làm vợ tui không, nếu đồng ý thì ta cưới nhau sớm”. Nhiều cảm xúc đan xen, lẫn lộn ập đến bên trong người phụ nữ tội nghiệp này. Chị vừa mừng, vừa tủi cho số phận éo le nhưng cũng có phần may mắn của bản thân. Một đám cưới đơn giản của hai gia đình nghèo được tổ chức nhanh gọn ngay sau đó, không ồn ào, rộn rã, nhưng chứa chan tình cảm… 5 năm sau khi cưới, cuộc sống của cặp vợ chồng này không có nhiều thay đổi. Vẫn những đứa cơm đạm bạc, bữa đói bữa no, chị Mai vẫn phải đối mặt với căn bệnh quái ác với một thể trạng ốm yếu. Tuy nhiên, điều khiến chị thấy an ủi nhất là anh Phương, chồng chị vẫn luôn ủng hộ hết mình cho việc chữa bệnh. “Khi tui lên cơn ngứa ngáy không chịu được, ảnh liền nghỉ việc và loay hoay ở nhà cả ngày để chăm. Có khi trong nhà chỉ còn mấy đồng tiền ăn phải chi tiêu tiết kiệm nhưng ảnh mua cho tui đủ thứ để tẩm bổ”, chị Mai cho biết. Niềm hạnh phúc khôn tả của cặp vợ chồng là khi hai đứa con lần lượt ra đời và hoàn toàn khỏe mạnh. Năm 2007, con gái đầu lòng là Trần Thị Ngọc Anh ra đời, hai năm sau Trần Thanh Rô cũng cất tiếng khóc chào đời trước sự vui mừng khôn xiết của người nhà. “Cháu muốn sau này mình làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ. Mẹ suốt ngày bị ngứa tội lắm”, không biết người lớn có dạy không nhưng khi Ngọc Anh hồn nhiên kể chuyện thì nhiều người đã không khỏi xúc động. Bệnh tật, chuyện tình và chuyện đời của “bà lão từ thủa 12” này sẽ còn nhiều điều bất ngờ ở phía trước, nhất là khi dư luận, các nhà khoa học đang quan tâm đến trường hợp đặc biệt này. Chào tạm biệt ra đình ra về, giọng anh Phương vừa phấn khởi vừa ngây ngô đến chạnh lòng: “nhờ các chú chữa bệnh cho vợ tui với, nhà tui chẳng có tiền!”
Đầu tháng 10/2011 vừa qua, người ta cũng phát hiện trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng (26 tuổi, ngụ Bến Tre) mắc bệnh lạ khiến già như bà lão 80. Các bác sĩ xác định chị Phượng có thể mắc bệnh vón tế bào da, hiện đã đưa mẫu ra nước ngoài thử nghiệm. Từ năm 2007, cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa da mặt và da tay nên mua thuốc chống dị ứng uống nhưng vẫn không khỏi, uống thuốc Đông y cũng không hết bệnh. Chỉ khoảng sau 2 tháng phát bệnh, cô từ một cô gái xinh đẹp duyên dáng đã thay đổi rất nhiều ở gương mặt và đôi cánh tay, càng uống thuốc thì mặt và tay càng đỏ, nổi sần nhiều hơn. 4 năm sau khi những triệu chứng ban đầu xuất hiện, Phượng đã không thể nhận ra được chính mình bởi da mặt chảy xệ, nhăn nheo như bà lão 80. Tình trạng lão hóa chỉ xảy ra ở gương mặt và cổ, các vùng khác trên cơ thể vẫn bình thường, kinh nguyệt đều đặn. Qua miêu tả của bệnh nhân, các bác sĩ cho rằng đây không phải là bệnh lão hóa như thế giới từng có trường hợp xảy ra, bởi lẽ những ca trẻ lão hóa thường có độ tuổi rất nhỏ.

Năm 2004, các nhà khoa học Anh đã giải mã được căn bệnh lão hóa ở trẻ, còn gọi là Progeria hay còn gọi là Hội chứng già trước tuổi Hutchinson – Gilford. Thủ phạm là một đột biến ở gene Lamin A.

Bệnh nhân không phát bệnh vào lúc mới sinh mà phải 18 tháng sau đó mới có các triệu chứng của tuổi già, như còi cọc, da nhăn nheo, mặt nhỏ, quai hàm to gần bằng đầu, bị hói vào lúc 4 tuổi, cơ quan nội tạng rệu rã và thường tử vong ở tuổi 13 – 14 vì những bệnh của người già như bệnh tim và đột quỵ. Trên thế giới, cứ khoảng 4 triệu người thì có một người mắc phải chứng Progeria.
Theo Pháp luật & Thời đại