BÁO PHƯƠNG ĐÔNG, TRUNG QUỐC:

"Mỹ không đủ khả năng đối đầu quân sự lâu dài với Trung Quốc"

16/01/2012 10:41
Đông Bình (Theo báo Phương Đông)
(GDVN) - “Chim ưng khổng lồ” Mỹ đang muốn chữa trị vết thương, không thể giằng co quân sự lâu dài với Trung Quốc, nên không cần “sợ bóng sợ vía” - học giả Mỹ.

Ngày 12/1, tờ “Liên hợp Buổi sáng” Singapore đã đăng bài viết của Xuelitai (dịch âm) - nhà nghiên cứu Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế - Đại học Stanford Mỹ.

Cụm tàu sân bay CVN72 của Hạm đội 7 Mỹ chạy trên biển Đông ngày 5/1/2012
Cụm tàu sân bay CVN72 của Hạm đội 7 Mỹ chạy trên biển Đông ngày 5/1/2012
Bài viết cho rằng, hiện nay Mỹ không đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục đối đầu quân sự lâu dài với một nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân mang tính khu vực như Trung Quốc, huống hồ là va chạm, xung đột. Về khách quan, Mỹ không có nguồn lực tài chính này, về chủ quan cũng không có ý chí quyết đấu như vậy. Hiện nay, mục đích chiến lược của Mỹ trong giằng co với Trung Quốc vẫn là “phòng”, chứ không phải là “chống”, cục diện “đấu chứ không phá” vẫn có thể tiếp tục duy trì.

Theo phán đoán của báo giới nước ngoài, nhìn vào tình hình quân sự thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Iran và Trung Quốc đã bị Mỹ coi là đối tượng tác chiến trong một cuộc chiến tranh lớn.

Ngày 5/1, với sự tháp tùng của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey,

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố một bản báo cáo chiến lược quân sự mới mang tên “Duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ: Nhiệm vụ ưu tiên của quốc phòng trong thế kỷ 21”.

Obama phát biểu nhấn mạnh, tuy Mỹ đối mặt với sức ép ngân sách, nhưng sẽ vẫn nỗ lực bảo đảm địa vị ưu thế siêu cường quân sự của họ và chuyển trọng điểm quân sự tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Obama còn cho biết, sau khi trải qua 10 năm chiến tranh, quân Mỹ đang ở vào một thời kỳ quá độ, cần thiết phải điều chỉnh trọng điểm quan tâm, sẽ cắt giảm quy mô, tinh giản binh lực,

“nhưng thế giới phải biết rằng, Mỹ sẽ duy trì ưu thế siêu cường quân sự cho lực lượng vũ trang của mình”, đồng thời duy trì tính linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với bất cứ trường hợp khẩn cấp và mối đe dọa nào.

Barack Obama tuyên bố, Mỹ sẽ chuyển trọng tâm quân sự tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cụm tàu sân bay CVN72
Cụm tàu sân bay CVN72
Hiện nay, Washington đối mặt với sức ép cắt giảm ngân sách chưa từng có, trong khi đó, kế tiếp việc rút quân khỏi Iraq, quân Mỹ đang rút quân khỏi Afghanistan. Trong thời điểm hai chiến trường Iraq và Afghanistan sắp kết thúc, Washington khó tránh khỏi việc đánh giá lại vai trò của quân Mỹ ở nước ngoài. Chiến lược quân sự mới của Mỹ đã ra đời trong bối cảnh đó.

Chính phủ Obama đã đưa ra kế hoạch cắt giảm ngân sách lớn, bao gồm cắt giảm chi tiêu quốc phòng 10 năm tới lên đến 450 tỷ USD.

Khi Mỹ quyết định cắt giảm chi tiêu quốc phòng và điều chỉnh lớn quy mô quân đội và cơ cấu quân binh chủng, thì chắc chắn Mỹ phải đề ra chiến lược quân sự mới để thích ứng với tình hình chính trị, quân sự quốc tế đã thay đổi, theo đó chiến lược quân sự mới đã ra đời. Dưới sự chỉ đạo của chiến lược quân sự mới, Washington bắt tay vào làm việc rất cụ thể.

Giải thích về chiến lược quân sự mới, có 3 điểm cần lưu ý: Một là Mỹ sẽ cắt giảm quy mô Lục quân, quân số lực lượng trên bộ sẽ tiếp tục giảm xuống, nhưng sẽ tăng đầu tư cho xây dựng hải, không quân, nhấn mạnh bảo đảm quyền kiểm soát trên không/trên biển ở các khu vực quan trọng trên toàn cầu.

Hai là, châu Âu đã không còn trở thành trọng tâm chiến lược của Mỹ, Mỹ sẽ tiếp tục giảm lực lượng quân sự ở châu Âu. Ba là, trong tương lai Mỹ sẽ tránh phát động các cuộc chiến tranh kéo dài như chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq.

Trong chiến lược quân sự mới, Mỹ sẽ thu hẹp quy mô của Lục quân, Lính thủy đánh bộ, nhưng lại tăng cường đầu tư cho Không quân, Hải quân. Trong hình là máy bay không người lái X-47B của quân đội Mỹ.
Trong chiến lược quân sự mới, Mỹ sẽ thu hẹp quy mô của Lục quân, Lính thủy đánh bộ, nhưng lại tăng cường đầu tư cho Không quân, Hải quân. Trong hình là máy bay không người lái X-47B của quân đội Mỹ.

Hai nội dung chính của chiến lược quân sự mới

Ngoài những vấn đề trên, chiến lược quân sự mới còn có những nét chính sau:

Thứ nhất, chiến lược quân sự mới cho thấy, trong tương lai Mỹ sẽ tiếp tục chuyển nguồn lực quân sự có hạn tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ “an ninh và thịnh vượng” của khu vực này.

Mỹ sẽ chuyển trọng điểm quân sự từ khu vực vịnh Péc-xích sản xuất nhiều dầu mỏ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và việc mở rộng lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được xác định là một nội dung làm việc ưu tiên nhất.

Nói cách khác, điều này có nghĩa là, mặc dù quân Mỹ sẽ tiếp tục tinh giản binh lực trên phạm vi thế giới, nhưng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu cần thiết, quân Mỹ sẽ không giảm mà còn tăng; còn ở vịnh Péc-xích thì đã duy trì đủ một lực lượng hải quân mạnh.

Năm 2012, Mỹ bắt đầu triển khai lính thủy đánh bộ tại Darwin, phía bắc Australia
Năm 2012, Mỹ bắt đầu triển khai lính thủy đánh bộ tại Darwin, phía bắc Australia

Thứ hai, mục tiêu của quân Mỹ trong tương lai chỉ là đánh thắng một cuộc chiến tranh lớn, đồng thời quân Mỹ còn muốn có khả năng ứng phó với bất cứ ý đồ xâm lược nào của nước thù địch thứ hai.

Trước đây, mục tiêu chiến lược của quân Mỹ là đánh thắng 2 cuộc chiến tranh lớn, đến nay giảm xuống còn 1 cuộc chiến tranh, điều này phản ánh Lầu Năm Góc biết rõ tình hình suy yếu sức mạnh quốc gia mang tính giai đoạn của Mỹ.

Cho đến nay, Mỹ vẫn rơi sâu vào cuộc khủng hoảng nợ, khôi phục kinh tế thiếu sức sống, rất nhiều lính Mỹ phải tham gia vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan, còn cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang là vấn đề hết sức cấp bách.

Lúc này, “con chim ưng khổng lồ” Mỹ hết sức muốn chữa trị vết thương, khôi phục nguyên khí. Do muốn chữa trị vết thương, “thu hẹp chiến tuyến” là việc phải làm, từ đó Mỹ chuyển mục tiêu chiến lược đánh thắng 2 cuộc chiến tranh thành đánh thắng 1 cuộc chiến tranh, điều này phù hợp với logic tư duy chiến lược.

Theo phán đoán của báo chí nước ngoài, nhìn vào tình hình quân sự thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Iran và Trung Quốc đã bị Mỹ coi là đối tượng tác chiến trong “đánh thắng một cuộc chiến tranh lớn”.

Mỹ đưa ra chiến lược quân sự mới có thể có nghĩa là Mỹ sẽ gia tăng đầu tư quân sự cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã chuyển từ giai đoạn quy hoạch chiến lược sang thực thi chiến lược.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại căn cứ quân sự Okinawa Nhật Bản
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của quân Mỹ tại căn cứ quân sự Okinawa Nhật Bản

Sau khi Obama công bố chiến lược quân sự mới, Nhật Bản – đồng minh chủ yếu của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đã nhanh chóng hưởng ứng.

Tờ “Yomiuri Shimbun” cho rằng, chiến lược quân sự mới của Mỹ trông đợi phát huy vai trò của đồng minh. Nhật Bản cần có đóng góp về mặt phòng vệ. Liên tục 10 năm trở lại đây, Nhật Bản giảm ngân sách quốc phòng. Nhật Bản “phải dừng lại phương châm cắt giảm này, lấy tái chỉnh đốn quân bị làm nhiệm vụ hàng đầu”.

Với sự nổi lên của Trung Quốc, Mỹ đang tăng cường mức độ ngăn chặn. Điều này không có gì phải ngạc nhiên.

Sau khi thế giới bước vào thời đại hạt nhân, hai nước đều sở hữu tên lửa hạt nhân tầm xa này chưa từng xảy ra chiến tranh, kể cả xung đột biên giới quy mô lớn.

Cục diện mới các nước lớn sở hữu hạt nhân chung sống với nhau cũng đem lại nhân tố kiềm chế mới có hiệu quả đối với tình hình chiến lược đối đầu giữa hai cường quốc ngày càng xấu đi.

Mỹ sử dụng sức mạnh của nước khác để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Từ năm 2010 đến nay,

trong các sự kiện xung đột quốc tế như tàu chiến Choenan bị bắn chìm, Hàn Quốc, Nhật Bản đã ra sức tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ. Chắc chắn, Mỹ cũng có tính toán chiến lược đối với điều này.

Mỹ bán cho Philippinese tàu tuần tra Hamilton
Mỹ bán cho Philippinese tàu tuần tra Hamilton

Như vậy, Bắc Kinh không cần phải quá căng thẳng về chiến lược quân sự mới của Mỹ, quan hệ Mỹ-Trung vẫn đang thay đổi, cần tiếp tục quan sát. Không cần phải “sợ bóng sợ vía”, “trông gà hóa cuốc”.

Hiện nay, Mỹ không có đủ nguồn lực tài chính để giằng co quân sự lâu dài với một nước lớn hạt nhân tầm khu vực như Trung Quốc, huống hồ là va chạm, xung đột.

Về khách quan, Mỹ không có nguồn lực tài chính này, về chủ quan, Mỹ cũng không có ý chí quyết đấu này. Hiện nay, mục tiêu chiến lược giằng co với Trung Quốc của Mỹ vẫn là “phòng” chứ không phải “chống”.

Mặc dù giữa “phòng” và “chống” hoàn toàn không có ranh giới không thể vượt qua, nhưng cục diện “đấu mà không phá” vẫn có thể duy trì.

Đông Bình (Theo báo Phương Đông)