Mỹ muốn mở kho hậu cần quân sự ở Việt Nam và Campuchia

18/03/2016 08:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Mặc dù các thiết bị mà Mỹ muốn mở kho lưu trữ ở Campuchia và Việt Nam không phải để phục vụ chiến tranh, nhưng đó là một thông điệp mạnh mẽ.

The Diplomat ngày 18/3 đưa tin, để ngăn chặn các hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, quân đội Mỹ đang muốn mở các kho hậu cần quân sự ở một số quốc gia châu Á, bao gồm Campuchia và Việt Nam.

Defense News dẫn lời tướng Dennis Via, Tư lệnh Trang bị Lục quân Hoa Kỳ phát biểu trong hội nghị chuyên đề về các lực lượng quân sự Mỹ trên toàn cầu năm nay nói, quân đội Mỹ có kế hoạch thiết lập 8 kho đảm bảo hậu cần quân sự trên toàn cầu.

Lực lượng hải quân Mỹ ở nước ngoài, ảnh: Business Insider.
Lực lượng hải quân Mỹ ở nước ngoài, ảnh: Business Insider.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm kiếm khả năng mở các kho hậu cần quân sự ở Campuchia và Việt Nam để chứa các thiết bị phục vụ hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa để lực lượng Mỹ trong khu vực có thể phản ứng nhanh hơn.

"Chúng tôi cũng đang tìm kiếm nơi đặt một bệnh viện quân y hỗ trợ tác chiến tại Campuchia", tướng Dennis Via cho biết. The Diplomat bình luận, kế hoạch tướng Via đưa ra chắc chắn sẽ gây tranh cãi về chính trị.

Mặc dù các thiết bị mà Mỹ muốn mở kho lưu trữ ở Campuchia và Việt Nam không phải để phục vụ chiến tranh, nhưng đó là một thông điệp mạnh mẽ chống lại các hành vi bành trướng, khiêu khích của Trung Quốc trên Biển Đông.

The Diplomat nhận định, việc lưu trữ các thiết bị quân sự Mỹ tại Campuchia có thể xem như một sự hiện diện thường trực quy mô nhỏ của Mỹ trong khu vực. Điều này có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa hữu ích và tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và các nước châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ không có căn cứ quân sự thường trực.

Các căn cứ hậu cần khác của quân đội Mỹ là nơi chứa vũ khí, ví dụ như căn cứ hậu cần quân sự của Mỹ tại châu Âu chứa 200 xe tăng hạng nặng M1 Abrams, 138 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, 18 cỗ pháo tự hành M109 Paladin. Quân đội Mỹ hiện cũng vừa gửi 5 ngàn tấn đạn dược đến châu Âu và đặt tại các căn cứ hậu cần quân sự.

Hồng Thủy