Mỹ thay đổi chiến lược: Hạm đội 3 có thể tuần tra Tây Thái Bình Dương, Biển Đông

28/09/2015 07:29
Việt Dũng
(GDVN) - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hy vọng Hạm đội 3 mở rộng hoạt động, động thái của Nhật Bản tiết lộ chiến lược của Mỹ sẽ thay đổi.

Hãng tin BBC Anh ngày 27 tháng 9 đưa tin, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift mong muốn, Hạm đội 3 từ trụ sở ở San Diego Mỹ mở rộng hành động quân sự tới Tây Thái Bình Dương, hợp tác chặt chẽ hơn với Hạm đội 7 đóng ở Nhật Bản.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift

Hãng tin Reuters Anh đưa tin, hai bài phát biểu gần đây của Đô đốc Scott Swift hầu như không gây chú ý cho báo chí; nhưng trong bài phát biểu, ông nghi ngờ sự cần thiết phải vạch ra ranh giới hành chính theo đường đổi ngày quốc tế (IDL),

giới hạn khu quản lý của Hạm đội 7 ở Tây Thái Bình Dương, trong khi Hạm đội 3 phụ trách quản lý khu vực phía đông đường đổi ngày quốc tế.

Quan chức Hải quân Mỹ cho biết, Nhật Bản ngày 18 tháng 10 sẽ tổ chức diễn tập duyệt binh trên biển 3 năm 1 lần, phô trương sức mạnh quân sự của Lực lượng Phòng vệ Biển.

Khi đó, Mỹ sẽ tham gia với đại diện là Tư lệnh Hạm đội 3, Phó đô đốc Nora Tyson, chứ không phải do Tư lệnh Hạm đội 7 đại diện. Điều này cơ bản đã tiết lộ thông tin chiến lược của Mỹ sẽ thay đổi.

Tư lệnh Hạm đội 3, Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Nora Tyson
Tư lệnh Hạm đội 3, Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Nora Tyson

Khi thăm trụ sở của Hạm đội 7 ở Yokosuka Nhật Bản, Đô đốc Scott Swift cho biết: "Nhìn thấy Phó đô đốc Nora Tyson tiến hành tác chiến tuyến đầu nhiều hơn, là một khâu của phát triển tư tưởng này, tôi cũng sẽ không bất ngờ".

Đô đốc Scott Swift cho biết, nếu chiến lược thay đổi, 2 hạm đội hoàn toàn sẽ không di chuyển trụ sở, nhưng sẽ có thể triển khai hợp tác "ở khu vực không ổn định nhất". Nhưng ông hoàn toàn không nói rõ chi tiết.

Phát biểu nói trên của Đô đốc Scott Swift đúng vào lúc Trung Quốc bành trướng lãnh thổ ở các vùng biển tranh chấp châu Á, nhất là ở khu vực Biển Đông, khiến cho tình hình căng thẳng ngày càng leo thang.

Bắc Kinh đang xây dựng (bất hợp pháp) 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), trong đó có 3 đường băng máy bay (ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn).

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực (ảnh nguồn huffingtonpost.com)
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực (ảnh nguồn huffingtonpost.com)

Quan chức hải quân Hạm đội Thái Bình Dương tiết lộ với hãng Reuters, kế hoạch này bám sát tư tưởng tiến hành "tác chiến tuyến đầu" (operating forward) của Hạm đội 3, có ý đồ xóa bỏ giới hạn quản lý hành chính, nhưng kế hoạch này vẫn ở trong giai đoạn ý tưởng.

"Tác chiến tuyến đầu" là một thuật ngữ hải quân, ý chỉ hải quân tuần tra và thực hiện nhiệm vụ ở khu vực tác chiến xa xôi.

Hạm đội 3 Mỹ là một trong 6 hạm đội lớn của Hải quân Mỹ. Phạm vi quản lý ở dải vùng biển phía đông và bắc Thái Bình Dương, diện tích khoảng 5.000 km2 (bao gồm biển Bering, Alaska, quần đảo Aleutian và một phần Bắc Cực), bộ tư lệnh được thiết lập ở căn cứ hải quân Point Loma, San Diego, bang California.

Hạm đội 3 phụ trách bảo đảm sự thông suốt của tuyến đườnng giao thông dầu mỏ và thương mại trên biển ở toàn bộ vành đai Thái Bình Dương.

Hạm đội 3 có trên 21 tàu chiến chủ lực và hơn 8.000 thành viên hải quân của trụ sở trên bờ, có 5 tàu sân bay động cơ hạt nhân.


Việt Dũng