Mỹ thúc đẩy mở rộng thị trường vũ khí sang Việt Nam

14/05/2015 09:51
Hồng Thủy
(GDVN) - "Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn", Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh...
Các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, ảnh: AP.
Các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lễ diễu binh kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, ảnh: AP.

Bloomberg ngày 13/5 đưa tin, lo lắng trước sự bành trướng và hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam muốn mua sắm các phần cứng quân sự của Hoa Kỳ trang bị cho quân đội. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội gần đây đã tổ chức cho một nhóm các nhà thầu quốc phòng của mình tìm hiểu thị trường Việt Nam, họ có thể cung cấp từ hệ thống radar, thiết bị nhìn đêm cho đến máy bay.

Sĩ quan cap cấp của quân đội (Hoa Kỳ) đã không có mặt vì tính nhạy cảm của hoạt động này khi nó diễn ra chỉ trước 8 ngày Việt Nam kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Nhưng cuộc gặp gỡ cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm điều gì. "Không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn", Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương nói với Bloomberg qua điện thoại.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đang tìm kiếm thị trường mới tại các nước Đông Nam Á, tận dụng mối quan ngại của các nước này trước chi tiêu quân sự quá lớn của Trung Quốc cho máy bay tầm xa, tàu chiến và tàu ngầm. Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức buổi xúc tiến thương mại hôm 22/4 sau khi Washington tuyên bối nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam tháng 10 năm ngoái.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực và Trưởng đại diện Việt Nam cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN nói với Bloomberg: "Trong những tháng tới sẽ có nhiều cuộc hội thảo, các cuộc họp và các chuyến quay trở lại giữa các công ty Mỹ với khách hàng tiềm năng Việt Nam của họ. Đã có một sự quan tâm đột biến giữa các nhà thầu quốc phòng Mỹ." Hơn 10 công ty quốc phòng Hoa Kỳ có mặt tại hội thảo, bao gồm tập đoàn Boeing, BAE Systems Plc, Lockheed Martin, Honeywell International Inc.

Giao lưu hải quân Việt - Mỹ, ảnh: Tuoitre News.
Giao lưu hải quân Việt - Mỹ, ảnh: Tuoitre News.

Các nhà thầu quốc phòng Mỹ đã sử dụng bài thuyết trình trên powerpoint để cung cấp thông tin về máy bay trực thăng, tàu thuyền và các hệ thống thông tin liên lạc, ông Thành cho biết. Người phát ngôn Boeing, Jay Krishnan thì nói rằng: "Bất kỳ doanh số bán hàn nào liên quan đến quốc phòng với Việt Nam sẽ phải tuân theo chính sách của chính phủ Mỹ với Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Boeing có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của Việt Nam về khả năng cơ động, giám sát tình báo, nền tảng trinh sát".

Karen Adam, Giám đốc phát triển kinh doanh quốc tế tập đoàn Exelis Inc nói với Bloomberg, hội thảo lần này có nhiều công ty quốc phòng hàng đầu, các thị trường mới chỉ thỉnh thoảng mới xuất hiện. Có lợi ích rõ ràng từ cả hai phía, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tuong Vu, một giáo sư về khoa học chính trị đại học Oregon cho biết qua điện thoại, Việt Nam sẽ muốn mua phụ tùng thay thế cho các máy bay quân sự Mỹ còn sót lại sau chiến tranh. Việt Nam sẽ dành một hoặc hai năm xem lại những gì Mỹ đã cung cấp và những gì phù hợp với các hệ thống hiện có. Lệnh cấm vận được nới lỏng và Việt nam bắt đầu mua sắm các loại vũ khí khí tài, quân đội đặc biệt mừng vì điều này.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế tại Stockholm, chi tiêu quân sự của Việt nam đã tăng 128% kể từ năm 2005, phản ánh trong căng thẳng lãnh thổ với Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam theo ước đoán của tổ chức này đã tăng 9,6% trong năm 2014 lên 4,3 tỉ USD. Mỹ đang cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra, là một phần trong gói viện trợ quân sự 18 triệu USD.

Tuy nhiên Collin Koh, một chuyên gia tại trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam Singapore nói qua điện thoại, từ lâu Việt Nam đã "dựa vào" vũ khí Nga nên khó trở thành khách hàng lớn của Mỹ. Nga bán cho Việt Nam cả máy bay và tàu ngầm, họ luôn sẵn sàng cung cấp những gì Việt Nam cần nên người Việt không muốn gây nguy hiểm cho mối quan hệ này. Ông cho rằng Việt Nam quan tâm đến hệ thống giám sát tiên tiến của Mỹ.

"Hiện người Việt không có hệ thống giám sát tầm ngắn trên bờ biển của mình. Việt Nam có thể nhận ra một mục tiêu rất lớn nhưng không có ý tưởng nào về nó. Nó có thể là một tàu sân bay, cũng có thể là một tàu chở dầu lớn", Collin Koh bình luận. 

Về buổi hội thảo này, ông Thành cho biết người Mỹ rất hào hứng. Một trong số đại diện các nhà thầu đã đứng lên hỏi về ngân sách quốc phòng hàng năm của Việt Nam, người đứng trên bục nói: "Tôi biết điều đó, nhưng tôi không thể cung cấp cho ngài."

Hồng Thủy