Myanmar ngày 17/3 bầu Tổng thống, dự án đập Trung Quốc vẫn mông lung

09/02/2016 07:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Tháng 9/2011 Tổng thống Myanmar Thein Sein đã "thả bom" vào mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc khi ông tuyên bố, dự án thủy điện lớn nhất...

Reuters ngày 8/2 đưa tin, Quốc hội Myanmar sẽ bầu cử Tổng thống mới vào ngày 17/3, rất gần với hạn chót 1/4. Điều này cho thấy đàm phán giữa đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi với quân đội nước này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với kế hoạch ban đầu.

Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: The Guardian.
Bà Aung San Suu Kyi, ảnh: The Guardian.

Một nhà lập pháp quân sự hàng đầu hôm 8/2 phủ nhận thông tin NLD và các lực lượng vũ trang đang thảo luận về sửa đổi Hiến pháp để bà Aung San Suu Kyi có thể trở thành Tổng thống Myanmar. Trước đó một thành viên cấp cao của NLD nói với báo chí, Tổng thống mới sẽ được bầu vào tháng Hai.

Nhưng kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Myanmar khóa mới đã quyết định, quá trình này sẽ bắt đầu 2 tuần trước khi chính phủ mới lên kế hoạch bắt đầu nhiệm kỳ của mình ngày 1/4.

Nikkei Asian Review ngày 8/2 bình luận, tháng 9/2011 Tổng thống Myanmar Thein Sein đã "thả bom" vào mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc khi ông tuyên bố, dự án thủy điện lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á trị giá 3,6 tỉ USD xây dựng đập Myitsone miền Bắc Myanmar sẽ bị đình chỉ trong suốt nhiệm kỳ của ông.

Đó là một cú sốc đối với Trung Quốc vốn tin rằng, Myanmar đã nằm trong vòng "quỹ đạo" của Bắc Kinh. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Myanmar, và cũng là quốc gia đầu tiên ông Thein Sein sang thăm khi nhậm chức. Trong chuyến thăm này, ông Thein Sein đã ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của nước mình với Trung Quốc.

Phản ứng trước việc Myanmar tuyên bố ngừng dự án đập Myitsone là Bắc Kinh đổ lỗi cho Hoa Kỳ phá hoại lợi ích của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng một số nhóm xã hội dân sự do Mỹ tài trợ đã vận động chống lại dự án đập Myitsone.

Câu hỏi quan trọng đặt ra hiện nay là, liệu Nội các mới của bà Aung San Suu Kyi có tiếp tục duy trì quyết định này của Tổng thống Thein Sein hay không, bởi một phần lớn ngân sách dự án đã được chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ban đầu, Trung Quốc đã thuyết phục Myanmar rằng, đập Myitsone sẽ có lợi cho cả hai bên, mặc dù Trung Quốc sẽ tiêu thụ 90% sản lượng điện từ con đập này và nó sẽ trở thành tài sản của Myanmar vài chục năm sau đó. Nhưng Bắc Kinh đã không hiểu rằng con đập này phạm vào một biểu tượng cốt lõi của dân tộc Miến Điện.

Con đập nằm ở bang Kachin, gần nơi hợp lưu của hai nhánh tạo thành con sông Irrawaddy và là một vùng đất thiêng đối với Kachin. Đa số dân tộc Miến Điện xem Irrawaddy là huyết mạch của đất nước, là nơi phát tích của các vương triều Myanmar trong nhiều thế kỷ.

Trung Quốc vẫn muốn xây dựng con đập, dù chưa có gì chắc chắn. Bắc Kinh có thể cố gắng thúc đẩy chính phủ mới ở Myanmar cho phép điều này. Để đạt được mục đích, người Trung Quốc có thể cung cấp cho Myanmar một lượng điện năng lớn hơn, hoặc xây dựng 2 con đập nhỏ hơn một chút ở thượng nguồn hai nhánh sông Irrawaddy.

Tuy nhiên, bất kỳ sự cho phép nào làm tái khởi động dự án xây dựng đập Myitsone cũng có thể tạo ra vấn đề mới đối với chính quyền. Các phong trào hoạt động bảo vệ môi trường ở Myanmar sẽ phản đối xây đập thủy điện ở khu vực này.

Hồng Thủy