Người dân TP Hồ Chí Minh vất vả với triều cường

30/10/2011 08:51
QUANG KHẢI - BÍCH TRÂN (Tuổi trẻ)
Đợt triều cường trong những ngày cuối tháng 10 lên cao gần bằng với đỉnh triều lịch sử năm 2009 (1,56m) đã gây ngập phố xá, nhà cửa, bể bờ bao...

Người dân mệt mỏi

Những ngày này người dân trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) điêu đứng vì bị nước ngập “tấn công”. Đều đặn mỗi ngày hai lần, nước trào lên từ các hố ga gây ngập đường, tràn vào các ngõ hẻm biến con đường này thành một “vùng lũ”.

Nhiều cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) bị nước bủa vây trong đêm 28-10, gây ảnh hưởng nặng nề việc làm ăn - Ảnh: Q.Khải

Nhiều cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) bị nước bủa vây trong đêm 28-10, gây ảnh hưởng nặng nề việc làm ăn - Ảnh: Q.Khải

Để đối phó, người dân hai bên đường dùng nhiều biện pháp đối phó như dùng bao cát, ván chắn phía trước. “Nhưng chúng tôi cũng phải bó tay khi nước từ các lỗ cống thoát nước trong nhà chui lên. Có đêm chúng tôi thức quá 12 giờ đêm để tát nước, chưa kịp lau dọn thì thấy nước lại ngập mênh mông.

Toàn bộ vật dụng như tủ lạnh, máy giặt tôi phải kê lên cao gần 1m” - chị Nguyễn Thị Kim Anh, chủ cửa hiệu cho thuê sách 209 Bùi Hữu Nghĩa, cho biết. “Nước ngập bủa vây, xe chạy còn không được thì ai vào mua” - anh Tài, chủ cửa hàng đĩa CD  Thái Thảo, than thở. Tội nhất là hơn 3.000 học sinh của Trường tiểu học Lam Sơn và Trường THCS Lam Sơn 2 ngày hai lượt bì bõm lội nước đến trường.

Cô Nguyễn Kim Trưng, hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn 2, cho biết có những hôm nước ngập tràn vào sân trường kéo theo bùn non, rác rưởi, học sinh phải dồn hết lên lầu để học. Mới đây, nước ngập lại ùa vào sân trường, tràn qua dãy phòng tầng trệt ngay giờ học thực hành môn lý. Cô giáo bộ môn phải buộc áo dài, xắn quần để tiếp tục dạy vì không thay đổi được lịch học. “Dạy ở đây nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy nước ngập kinh khủng như vậy. Chứng kiến cảnh học sinh té ngã trong nước ngập, phụ huynh đòi chuyển trường cho con mà mình thấy đau lòng ghê gớm, muốn giúp các em nhưng đành bất lực” - cô Trưng tâm sự.

Không chỉ ở Bình Thạnh, người dân tại nhiều nơi khác cũng khổ sở vì triều cường. Chị Lê Thị Ngọc Hương (ngụ tại 186 Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6) cho biết nền nhà chị bị trũng so với mặt đường. Khi đợt triều cường đầu tiên xuất hiện cách đây nửa tháng, chị Hương cho làm “đê bao mini” để ngăn nước tràn qua cửa. Thế nhưng, trong đợt triều cường lúc 18g ngày 28-10, nước tràn ngập nhà chị. Sáu mẹ con chị Hương vốn sống chen chúc trong căn nhà chỉ 15m2 nay càng chật chội hơn bởi một phần nhà đã được nhường chỗ để kê đồ đạc.

Anh Nguyễn Tính (chủ quán cà phê tại kiôt 68E An Dương Vương, P.16, Q.8) nói: “Nhìn nước ngập tràn vào nhà mà tôi muốn rớt nước mắt. Không chỉ buôn bán ế ẩm, mất thu nhập mà gia đình tôi còn phải chịu đựng mùi hôi thối kinh khủng bởi nước cống theo triều cường dâng lên đầy nhà”.

Nước ngập trên đường 53 (tổ 52) KP 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Theo người dân, trước đây nước ngập vào nhà chỉ kê hai viên gạch là được, còn bây giờ nền nhà nâng 0,5m mà vẫn ngập tới đầu gối (ảnh chụp lúc 20g30 tối 29-10) - Ảnh: Việt Quê

Nước ngập trên đường 53 (tổ 52) KP 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Theo người dân, trước đây nước ngập vào nhà chỉ kê hai viên gạch là được, còn bây giờ nền nhà nâng 0,5m mà vẫn ngập tới đầu gối (ảnh chụp lúc 20g30 tối 29-10) - Ảnh: Việt Quê

Doanh nghiệp ngưng sản xuất

Đứng giám sát chiếc xe ủi đang giặm lại nền đất, ông Nguyễn Anh Tuấn (chủ doanh nghiệp tại số 158A An Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân) ngán ngẩm nhìn khu đất rộng 5.000m2 của mình tan hoang vì triều cường. Ông cho biết khu đất này được ông đầu tư để làm kho, nhà xưởng cho thuê hơn một năm nay. Thế nhưng, đợt triều cường đã khiến ông thiệt hại nặng. Toàn bộ kho, xưởng bị ngập nước cống hôi thối đến hơn nửa mét. Tường xưởng từ đó bị ẩm mục, đất nền trong khu vực bị xuống cấp trầm trọng. Các đơn vị đến thuê mặt bằng của ông hầu hết đều đặt máy móc, thiết bị điện tử nên đành phải dọn đi thuê nơi khác.

Dọc đường Nguyễn Văn Luông, khu vực sát kênh Lò Gốm, xưởng kinh doanh của bà Võ Thị Tiến nằm trong khu đất 186 Nguyễn Văn Luông cũng điêu đứng vì những đợt triều cường. Do các máy cán, cắt phế liệu của xưởng bà Tiến chạy bằng điện nên khi triều cường “bao vây” trong khoảng đất 200m2 chứa đầy máy móc, bà Tiến phải cho ngưng máy để tránh bị điện giật. Toàn bộ thành phẩm được bà huy động bảy nhân viên của xưởng kê lên cao để tránh hư hỏng.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ nay đến cuối năm còn 4-5 đợt triều cường, trong đó có hai đợt triều cường lớn tương đương với đỉnh triều trong những ngày vừa qua, xảy ra vào cuối tháng 11 và cuối tháng 12. Vì vậy nếu không triển khai các giải pháp cấp bách ngay từ bây giờ như gia cố bờ bao, lắp đặt van ngăn triều thì nguy cơ ngập trên diện rộng vẫn có khả năng xảy ra.

Chống ngập đường phố: tiếp tục chờ

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, giải pháp căn cơ lâu dài giải quyết tình trạng triều cường đang trông chờ vào việc xây dựng hệ thống đê bao khép kín và 13 cống lớn từ Bến Súc (huyện Củ Chi) đến sông Kinh Lộ (Long An) theo quyết định 1547 của Thủ tướng Chính phủ trong những năm tới. Riêng dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè giải quyết ngập do triều cường cho bảy quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình đang thi công sẽ hoàn thành vào quý 1-2012.

QUANG KHẢI - BÍCH TRÂN (Tuổi trẻ)