"Người Hà Nội cần học tập cái gọi là không xảo trá trong giao thông"

09/07/2012 19:30
Lăng Nguyễn
(GDVN) - "Người Hà Nội thanh lịch nên vào TP.HCM học tập cái hay của người miền Nam là tính chân thực, niềm nở với khách hàng, không xảo trá trong ý thức giao thông... Đừng quá tự mãn cho mình là "không thơm cũng tựa hoa lài" kẻo rồi ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

Về clip ông Tây chặn xe, phân làn giao thông, hiện nay, bên cạnh những ý kiến bày tỏ lo ngại về sự thiếu ý thức khi tham gia giao thông, nhiều độc giả đã gửi ý kiến so sánh về văn hóa giao thông ở thủ đô Hà Nội với văn hóa giao thông ở các tỉnh thành khác.

Sau đây, báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin trích đăng những ý kiến tiêu biểu:

Độc giả Lê Thắng tâm sự: “Khi xem xong clip ông Tây chặn xe, phân làn giao thông, thú thực, tôi cảm thấy xấu hổ và buồn. Tôi từng sống ở Hải Phòng, Hà Nội và hiện đang làm việc tại TP.HCM. Nhưng điều lạ là dù dân Hải Phòng nổi tiếng là "đầu gấu", nhưng họ rất có lòng tự trọng khi tham gia giao thông.

Còn TPHCM, lượng dân nhập cư cũng nhiều không kém gì thủ đô. Trong số đó, người miền Bắc vào đây lập nghiệp, sinh sống không hề ít chút nào. Thế nhưng, người Bắc trong TP.HCM rất hòa đồng, lịch sự (mặc dù nhiều người là lao động phổ thông).

Thiết nghĩ, Hà Nội cũng như bao thành phố khác nhưng tại sao lại có hiện tượng kém văn hóa đến vậy? Có đến hàng tỷ câu trả lời, nhưng theo thiển nghĩ của tôi, đều do ý thức của con người sống trong cộng đồng đó cả.

Nếu một cộng đồng mà ai đó có tư duy: "con - cháu -các -cụ - cả (5C)", thì thử hỏi làm gì còn chỗ thực thi cho pháp luật. Khi pháp luật không đủ sức răn đe thì ắt sẽ loạn. Đó là điều mà những người có lương tri không bao giờ mong muốn”.

Ngược lại, độc giả tên Công là một người miền Bắc đã làm việc 8 năm TP.HCM, nay chuyển lại ra Hà Nội làm việc, đã đưa ra  những so sánh rất đáng suy nghĩ: “Văn hóa giao thông ở Hà Nội còn xa mới bằng TP. HCM.

Tôi làm việc ở tp HCM 8 năm, nay ra "Hà Lội" nhận xét như vậy. Tôi là người miền Bắc nhưng những gì kém cỏi của Hà Nội thì đúng là người dân sống ở Hà Nội phải ý thức sao cho xứng với "ngàn năm văn hiến".

Người Hà Nội thanh lịch nên vào TP.HCM học tập cái hay của người miền Nam là tính chân thực, niềm nở với khách hàng, không xảo trá trong ý thức giao thông... Đừng quá tự mãn cho mình là "không thơm cũng tựa hoa lài" kẻo rồi ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.

Hình ảnh ông Tây chặn xe phân làn giao thông được cắt ra từ clip.
Hình ảnh ông Tây chặn xe phân làn giao thông được cắt ra từ clip.

Trong khi đó, độc giả Anh Việt nói: “Chúng ta đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước. Mọi người mong rằng Hà Nội phải là thành phố kiểu mẫu về mọi mặt, để mỗi khi nhân dân các địa phương đến Hà Nội, họ sẽ có những nhìn nhận và kỷ niệm đẹp. Nhưng xem ra, điều này lại không được như vậy.

Có nhiều người ở các tỉnh khi đến Hà Nội và kể cả người Hà Nội khi đi thăm TP. HCM, Đà Nẵng..., đều so sánh Hà Nội nhìn tổng thể đường phố, nền nếp và trật tự vệ sinh còn kém.

Thật sự Hà Nội chưa phải là thành phố xanh - sạch - đẹp như khẩu hiệu. Đặc biệt có nhiều ý kiến cho rằng người Hà Nội thiếu văn minh trong buôn bán, đưa giá cao nhằm “bóp” khách hàng nước ngoài và bà con ở phía Nam ra Hà Nội, người bán hàng có thái độ khiếm nhã khi khách không đáp ứng ý mình...

Những điều nhận xét trên thật là đúng với thực tế hiện nay. Chúng ta, những người đang sống và làm việc tại thủ đô rất buồn khi nhận được những nhận xét như vậy.

Mong rằng mọi người dân đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội cần suy nghĩ và thay đổi cách sống cho phù hợp với danh tiếng dân Hà Thành, mong những nhà quản lý nên suy nghĩ nhiều hơn tăng cường giáo dục, biện pháp quản lý quy hoạch chung để có ngày Thủ đô đi đầu cả nước về mọi mặt.

Các phương tiện truyền thông cần có thời lượng nhiều hơn, thường xuyên trong công tác tuyên truyền giáo dục người Hà Nội sống văn minh, thanh lịch để người dân cả nước nhìn vào như là một mẫu mực...”

Hình ảnh ông Tây chặn xe phân làn giao thông được cắt ra từ clip.
Hình ảnh ông Tây chặn xe phân làn giao thông được cắt ra từ clip.

Đáng chú ý, độc giả Lê Thanh Duy, một người đến từ Cần Thơ cũng lấy ý thức của người dân nơi đây như một ví dụ, một bài học cho người dân Hà thành:  

“Tôi ở Cần Thơ nhưng tôi thấy những người ở quê lên thăm con là sinh viên lại đi rất đúng đường, đèn đỏ dừng xe nghiêm túc. Còn người Cần Thơ cũng rất tôn trọng luật giao thông.

Đừng đổ cho người ngoại tỉnh. Nếu dân thủ đô đi nghiêm túc thì người ngoại thành cũng không dám có hành vi giao thông bừa bãi đâu”.

Lăng Nguyễn