Nhà báo Mỹ: Về "đội quân mạng bí mật" của ông Putin

20/03/2015 10:29
Nguyễn Hường
(GDVN) - Họ được cho là những blogger bị cáo buộc ăn lương nhà nước để đăng tải các bài viết, bình luận chỉ trích Ukraine và phương Tây trên mạng truyền thông.

BBC ngày 19/3 đăng tải bài viết cung cấp một số chi tiết được cho là cách thức hoạt động của lực lượng blogger bí mật của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa).
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa).

Theo BBC, Tổng thống Nga Vladimir Putin có một đội quân mạng xã hội được gọi là "Kremlin trolls". Họ được cho là những blogger bị cáo buộc ăn lương nhà nước để đăng tải các bài viết, bình luận chỉ trích Ukraine và phương Tây trên các phương tiện truyền thông xã hội và đưa ra những lời khen cho các nhà lãnh đạo ở Moscow.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Internet (Agentstvo Internet Issledovaniya), đội quân này có ít nhất 400 người, làm việc tại một trụ sở ẩn trong khu dân cư đông đúc tại St Petersburg.

BBC dẫn kết quả điều tra của nhà báo độc lập người Mỹ, Moy Rayon cho rằng, các blogger trên được nhà nước gián tiếp trả tiền thông qua Yevgeny Prigozhin, một chủ nhà hàng có quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin. Hàng ngày, công việc chính của họ là đưa ra hàng trăm bình luận trên các trang tin tức hàng đầu và quản lý nhiều tài khoản mạng xã hội giả khác.

"Trong một ca làm việc 12 giờ, tôi phải viết 126 bình luận và khoảng 25 ý kiến trên các trang web. Để thu hút sự chú ý của ai đó, tôi đã viết 10 bài trên blog", một cựu nhân viên tên là Anton nói với đài Radio Liberty.

Blog của một "bà nội trợ" tên là Tatyana được xác định là giả và được điều hành bởi một thành viên của Kremlin trolls.
Blog của một "bà nội trợ" tên là Tatyana được xác định là giả và được điều hành bởi một thành viên của Kremlin trolls.

Theo nhà báo Rayon, những blogger này thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội giả dưới những cái tên như "bà nội trợ", "công dân Mỹ thất vọng". Để tránh nghi ngờ, họ còn đưa các thông tin khác như du lịch, nấu ăn, nuôi thú xen giữa các bài viết bày tỏ ý kiến chính trị.

Rayon còn đưa ra một loạt quy tắc hoạt động được cho là của nhóm "Kremlin trolls" như mọi bài viết trên blog xuất bản ban ngày phải có trên 700 từ, ban đêm thì phải có trên 1000 từ. Ngoài ra, họ còn có các quy định về ảnh minh họa, từ khóa.

Phản ứng trước thông tin trên, một số chuyên gia Nga không tin rằng có sự tồn tại của cái gọi là Kremlin trolls. Theo lời blogger nổi tiếng Rustem Adagamov nói với trang tin St Petersburg,  sự can thiệp nhỏ đó giữa một biển thông tin trên mạng internet sẽ không thể làm thay đổi được quan điểm của số đông.

Chuyên gia Internet Anton Nosik cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với nhận định trên.

Nhưng nhà báo nổi tiếng và và chuyên gia về Nga, Peter Pomerantsev,  tin rằng những nỗ lực trên của Nga là nhằm mục đích gây ra sự nhiễu loạn thông tin chứ không nhằm thuyết phục mọi người theo quan điểm của họ.

Theo ông, Kremlin nhận thấy họ không thể kiểm duyệt được tất cả các thông tin trên mạng nên đã chọn cách làm nhiễu loạn nó bằng các lý thuyết âm mưu và những tin đồn/.

Nguyễn Hường