Nhật Bản liên kết các nước ứng phó mối đe dọa tàu ngầm TQ

15/06/2014 07:19
Đông Bình
(GDVN) - Ngoài quy mô lực lượng săn ngầm có một không hai, Nhật Bản còn tăng cường hợp tác, liên kết với Mỹ và các nước ven biển tạo lập thế trận săn ngầm chống TQ.
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến mới P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, dùng để thay thế cho máy bay P-3C mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến mới P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, dùng để thay thế cho máy bay P-3C mua của Mỹ

Để ứng phó mối đe dọa và khiêu khích ngày càng tăng lên của tàu ngầm Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Nhật Bản theo dõi các động thái của Trung Quốc ở tuyến đầu, trong tương lai sẽ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-1, một "át chủ bài" săn ngầm nội địa mới của nước này ở căn cứ Atsugi và Osaka.

Theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, đây là động thái quan trọng Nhật Bản liên kết với các nước khác xây dựng hệ thống săn ngầm Đông Á. Khả năng săn ngầm của Nhật Bản đã vượt xa nhu cầu "chuyên phòng thủ", trở thành một nhân tố quan trọng "làm trầm trọng hơn" và ảnh hưởng đến tranh chấp đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Phát triển khả năng chống tàu ngầm ứng phó Trung Quốc

Từ lâu, săn ngầm là khả năng được Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản ưu tiên phát triển. Nhà phân tích quân sự Nhật Bản cho rằng, bắt đầu từ eo biển Hormuz đi qua eo biển Malacca, eo biển Đài Loan, cuối cùng đến tuyến đường vận chuyển tài nguyên của Nhật Bản - là "tuyến đường sinh mệnh trên biển" liên quan đến sự sống còn và phát triển của Nhật Bản, trong khi đó mối đe dọa lớn nhất của tuyến đường này là tàu ngầm của kẻ thù.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Trong lịch sử, Nhật Bản đã chịu nỗi đau thương về mối đe dọa của tàu ngầm. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hải quân Nhật Bản kiên trì tư tưởng "quyết chiến hạm đội", không coi trọng nâng cao khả năng săn ngầm, dẫn đến Mỹ tập trung sử dụng lực lượng tàu ngầm thực hiện "giao chiến phá biển", đánh chìm trên 1.300 tàu chiến và tàu thương mại của Nhật Bản, đã cắt đứt tuyến đường vận chuyển trên biển phân tán ở các khu vực tác chiến trên Thái Bình Dương, giữa quân đội Nhật Bản trên đảo với lãnh thổ, đã làm trầm trọng hơn tiến trình thất bại của họ.

Bài học đau đớn này làm cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sau Chiến tranh ngay từ khi bắt đầu xây dựng đã rất coi trọng nâng cao khả năng tác chiến săn ngầm.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong bối cảnh hai “tập đoàn vũ trang” Mỹ-Xô đối đầu, ở Đông Á, Nhật Bản trở thành một đê chắn sóng đầu tiên để Mỹ ngăn chặn Liên Xô ở khu vực Thái Bình Dương.

Để ngăn chặn có hiệu quả Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên Xô "nam tiến" Thái Bình Dương, Mỹ yêu cầu Nhật Bản tích cực tham gia tác chiến phong tỏa đối với Liên Xô. Trong đó, tác chiến săn ngầm là hình thức hữu hiệu nhất.

Sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, mức độ đầu tư cho khả năng săn ngầm của Nhật Bản bị cắt giảm. Nhưng, cùng với việc Mỹ đưa ra chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương", Nhật Bản tiếp tục trở thành lô-cốt đầu cầu của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phối hợp với "tác chiến nhất thể trên không trên biển" đối phó Trung Quốc của quân đội Mỹ trở thành chức trách chiến lược của các lực lượng vũ trang Nhật Bản.

Thủy phi cơ US-2 là vũ khí lợi hại săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Thủy phi cơ US-2 là vũ khí lợi hại săn ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã đảm đương các nhiệm vụ tác chiến như thu thập tình báo và cảnh giới theo dõi, an toàn vùng biển và vùng trời xung quanh, ứng phó với các cuộc tấn công vũ lực ở khu vực đảo nhỏ, hỗ trợ Mỹ phong tỏa hải quân Trung Quốc vươn ra Tây Thái Bình Dương là mục tiêu cốt lõi của họ.

Khác với tiến hành phong tỏa eo biển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản thời kỳ "tác chiến nhất thể trên không trên biển" lấy phong tỏa chuỗi đảo làm chính, tác chiến săn ngầm tiếp tục trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Ngoài nhu cầu khách quan, nhu cầu chủ quan tái vũ trang của Nhật Bản cũng lấy chống tàu ngầm làm mục đích quan trọng. Mối đe dọa từ Trung Quốc đã trở thành lý do để Nhật Bản phát triển sức mạnh quân sự có đối tượng cụ thể.

Về mối đe dọa từ Trung Quốc, Nhật Bản cho rằng, sự lựa chọn tốt nhất ứng phó với tàu ngầm Trung Quốc của Nhật Bản chính là phát triển tàu ngầm tính năng cao.

Vì thế, năm 2010, hội nghị nội các Nhật Bản đã thông qua "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới, đã đưa ra khái niệm mới "lực lượng phòng vệ động thái" và "chuyển hướng tây nam". Trong đó, mục đích gây chú ý nhất là số lượng tàu ngầm tăng từ 16 chiếc lên 22 chiếc.

Kỳ tới: Nhật Bản xây dựng hệ thống săn ngầm cực kỳ hoàn bị

Đông Bình