Nhiều người nâng điểm khống, bị cáo Liên không làm theo sẽ thành "khuyết tật"

14/05/2020 09:21
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - "Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Bị cáo không có chỉ đạo chấm riêng theo hướng nâng điểm đối với một trường hợp cụ thể nào", Liên khai tại tòa.

Như Giáo dục Việt Nam đã đưa, Tòa án nhân dân dân tỉnh Hòa Bình đã đưa vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình ra xét xử.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (sinh năm 1974, cựu Trưởng Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình), trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018, bị cáo Liên giữ vai trò là Phó trưởng Ban chấm thi.

Bị cáo Liên bị truy tố vì đã chỉ đạo 3 nữ giáo viên là Tổ trưởng Tổ chấm thi và các giáo viên là giám khảo chấm thi tự luận môn Ngữ Văn nâng điểm cho 20 thí sinh.

Cụ thể, với vai trò này, bà Liên đã đưa các danh sách nâng điểm cho các thành viên là Tổ Trưởng tổ chấm thi Nguyễn Thị Hồng Chung (cựu giáo viên Trường Trung học phổ Ngô Quyền, Thành phố Hoà Bình, Tổ trưởng Tổ 2), Nguyễn Thị Thu Loan (sinh năm 1979 - nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân, Tổ trưởng Tổ 1, môn Ngữ Văn), Bùi Thanh Trà (sinh năm 1980, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Lương Sơn, Tổ trưởng Tổ 3).

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trên dường về trại giam. Ảnh: TP
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trên dường về trại giam. Ảnh: TP

Các bị cáo là Tổ trưởng Tổ chấm thi và một số giám khảo là giáo viên chấm thi đều khẳng định, họ không muốn nâng điểm cho thí sinh, nhưng bị sức ép từ một số thành viên trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hoà Bình nên họ phải thực hiện.

Cựu Hiệu trưởng nói do áp lực từ phụ huynh nên nhờ nâng điểm, phụ huynh phủ nhận
Cựu Hiệu trưởng nói do áp lực từ phụ huynh nên nhờ nâng điểm, phụ huynh phủ nhận

Tuy nhiên, trước hội đồng xét xử, bị cáo Diệp Thị Hồng Liên khẳng định, lý do bị cáo yêu cầu các giám khảo phải chấm theo hướng nâng điểm cho thí sinh là vì "nể nang".

Theo lời khai của bị cáo Liên, bị cáo đã đề nghị các Tổ trưởng chấm thi và giám khảo chấm theo hướng có lợi cho thí sinh, nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu.

“Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Bị cáo không có chỉ đạo chấm riêng theo hướng nâng điểm đối với một trường hợp cụ thể nào.

Cáo trạng nêu bị cáo có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của bị cáo là do nể nang”, bị cáo Liên trình bày.

Kết thúc phần trả lời thẩm vấn, bị cáo Liên cho rằng: “Kỳ thi tốt nghiệp năm đó có có nhiều trường hợp được nâng điểm. Bị cáo không làm theo sẽ khó vì, ai cũng gù nếu mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.

Trần Phương