Những người cố tình làm mất hoặc tự hủy bằng ở Đông Đô có bị xử lý?

22/02/2021 06:25
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã có kết luận điều tra bổ sung vụ việc xảy ra tại trường Đại học Đông Đô.

Trong kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã xác định thêm nhiều trường hợp sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cũng đã xác định trong số 203 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả, đã thu hồi tổng số 127 văn bằng, 24 trường hợp chưa nhận bằng, các trường hợp còn lại đã làm mất, thất lạc hoặc tự tiêu hủy.

Trong số 52 trường hợp đã mất hoặc tiêu hủy, các trường hợp này sẽ có thể đối mặt với các vấn đề pháp lý như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng:

“Như thông tin từ phía cơ quan chức năng cho thấy một số cá nhân đã bị mất hoặc tự tiêu hủy văn bằng sai trái của Đại học Đông Đô. Với những cá nhân này, khi nhận được bằng đã làm mất hoặc cố tình tiêu hủy, không còn thu thập được nữa thì cũng không có cơ sở để xem xét xử lý.

Trường hợp cơ quan điều tra đã xác định được số người cấp bằng, số bằng và ngăn chặn được việc sử dụng thì cũng ngăn chặn được hậu quả đã gây ra cho xã hội”.

“Tuy nhiên trong vụ án này cần phải làm rõ từ năm 2015 đến nay trường này đã cấp bao nhiêu bằng Đại học văn bằng hai tiếng Anh, phải thu hồi toàn bộ những bằng này nếu như kết quả giải quyết vụ án hình sự này tòa án xác định trường này không được phép đào tạo và những bằng cấp này không có giá trị pháp lý.

Còn đối với các học viên đã đăng ký, thi tuyển, theo học một cách công khai, ngay tình (Trên cơ sở thông tin đăng ký tuyển sinh công khai của trường này), họ đã nộp tổng số tiền học phí tới 24.000.000.000 đồng để theo học ở trường này đến nay họ không được công nhận kết quả học tập, không được cấp bằng hoặc bằng được cấp nhưng không có giá trị pháp lý thì họ là những người bị hại, bị các đối tượng gian dối để chiếm đoạt số tiền này.

Hành vi này cần phải làm rõ để xác định có khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không đồng thời buộc các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền này phải trả lại tiền cho các học viên”, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can trong vụ án - Nguồn: Bộ Công an

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can trong vụ án - Nguồn: Bộ Công an

Trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cũng đã làm rõ hành vi của các bị can.

Trong đó, bị can Nguyễn Thị Ngọc Thái đã có hành vi tham gia hợp thức hồ sơ để Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho 17 trường hợp.

Ngoài 10 trường hợp cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an xác định theo bản kết luận điều Kết luận điều tra số 13/KLĐT-P5 ngày 13/11/2020, các trường hợp còn lại được nêu trong kết luận điều tra bổ sung bao gồm:

"Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hồng Ký, Bùi Xuân Dương, Phạm Đình Quang, Nguyễn Văn Trung, Trần Việt Tuấn và Nguyễn Phan Thị Thùy Dung".

Ngoài ra, 14 cá nhân khác mà Đại học Đông Đô cấp bằng giả cũng được nhắc tên trong kết luận điều tra bổ sung gồm: "Chu Minh Anh, Trần Trọng Dương, Nguyễn Thành Đồng, Nguyền Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Bùi Văn Tiên, Đoàn Hải Yên, Đỗ Tiến Minh, Vi Quỳnh Hoa, Hoàng Hạnh Phương, Phùng Thị Hường, Phạm Ngọc Trưởng, Nguyễn Hoàng Phú...".

Tuy nhiên, tài liệu chứng cứ thu thập không đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị Ngọc Thái tham gia làm thủ tục để Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho các cá nhân này.

Ngoài ra, Nguyễn Thị Ngọc Thái còn tham gia làm Quyết định số 509/QĐ ngày 30/12/2015 về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 và danh sách kèm theo có 382 học viên trúng tuyển.

Hành vi của Nguyễn Thị Ngọc Thái đã phạm vào tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với bị can Trần Ngọc Quang, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an xác định, bị can Quang có hành vi tham gia hợp thức hồ sơ để Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho 111 trường hợp, ngoài ra Trần Ngọc Quang còn làm giả bản phô tô Quyết định số 442/QĐ-ĐĐ ngày 19/10/2015 về việc công nhận thí sinh trúng tuyển đại học hệ văn bằng thứ hai năm 2015 về việc công nhận 486 thí sinh trúng tuyến đại học hệ văn bằng 2 ngành Tiếng Anh để làm thủ tục mua phôi bằng tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hành vi của Trần Ngọc Quang đã phạm vào tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Nguyễn Thị Huệ đã có hành vi giúp sức cho Trần Khắc Hùng và các bị can khác trong việc xác nhận học phí để làm thủ tục cấp bằng giả cho 127 trường hợp.

Hành vi của bị can Nguyễn Thị Huệ đã phạm vào tội “Giả mạo trong công tác" quy định tại Khoản 4 Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cũng đã xác định tổng số tiền học phí hệ văn bằng 2 Tiếng Anh Trường Đại học Đông Đô thu là 24.217.967.500 đồng, trong đó Trường Đại học Đông Đô chỉ cung cấp được danh sách 2.523 người (không có địa chỉ cụ thể) đã nộp tổng số tiền là 18.217.782.500 đồng.

Trong số tiền đã thu, Trường Đại học Đông Đô kê chi 780.000.000 đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 Tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của Trường Đại học Đông Đô.

Do Trường Đại học Đông Đô không cung cấp được đây đủ chứng từ, tài liệu liên quan đến việc chi, sử dụng số tiền trên nên không có cơ sở để xác định các nội dung chi cụ thể.

Trong số 203 trường hợp Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả, theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an, chỉ có tài liệu xác định Trường Đại học Đông Đô đã thu của 166 trường hợp tổng số tiền là 2.656.500.000 đồng.

10 bị can liên quan vụ án bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đề nghị truy tố bao gồm:

Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng), Trần Kim Oanh, Lê Ngọc Hà (cùng là cựu Phó hiệu trưởng), Trần Ngọc Quang (cựu Trưởng phòng đào tạo), Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Huệ (cựu Trưởng phòng tài vụ), Nguyễn Thị Ngọc Thái về tội "Giả mạo trong công tác” quy định tại Khoản 4 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015; đề nghị truy tố Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương về tội “Giả mạo trong công tác" quy định tại Khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trần Phương