Nói hay, nói phải, nói thuyết phục nhưng đừng "đánh trống bỏ dùi"

18/05/2016 07:28
Ths Trương Khắc Trà
(GDVN) - Ngày bầu cử đã cận kề, hy vọng cử tri sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn, bởi chất lượng đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt của cử tri.

LTS: Hiện nay, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân trong cả nước đang ở giai đoạn cao trào vận động bầu cử. Với 870 ứng viên đại biểu Quốc hội cùng hơn 300.000 ứng viên đại biểu Hội đồng Nhân các cấp nhiệm kỳ khóa 2016-2021. 

Trong các Hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú để lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân;

Trong các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, người ứng cử đại biểu thường đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động của mình với tư cách người đại biểu nhân dân tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nếu trúng cử, họ sẽ có điều kiện thực hiện lời hứa trước cử tri cả nước.

Tuy nhiên, điều mỗi cử tri luôn mong muốn là lời hứa phải đi kèm với hành động. Và thực tế, số lượng ứng cử viên đại biểu thực hiện lời hứa đạt tỷ lệ bao nhiêu thì đó đang là câu hỏi lớn. 

Trong bài viết này, Ths Trương Khắc Trà thẳng thắn chỉ ra mối quan hệ giữa lời hứa và hành động của ứng viên đại biểu khi ngày bầu cử sắp tới với mong muốn cử tri cả nước cần sáng suốt, cân nhắc kỹ lưỡng khi bầu chọn. 


Những ngày này, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã và đang tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử. Ứng cử viên sẽ thông qua chương trình hành động của mình trước cử tri, hay nói một cách dễ hiểu là hứa sẽ làm gì nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu.

Hoạt động này thể hiện tính dân chủ trong bầu cử, cũng là một cách “tự giới thiệu” của các ứng viên đến với cử tri. Theo lẽ thường, ai nói hay, thuyết phục, đi vào lòng người, sẽ chiếm được cảm tình của cử tri. 

Tuy nhiên vận động bầu cử chỉ là bước khởi đầu trong khoảng thời gian 5 năm - một nhiệm kỳ, nói hay, nói phải, nói thuyết phục nhưng mới chỉ trên giấy là chưa đủ, cái quan trọng nhất là làm sao để thực hiện những lời hứa ấy chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”.

Làm sao để giám sát lời hứa của các ứng cử viên đại biểu? (Ảnh: quangnam.gov.vn)
Làm sao để giám sát lời hứa của các ứng cử viên đại biểu? (Ảnh: quangnam.gov.vn)

Đã nhiều kỳ bầu cử, có hàng ngàn hàng vạn lời hứa được phát đi nhưng chưa có cơ quan hữu quan nào thống kê xem bao nhiêu phần trăm trong số ấy thành hiện thực và bao nhiêu phần trăm…“để gió cuốn đi”. Luật chấp nhận để các ứng viên “hứa” nhưng thực tế cho thấy chưa có Luật để giám sát lời hứa!

Quốc hội là cơ quan dân cử, bởi vậy Quốc hội chính là dân, dân chính là Quốc hội, nhiệm vụ giám sát lời hứa không thuộc về ai khác ngoài người dân, tuy nhiên để giám sát việc thực hiện lời hứa của ứng viên khi đã trúng cử không phải là điều dễ dàng. 

Thực tế hoạt động của Quốc hội cho thấy có nhiều đại biểu cả nhiệm kỳ không phát biểu câu nào, thậm chí có phiên họp phải nghỉ sớm vì không có đại biểu nào phát biểu, phải chăng chính sự đã hoàn toàn lý tưởng nên không có gì để bàn!?

Nói hay, nói phải, nói thuyết phục nhưng đừng "đánh trống bỏ dùi" ảnh 2

Đại biểu của dân phải là người có tâm, tầm và tài

(GDVN) - Quốc hội là cơ quan dân cử vậy nên phải đảm bảo cơ cấu để thể hiện tính dân chủ, tuy nhiên đảm bảo cơ cấu nhưng chất lượng phải là yếu tố tiên quyết.

Để có thể giám sát được lời hứa không còn cách nào khác phải “Luật hóa” vấn đề này, phải quy định rõ số lần phải phát biểu của từng đại biểu, nếu không có phát biểu tức là chưa hoàn thành nhiệm vụ tại cơ quan cũng như trong hoạt động của Quốc hội. Phải tạo ra cơ chế để đại biểu không phải chỉ “ngồi yên” “bấm nút”, “ngủ gật”…

Quốc hội mỗi năm họp 2 lần, đại biểu sẽ có 4 kỳ tiếp xúc với cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, có nghĩa rằng đại biểu có 6 tháng để chuẩn bị cho mỗi kỳ họp, thời gian nửa năm là quá đủ cho đại biểu nghiên cứu các vấn đề liên quan có thể tranh luận tại nghị trường.

Đi đôi với việc Luật hóa nhiệm vụ phải thực hiện lời hứa của đại biểu, mỗi cử tri phải tích cực đóng góp ý kiến tại những kỳ tiếp xúc với đại biểu, cử tri không nên coi ý kiến của mình là “đá ném ao bèo”, đại biểu phải được làm “nóng” từ những cuộc tiếp xúc như thế này để họ hăng hái hơn khi Quốc hội họp.

Cơ chế giám sát lời hứa nói riêng và tất cả hoạt động của đại biểu nói chung cần có sự minh bạch, công khai, bởi nếu không công khai, không minh bạch thì không ai có thể biết để giám sát, hơn nữa bản thân việc công khai minh bạch đã mang tính “tự giám sát”. 

Liệu các cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương có mạnh dạn để đẩy mạnh sự minh bạch trong hoạt động, minh bạch ở đây không phải là “vạch áo cho người xem lưng” mà minh bạch để tranh thủ thêm sự đóng góp của hàng triệu người dân nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, biết rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu, bởi con người không ai có thể nhìn thấy gáy của mình!

Ngày bầu cử đã cận kề, hy vọng cử tri sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn, bởi chất lượng đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt của cử tri, thái độ thờ ơ với bầu cử là tự khước từ quyền được quyết định của chính mình.

Ths Trương Khắc Trà