“Nội soi” biểu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

01/03/2012 07:58
Theo VietNamNet
Hàng loạt mức phí giữa các nhóm phương tiện lưu thông trên cao tốc TP.HCM được cho là bất hợp lý và thiếu tính thực tế.
Như đã đưa tin, Hiệp hội vận tải TP.HCM đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ tài chính trước thực trạng mức phí thu ở cao tốc TP.HCM - Trung Lương quá cao. Đi kèm động thái trên, cơ quan này cũng đưa ra hàng loạt dẫn chứng về các mức phí đối với từng nhóm phương tiện được cho là thể hiện sự bất hợp lý và thiếu tính thực tế. Đơn cử như trường hợp mức thu phí đối với xe chở hàng bằng container 40 fit gấp đôi mức phí đối với xe chở hàng bằng container 20 feet. Thực tế là khi cà thẻ, thiết bị thu phí chỉ nhận diện xe đầu kéo rồi áp dụng mức cao nhất 8.000 đồng/km. Trong khi đó, giá cước chở container 20 feet và 40 feet gần như không chênh lệch nhau.
Nếu không giảm phí, hình ảnh phương tiện xếp hàng dài chờ qua trạm thu phí khó lặp lại ở tuyến đường cao tốc.
Nếu không giảm phí, hình ảnh phương tiện xếp hàng dài chờ qua trạm thu phí khó lặp lại ở tuyến đường cao tốc.
Lý do là trọng lượng hàng hóa tối đa đóng trong container 20 feet và container 40 feet là bằng nhau. Việc chủ hàng sử dụng container 20 feet hay container 40 feet là căn cứ vào đặc thù loại hàng hóa cần thể tích nhiều hay ít để đóng hàng: hàng hóa cồng kềnh, thể tích lớn thì sử dụng container 40 feet để đóng hàng, ngược lại hàng hóa nhỏ gọn, trọng lượng lớn thì sử dụng container 20 fit để đóng hàng. Tương tự, xe khách 12 chỗ có chênh lệch lớn về số ghế với xe 30 chỗ nhưng biểu mẫu thu phí lại thu đồng mức 1.500 đồng/km (nhóm 2). Trong khi đó, quy định ở nhóm xe tải lại quá “rát”, như xe tải chở 17 tấn hàng sẽ trả 4.000 đồng/km (nhóm 4) nhưng nếu chỉ chở thêm một tấn hàng thì phải trả phí gấp đôi, đến 8.000 đồng/km (nhóm 5). “Sở dĩ có sự bất hợp lý này là vì lâu nay các đơn vị vận tải không được tham gia góp ý kiến về cơ sở xây dựng biểu phí. Chúng tôi kiến nghị để tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải, giảm thiểu chi phí thì nên gom hai nhóm 4 và 5 về một mức thu hoặc áp mức thu phí chung cho xe đầu kéo chở container tối đa là 4.000đồng/km’- Ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hoá TP.HCM nói.
Trao đổi với PV về tình hình cao tốc TP.HCM- Trung Lương, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị của 4 trạm thu phí trên cao tốc cho biết: “Hiện nay tất cả các hợp đồng liên quan đến công nghệ trên cao tốc đều do ITD ký kết với phía Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC - thuộc Ngân hàng đầu tư và phát triển) chứ không phải ký kết với phía Cửu Long PICM- đơn vị hiện đang đứng ra thu phí cao tốc TP.HCM- Trung Lương như nhiều người lầm tưởng. Ngay cả hợp đồng lắp đặt thiết bị của trạm thu phí trên quốc lộ 1A ở km1953+ 200 tại TP. Tân An, trạm cân trên cao tốc cũng đã được phía ITD ký kết với phía BEDC rồi. Nhưng hiện nay có thông tin đơn vị này cũng sắp giải thể vì BIDV gặp khó khăn tài chính.
Theo VietNamNet