Ông Kim Jong-un trở thành tấm gương cho các nước nhỏ trước sức ép siêu cường

14/06/2018 06:54
Tiến sĩ Trần Công Trục
(GDVN) - Nhiều người cho rằng Triều Tiên đã "lãi" hơn Mỹ với kết quả cuộc gặp lịch sử này do cái nhìn "chiếu trên" của siêu cường. Kim Jong-un đã lật ngược góc nhìn ấy.

Ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp Thượng đỉnh tại khách sạn Capella, Sentosa, Singapore. 

Cuộc gặp được coi là lịch sử, đã diễn ra khá suôn sẻ hơn những gì mong đợi, thậm chí kết quả của nó còn trái với nhiều nhận định khá bi quan của dư luận trước thềm hội nghị thượng đỉnh.

Sau 5 giờ trực tiếp trao đổi, thảo luận, một thỏa thuận chung đã được 2 nhà lãnh đạo tối cao Mỹ, Triều ký kết. Thỏa thuận bao gồm 4 điểm chính yếu sau đây:               

1.Triều Tiên và Mỹ cam kết thiết lập quan hệ Mỹ – Triều mới thể theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.

2. Hai nước sẽ tham gia vào nỗ lực nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. 

3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa toàn diện trên bán đảo Triều Tiên.

4. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), gồm cả việc đưa những hài cốt đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.

Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Singapore, ảnh: Hindustan Times.
Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Singapore, ảnh: Hindustan Times.

Để cùng bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trao đổi, chia sẻ những thông tin có liên quan đến những phân tích, đánh giá về kết quả của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Singapore ngày 12/6/2018, xin được trình bày một số quan điểm của chúng tôi như sau: 

Thỏa thuận chung có “yếu” không? 

Nhiều ý kiến trong giới phân tích nhận định, thỏa thuận này yếu hơn các cam kết trước đó về phi hạt nhân hóa. 

Ông Adam Mount, học giả thuộc Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, bình luận với CNN rằng thỏa thuận chung của hai nhà lãnh đạo Donald Trump - Kim Jong-un không hề đề cập tới một quá trình phi hạt nhân hóa “có thể kiểm chứng” hay “không thể đảo ngược”.

Đó chính là những gì chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều. 

Phóng viên Justin McCurrry của báo The Guardian (Anh) thì cho rằng, thỏa thuận chung của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không có nhiều khác biệt rõ rệt so với thỏa thuận chung được kí kết trước đó giữa ông Kim Jong-un với

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.
Nghĩa là không có gì mới cả, chỉ là những thỏa thuận nguyên tắc chung chung.

Nếu so với những lời lẽ được Tổng thống Donald Trump tuyên bố một cách mạnh mẽ trước thềm Thượng đỉnh Mỹ- Triều, chúng tôi có thể hiểu được những ý kiến cho rằng thỏa thuận chung này có vẻ “yếu” hơn các cam kết trước đó về “phi hạt nhân hóa”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra rất đĩnh đạc, tự tin và cởi mở trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh hai nhà lãnh đạo đi dạo trong khuôn viên khách sạn sau bữa trưa, nguồn: ABC News.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ra rất đĩnh đạc, tự tin và cởi mở trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh hai nhà lãnh đạo đi dạo trong khuôn viên khách sạn sau bữa trưa, nguồn: ABC News.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế và khách quan, chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với những nhận xét này. Bởi vì:

Thứ nhất: Hiện nay, tình hình chính trị đối nội, đối ngoại, tình hình kinh tế, quân sự, đặc biệt là sức mạnh vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo…của Triều Tiên khác rất nhiều so với 10 năm trước đây. 

Triều Tiên đã không những không bị gục ngã trước những sức ép, bao vây, phong tỏa, cô lập của Mỹ và các đồng minh, mà còn vẫn tồn tại trong xu thế vươn lên một cách mạnh mẽ, đặc biệt tập trung ưu tiên phát triển  một số lĩnh vực trọng yếu mà họ cho là có ý nghĩa sống còn của đất nước.

Đó là việc tập trung giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội; xây dựng niềm tin tuyệt đối vào Lãnh đạo tối cao Kim Jong-un và Đảng Lao động Triều Tiên; củng cố vững chắc khối đoàn kết dân tộc. 

Đó là việc thực hiện chủ trương “thắt lưng buộc bụng”, “đồng cam cộng khổ”, giành mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển khả năng sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch, tên lửa đạn đạo, được coi là con “át chủ bài” để giữ vững vị thế và sức mạnh của quốc gia trong tình hình thế giới vẫn tồn tại quan hệ bất bình đẳng giữa nước lớn và nước nhỏ.

Thiết nghĩ, vị lãnh đạo tối cao của nhân dân Triều Tiên, tuy tuổi trẻ, nhưng tài cao, chí lớn, đã có công chèo lái con thuyền Triều Tiên vượt qua bao thác ghềnh để tiến ra biển lớn.

Ông Kim Jong-un tuổi trẻ, tài cao, chí lớn và Tổng thống Donald Trump lão luyện trong thương trường lẫn chính trường, ảnh: Moneycontrol.
Ông Kim Jong-un tuổi trẻ, tài cao, chí lớn và Tổng thống Donald Trump lão luyện trong thương trường lẫn chính trường, ảnh: Moneycontrol.

Đây chính là nhân tố có tác động quyết định đến thành công “không thể tốt hơn” của Thượng đỉnh Mỹ - Triều 12/6/2018. 

Thứ 2: Đề cao vai trò của vị lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, chúng tôi không thể không kể đến vai trò rất quan trọng của Tổng thống Donald Trump. 

Chúng tôi cho rằng để có được cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều và ký được Thỏa thuận chung nói trên, ông Donald Trump đã áp dụng một chiến thuật đàm đàm phán linh hoạt, “biết người biết ta” và khá thực dụng, đúng với tính cách của một chính khách- thương gia. 

Cho nên, chỉ vỏn vẹn có 5 tiếng, trong lần gặp đầu tiên,hai bên đã ký ngay được Thỏa thuận chung, bao gồm 4 nội dung chủ yếu có liên quan đến sự quan tâm của cả hai bên. 

Vì vậy, chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên khi nghe nội dung tuyên bố của Tổng thống Donald Trump ngay sau lễ ký Thỏa thuận chung Thượng đỉnh Mỹ -Triều, rằng: đây là một bản thỏa thuận “rất toàn diện” và sẽ “giải quyết những vấn đề rất lớn lao và nguy hiểm trên thế giới”.

Để hiểu hết ý nghĩa của tuyên bố này, thiết nghĩ chúng ta nên đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức trong quan hệ quốc tế. 

Trong đó, không thể không tính đến những tính toán, cũng như những hoạt động lấn lướt trên thực tế của Trung Quốc trong vấn đề “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên và mối liên hệ đến những diễn biến của tình trạng tranh chấp địa- chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và Quốc tế. 

Biển Đông là một địa bàn trọng yếu mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tính đến để thực hiện chiến lược của mình trong giai đoạn trước, trong và sau Thượng đỉnh Mỹ -Triều.

Thỏa thuận Thượng đỉnh Mỹ-Triều là thắng lợi chung của nhân loại?

Nhiều ý kiến nhận xét rằng, Thỏa thuận chung Thượng đỉnh Mỹ -Triều không chỉ là thắng lợi của Triều Tiên và Mỹ, mà còn là thắng lợi chung của cả nhân loại, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, thậm chí có lúc phải đứng bên miệng hố của một cuộc chiến tranh hủy diệt. 

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã có những cử chỉ khá thân mật trong lần đầu gặp mặt, ảnh: Time.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã có những cử chỉ khá thân mật trong lần đầu gặp mặt, ảnh: Time.

Vì vậy, Thỏa thuận chung được ký kết vào thời điểm hiện nay đã đáp ứng được nguyện vọng chung của nhân loại yêu chuộng hòa bình và, đúng như đánh giá của Tổng thống Donald Trump, nó sẽ là cơ sở để “giải quyết những vấn đề rất lớn lao và nguy hiểm trên thế giới”.

Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những đánh giá trái chiều, thậm chí cho rằng kết quả này chỉ có lợi cho Triều Tiên, ông Kim Jong-un là người được hưởng lợi nhiều hơn.

Ví dụ Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce đã tuyên bố rằng: 

“Ông Kim Jong-un nhận được rất nhiều cho bước đi đầu tiên, trong đó bao gồm cam kết rõ ràng của Tổng thống Mỹ liên quan đến các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc”. 

Công bằng mà nói, dường như nhận định này có lẽ cũng có căn cứ nếu cứ nhìn tương quan lực lượng, đặc biệt là bằng con mắt "chiếu trên" của các siêu cường.

Tuy nhiên, kết quả của Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên như phân tích ở trên cũng đã phản ánh đúng với thực trạng về mối tương quan thế và lực, những thuận lợi, khó khăn của hai bên. 

Quan trọng hơn, kết quả này chính là đích đến của một quá trình đấu tranh tiến tới sự bình đẳng, công bằng giữa các thành viên dưới mái nhà chung Liên Hợp Quốc.

Bởi công bằng và bình đẳng không tự nhiên từ trên trời rơi xuống, mà luôn là kết quả của những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của các nước nhỏ.

Nó cho thấy, một nước nhỏ, nếu cương quyết, mạnh mẽ nhưng khôn khéo, linh hoạt trong ứng xử, thì không ai, dù giàu mạnh đến đâu, cũng không thể đe dọa, gây sức ép và đối xử bất công, bất bình đẳng với mình được. 

Theo chúng tôi, lợi ích mà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un nhận được qua cuộc gặp Thượng đỉnh là ông đã trở thành tấm gương cho các nước nhỏ, yếu noi theo về lập trường và phương cách ứng xử để tồn tại trước tình trạng bất công đang tồn tại trong quan hệ quốc tế./.

Tiến sĩ Trần Công Trục