Phiên tòa xét xử ông Vũ Huy Hoàng tiếp tục bị hoãn

18/01/2021 11:44
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phiên xử ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục hoãn do thiếu vắng nhiều người tham gia tố tụng.

Sáng 18/1, Tòa án nhân dân Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng ra Tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương.

Hai bị cáo này bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.

Các bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b - Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm:

Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh);

Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh);

Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh);

Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh);

Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh);

Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh);

Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh);

Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín có đơn xin được xét xử vắng mặt do tình trạng sức khỏe yếu, không thể di chuyển xa, có xác nhận của cơ quan y tế…

Bị cáo Tín hiện đang chấp hành 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tại phiên tòa, có mặt đại diện Bộ Công Thương với tư cách là nguyên đơn dân sự; có mặt đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải và đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 2 trong 13 người liên quan, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa.

Trong phiên tòa ngày 18/1, trước việc vắng mặt nhiều người tham gia tố tụng, đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa đã đề nghị hoãn phiên tòa.

Nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để triệu tập những người này đến phiên xử.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng việc vắng mặt của những cá nhân này sẽ làm ảnh hưởng tới các nội dung quan trọng của vụ án.

Bày tỏ mong muốn được đối chất với những cá nhân này tại phiên tòa, bị cáo Hoàng đã đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa để bị cáo được xét xử công bằng, thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tại phiên tòa ngày 18/1, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tiếp tục vắng mặt với lý do khách quan.

Đại diện Viện Kiểm sát, một số luật sư và bị cáo đều đề nghị hoãn phiên tòa. Căn cứ vào đề nghị này, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa thêm một lần nữa, thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và chưa ấn định ngày mở lại.

Trước đó, ngày 7/1, phiên tòa xét xử vụ án này đã phải hoãn một lần do thiếu nhiều người liên quan.

Lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2. Đây là khu đất có vị trí đắc địa với bốn mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du. Ảnh: nguoilaodong

Lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng rộng hơn 6.000m2. Đây là khu đất có vị trí đắc địa với bốn mặt tiền gồm: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Công trường Mê Linh và Đông Du. Ảnh: nguoilaodong

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh)

Quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê".

Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Theo quy định tại Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015 Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định như sau:

1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trần Phương