Phó chánh văn phòng Cục Trồng trọt “lộng quyền”, giao tạp vụ… giữ dấu?

13/05/2014 07:09
Duy Phong
(GDVN)- Cán bộ được tiếp nhận làm tạp vụ, dọn vệ sinh nhưng Cục Trồng trọt lại phân công cho giữ dấu, văn thư, lưu trữ, đôn đốc, nhắc nhở các phòng ban...

Cục “qua mặt” Bộ?

Ngày 16/4/2012, Cục Trồng trọt có Văn bản số 617/TT-VP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp) tiếp nhận bà Vũ Thị Diệu Thương về Cục Trồng trọt hợp đồng làm tạp vụ, vệ sinh.

Đến ngày 12/6/2012, Bộ Nông nghiệp có Công văn số 2790/BNN-TCCB gửi Cục Trồng trọt với nội dung: Xét Văn bản số 617 của Cục Trồng trọt, Bộ đồng ý để Cục Trồng trọt ký hợp đồng với người lao động theo nhu cầu công việc trong chỉ tiêu biên chế được giao đối với bà: Vũ Thị Diệu Thương, sinh ngày 04/7/1990; Quê quán: xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; Làm tạp vụ, vệ sinh tại Văn phòng Cục kể từ ngày 15/6/2012, mã ngạch 01.009, hệ số 1,00, thời gian nâng bậc lương lần sau tính từ ngày 01/2/2012.

Không những tự phân công công việc cho mình, bà Kim Dung còn ngang nhiên giao "tạp vụ, vệ sinh" giữ dấu và đảm nhận công tác văn thư, lưu trữ tại Cục Trồng trọt.
Không những tự phân công công việc cho mình, bà Kim Dung còn ngang nhiên giao "tạp vụ, vệ sinh" giữ dấu và đảm nhận công tác văn thư, lưu trữ tại Cục Trồng trọt.

Đến ngày 15/6/2012, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đứng ra ký hợp đồng lao động cho bà Vũ Thị Diệu Thương làm “nhân viên phục vụ” trong Cục.

Ngay sau khi bà Thương được tiếp nhận về Cục Trồng trọt, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó chánh Văn phòng Cục liền ký Thông báo ngày 10/8/2012 về việc “phân công nhiệm vụ” đối với cán bộ văn phòng Cục. Không chỉ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi tự phân công công việc cho bản thân mình, bà Dung còn ngang nhiên làm trái văn bản của Bộ Nông nghiệp.

Đó là, trong mục phân công công việc cho bà Thương, bà Dung tự ý giao cho bà Thương: thực hiện công tác văn thư, lưu trữ (quản lý văn bản đến, văn bản đi, đóng dấu văn bản…); quản lý và sử dụng con dấu; theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các phòng đơn vị Cục nhận, vào sổ và giải quyết các văn bản đến đã được lãnh đạo phân công; tổng hợp và báo cáo kịp thời với lãnh đạo văn phòng việc tiếp nhận và giải quyết các văn bản loại A, loại B vào thứ 6 hàng tuần; tổng hợp và phát hành lịch làm việc của lãnh đạo Cục, các phòng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc bà Dung tự ý giao cho nhân viên tạp vụ, dọn vệ sinh sử dụng, quản lý con dấu, công tác văn thư, lưu trữ… thì việc Cục Trồng trọt xuất hiện nhiều văn bản trùng số, không số… xảy ra trong thời gian qua là điều dễ hiểu.

Cục “tố” nhiều đơn vị khác của Bộ “cũng giống mình”

Không thừa nhận những sai phạm trong việc phân công công việc, bà Kim Dung còn viện ra nhiều lý do như thiếu người, bất cập chính sách… để giải thích cho việc làm của mình. Chưa hết, bà Dung còn “tố” nhiều đơn vị trong Bộ Nông nghiệp cũng đang diễn ra tình trạng “nhân viên vệ sinh, tạp vụ giữ dấu, văn thư, lưu trữ…” giống như Cục Trồng trọt.

Văn bản này do bà Dung ký giao nhiệm vụ cho bà Thương từ "vệ sinh, tạp vụ" làm công tác văn thư, lưu trữ, giữ dấu của Cục Trồng trọt. Từ đó, có nghi ngờ cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cục Trồng trọt thường xuyên xảy ra hiện tượng văn bản trùng số, không số...
Văn bản này do bà Dung ký giao nhiệm vụ cho bà Thương từ "vệ sinh, tạp vụ" làm công tác văn thư, lưu trữ, giữ dấu của Cục Trồng trọt. Từ đó, có nghi ngờ cho rằng đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Cục Trồng trọt thường xuyên xảy ra hiện tượng văn bản trùng số, không số...

Trong buổi làm việc ngày 08/5/2014 với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Dung cho biết: “Đồng chí Thương bắt đầu làm công tác văn thư từ tháng 8/2012 đến nay. Cán bộ của Cục hiện nay duy nhất chỉ có hai người là học trung cấp văn thư lưu trữ, tức xét về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ là hoàn phù hợp với việc làm văn thư, lưu trữ”.

Giải thích lý do phân công người dọn vệ sinh sử dụng, quản lý con dấu của Cục, bà Dung “hồn nhiên” cho rằng: “Tuy nhiên, ở đây nó mắc ở chỗ theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 thì chỉ có 6 vị trí được ký hợp đồng. Ban đầu chúng tôi muốn tuyển dụng đồng chí này vào làm văn thư, lưu trữ nhưng vì quy trình tuyển dụng theo nghị định là rất khó khăn, biên chế không có. Theo luật thì công chức mới được giữ dấu, chúng tôi hiểu điều đó và đã báo cáo Bộ nhiều lần rồi”.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Cục Trồng trọt mà xuất hiện ở nhiều đơn vị khác của Bộ. Bà Dung cho biết: “Hiện nay, có rất nhiều đơn vị của Bộ Nông nghiệp như: Trung tâm khuyến nông Quốc gia, một số đơn vị Kiểm lâm… cũng xảy ra thực trạng trên. Bộ không có con người, chúng tôi khắc phục bằng cách cho tuyển dụng đồng chí này (bà Thương-PV) vào hưởng ngạch công chức A3 – chuyên viên. Tôi đã báo cáo chuyện này với 2 đời Cục trưởng rồi (ông Nguyễn Trí Ngọc và ông Lê Quốc Doanh – hiện là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp)”.

Như vậy, việc bà Dung phân công tạp vụ, vệ sinh sử dụng và quản lý con dấu, đảm nhận công tác văn thư, lưu trữ của Cục Trồng trọt không những “qua mặt” Bộ Nông nghiệp mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. 

Sự linh động này có phải là bắt buộc hay không? Và mặc dù đến nay, Cục Trồng trọt đã không còn giao nhiệm vụ giữ dấu cho bà Thương nữa, nhưng vi phạm về sử dụng cán bộ là có, và đã gây hậu quả. Đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm chỉ đạo, làm rõ và xử lý nghiêm sự việc sai phạm tại Cục Trồng trọt.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.  

Duy Phong