Phó GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương lạm quyền, vượt cấp?

04/12/2014 13:08
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng với việc ban hành công văn số 688/STTTT-BCXB, Phó GĐ Sở TTTT Hải Dương đã lạm quyền, vượt cấp.

Gần đây, dư luận đang xôn xao trước văn bản số 688/STTTT-BCXB bị tố là “vu khống báo chí” của Phó giám đốc Sở Thông tin truyền thông (TTTT) Hải Dương, ông Vũ Văn Vở.

Cụ thể, Ban biên tập của chuyên trang An ninh Tiền tệ (ANTT) và Truyền thông của Báo điện tử Người Đưa Tin cho rằng, văn bản trên đã báo cáo sai sự thật về quy trình tác nghiệp của phóng viên ANTT.VN trong bài viết "Vợ Giám đốc Sở Tài chính thóa mạ phóng viên".

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh (Hà Nội).

Theo ông, Phó GĐ Sở TTTT tỉnh Hải Dương có quyền ra văn bản như trên hay không?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh (Hà Nội)
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh (Hà Nội)

Việc Phó GĐ Sở TTTT tỉnh Hải Dương ban hành công văn số 688/STTTT-BCXB hoàn toàn là hành động lạm quyền, vượt cấp. Theo công văn này, đây là văn bản đề nghị “Tăng cường quản lý hoạt động báo điện tử” với Các cơ quan cấp trung ương như: Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Báo chí - xuất bản, Ban tuyên giáo Trung ương. Do đó, có thể hiểu đây là văn bản mang tính tham mưu cho các Cơ quan như Kính gửi. Và việc gửi cho UBND (trong phần Nơi nhận) chỉ nhằm báo cáo.

Trong khi: “Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về: báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát; viễn thông và Internet; truyền dẫn phát sóng; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là thông tin và truyền thông); các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật” (Phần I Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTTTT-BNV Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Thông tin và Truyền thông thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…).

Đồng thời, Khoản 4 Điều 17a Luật báo chí 1989, sửa đổi 1999 cũng quy định “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ”.

Chưa kể đến thẩm quyền của Phó giám đốc Sở thông tin truyền thông có được quyền ký thay Giám đốc Sở trong những vấn đề liên quan không, thì nội dung văn bản trên cũng đã vi phạm thẩm quyền của một cơ quan cấp Tỉnh, cụ thể ở đây là Sở TTTT, vi phạm Luật báo chí về quản lý nhà nước về báo chí.

Văn bản này ban đầu chỉ ghi nhận sự phản ánh của cá nhân gia đình ông Hưng (ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương - PV), không thấy có việc thẩm tra xác minh từ phía các lực lượng chức năng trực tiếp có mặt tại hiện trường hôm đó, không có sự trao đổi với cơ quan báo mà phóng viên làm việc. Như vậy liệu có phạm luật?

Ông Vũ Văn Vở, Phó GĐ sở TT&TT Hải Dương (Ảnh: NĐT)
Ông Vũ Văn Vở, Phó GĐ sở TT&TT Hải Dương (Ảnh: NĐT)

Nói về nội dung cụ thể trong công văn, trước tiên, tôi đồng quan điểm với luật sư Hà Đăng. Đây là một văn bản bất thường. Ngay từ đầu công văn số 688/STTTT-BCXB đã không có sự liên kết và thực sự là khó hiểu, không rõ ràng. Phần đầu công văn lấy cái chung là chủ trương xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh, nhưng phía dưới lại đặt ra vấn đề chuyện riêng của gia đình Giám đốc Sở Tài chính tỉnh này. Hai vấn đề hoàn toàn khác nhau giữa việc xây dựng khu liên cơ các cơ quan hành chính tỉnh Hải Dương và chuyện riêng của gia đình ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương.

Một văn bản do cơ quan nhà nước cấp tỉnh ban hành lại chỉ ghi nhận sự phản ánh cá nhân gia đình ông Hưng, không có sự thẩm tra xác minh từ phía các lực lượng chức năng trực tiếp có mặt tại hiện trường, không trao đổi với cơ quan báo mà phóng viên làm việc là trái với quy định của pháp luật. Như tôi đã chỉ ra, Sở TTTT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, là một cơ quan công quyền Nhà nước, không có nhiệm vụ và chức năng giải quyết các vấn đề cá nhân. Hơn nữa, một công văn mà được soạn thảo một cách phiến diện và chủ quan là điều mà pháp luật không thể chấp nhận, thể hiện trình độ chuyên môn non yếu, coi thường luật pháp của cán bộ, lãnh đạo Sở TTTT.

Theo ông, có những yếu tố chủ quan, cá nhân trong việc ban hành văn bản số 688/STTTT-BCXB nói trên hay không?

Rõ ràng nội dung thể hiện trên văn bản số 688/STTTT-BCXB mang yếu tố chủ quan và mâu thuẫn. Để ban hành một văn bản như vậy, khó có thể khẳng định không có yếu tố chủ quan, cá nhân ở đây. Song, để khẳng định việc ban hành văn bản trên khách quan hay không cần chờ sự xác minh, điều tra của cơ quan có thẩm quyền.

Ngay cả khi Phó GĐ Sở TTTT Hải Dương có quyền ra văn bản như trên, có ý kiến cho rằng đây là một hình thức gây khó dễ cho các cơ quan báo chí trong quá trình tác nghiệp. Ông có nghĩ vậy không?

Từ trước đến nay, cơ quan báo chí luôn gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp với cơ quan Nhà nước vì nhiều lý do. Bởi “Bút sa, gà chết”, “Lời nói, đọi máu”. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi thông tin đăng tải trên báo, đài mà không đúng sự thật, không đủ tin cậy, không được kiểm chứng rõ ràng… đều có thể dẫn đến những hệ lụy tai hại, hậu quả khôn lường. Điều này đã được thực tế minh chứng, xin miễn bình luận. Do đó, luôn có sự thận trọng từ phía cơ quan nhà nước.

Nhưng ở đây, rõ ràng, văn bản số 688/STTTT-BCXB có nội dung mang nặng tính chủ quan, cá nhân; cơ quan ban hành không xác minh, không liên hệ, không kiểm chứng sự thật đã đưa ra những “kết luận” chắc chắn, “vơ đũa cả nắm” mà đề nghị các cơ quan trung ương “chấn chỉnh hoạt động của các báo điện tử và phóng viên” là cố tình gây khó dễ cho quá trình tác nghiệp của các cơ quan báo chí.

Đương nhiên, việc có vu cáo sai sự thực hay không chúng ta cần chờ kết luận của các nhà chức trách, nhưng theo ông hiện tại các bên nên có cách ứng xử như thế nào để tránh dư luận không tốt trong vụ việc này?

Văn bản bị tố "vu khống báo chí" của Phó GĐ Sở TTTT Hải Dương Vũ Văn Vở (Ảnh: Kienthuc)
Văn bản bị tố "vu khống báo chí" của Phó GĐ Sở TTTT Hải Dương Vũ Văn Vở (Ảnh: Kienthuc)

Các bậc tiền nhân đã dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hàm ý muốn nói, mỗi khi xảy ra điều gì liên quan đến mình, trước hết hãy tự xem xét mình đã đúng mực, hoàn hảo chưa, rồi hãy nghĩ đến, xét đến các yếu tố khác khiến mình liên lụy.

Nhà báo cần bình tĩnh, thận trọng nhìn nhận, xem xét lại ý thức, thái độ, tác phong, phương pháp tác nghiệp của mình lúc nào cũng đúng đắn, chuẩn mực, phù hợp không? Nhà báo có bao giờ tự cho mình cái quyền “đứng trên, đứng ngoài” để phán xét người khác một cách thiên vị không? Nhà báo có bao giờ tự cao, tự đại và cố tình “quan trọng hóa” vai trò của mình lên không? Nhà báo có bao giờ sa đà vào lối tác nghiệp “chụp giật”, có ít suýt ra nhiều, thậm chí “biến không thành có”, đổi trắng thay đen không? Và nhất là nhà báo có bao giờ đặt mình vào điều kiện, hoàn cảnh, tâm thế, tâm trạng của những cá nhân, tổ chức là đối tượng viết bài chưa?...

Ngược lại, Cơ quan Nhà nước cần kiểm tra lại thông tin, sự việc đã đúng sự thật chưa? Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tới đâu? Mục đích ban hành văn bản là gì? Văn bản được ban hành có ảnh hưởng như thế nào? Tác động tới dư luận xã hội không?...

Từ đó, hai bên sẽ có cái nhìn khách quan hơn, cùng ngồi lại và làm việc với nhau trên cơ sở sự thật, tránh để sự việc tiếp tục đi theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng tới dư luận và niềm tin của người dân vào uy tín của Cơ quan Nhà nước cũng như tổ chức báo chí, xa hơn là ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp của cơ quan báo chí tại địa phương.

Giả sử sự việc trên xảy ra ở một tỉnh, nhưng lãnh đạo Sở thông tin truyền thông của một tỉnh khác lại ra văn bản như trên, theo ông có hợp lý không?

Sự việc xảy ra ở một tỉnh, nhưng lãnh đạo Sở thông tin truyền thông của một tỉnh khác lại ra văn bản như trên là hoàn toàn trái luật và lạm quyền. Mỗi cơ quan cấp Sở chỉ quản lý những công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn được phân công tại địa phương mình trên cơ sở nền tảng pháp lý của Chính phủ, chứ không có quyền tham gia vào công tác quản lý nhà nước tại một địa phương khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN