Quảng Ngãi: Trúng đậm Vú nàng, ngư dân thẳng tiến ra Trường Sa

31/05/2011 23:05
(GDVN)- Một chiếc tàu cá của ngư dân Lý Sơn thu về hơn 2,3 tỉ đồng, chỉ sau một phiên biển khi ra khai thác Vú nàng tại khu vực Trường Sa.
(GDVN) - Thông tin về chiếc tàu cá của ngư dân Lý Sơn thu về hơn 2,3 tỉ đồng, chỉ sau một phiên biển khi ra khai thác Vú nàng tại khu vực Trường Sa như càng tiếp thêm sức mạnh, để ngư dân Quảng Ngãi đưa tàu thẳng tiến khơi xa.
{iarelatednews articleid='3555,3540,3512,3475,3271,3116,3042,2788,2704'}
Vàng ròng của biển
Trong số những loại hải sâm thì Vú nàng là loại đắt tiền nhất. Vú nàng có hình dáng giống như con nhộng, chỉ khác phía dưới phần bụng vú có 2 hàng vú, với mỗi bên từ 3-5 núm. Chính vì vậy ngư dân mới đặt tên cho nó là con Vú.
Vú nàng, loại hải sân được xem là “vàng ròng” của biển
Vú nàng, loại hải sân được xem là “vàng ròng” của biển
Bình thường, Vú nàng nặng từ 600gr-2kg/con. Tuy nhiên năm 2007, đã có ngư dân bắt được con vú nặng gần 3kg.
Đối với loại Vú nàng, khi còn sống ở dưới biển, nơi to nhất của thân vú rộng từ 30-40cm, dài từ 1-1,2m. Nhưng khi đã đem khỏi mặt nước thì con vú co lại, với chiều dài chỉ còn 20-40cm, bề ngang từ 7-15cm.
Sau khi bắt lên, vú được ngư dân mổ bụng, bỏ ruột rồi đem ướp muối.
Theo lời kể của lão ngư Nguyễn Văn Nhân thì: "Ngày trước, riêng ở Lý Sơn, chỉ cần chạy tàu thuyền ra khỏi bờ khoảng vài chục hải lý là ngư dân có thể lặn xuống bắt được hàng tá".
Ở nước ta hải sâm khá nhiều và thường sống ở những vùng biển mà đáy đất cát không pha tạp chất, dưới độ sâu từ vài chục đến cả trăm mét; gần khu vực có đá ngầm, rạng san hô như quần đảo Trường Sa...
Mùa khai thác hải sâm hàng năm ở ngư trường trong nước của ngư dân Lý Sơn thường bắt đầu từ tháng Giêng và kéo dài đến tháng 10 âm lịch. Việc khai thác hải sâm ở Lý Sơn đã diễn ra từ lâu đời, thế nhưng do hải sâm thời đó không giá trị bằng các loại hải sản khác, nên ngư dân trên đảo không "mặn mà" lắm.
Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị lặn biển
Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị lặn biển
 Đến khoảng đầu 2000, thì hải sâm, nhất là con Vú mới bắt đầu có giá. Chị Nguyễn Thị Nhân, một người thu mua hải sâm ở địa phương, cho biết: Riêng Vú nàng hiện đã lên đến 1,6 triệu đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với 2 năm trước. Vì vậy mà loại hải sản này được nhiều ngư dân đất đảo ví von là “vàng ròng của biển”
Vú nàng “ông ăn, bà cười”
Nếu trên rừng có nhân sâm thì dưới biển có hải sâm, đặc biệt là con vú.
Hiếm có phương thuốc, loại thức ăn nào bổ dưỡng và có thể hồi phục sức khoẻ nhanh bằng con vú. Đi làm về mệt chỉ cần ăn được một bát cháo Vú nàng thì chỉ ít phút sau sẽ thấy người khoẻ lại ngay. Còn rượu ngâm Vú nàng, ngoài chuyện bổ, nó còn được xem là một phương thuốc giã rượu vô cùng hữu hiệu của những tay nhậu đất đảo.
Nhiều ngư dân đất đảo cho biết, dù có lúc say bí tỉ nhưng khi về đến nhà, vớ lấy hũ rượu ngâm Vú nàng và uống 2-3 ly thì chỉ mươi phút sau đã thấy người tỉnh hẳn, có thể đi "chiến đấu" tiếp tục.
Chính vì thế mà các đấng mày râu trên đảo thường đùa nhau rằng: Đây là loại hải sản mà "ông ăn, nhưng bà lại khen ríu rít". Mỗi lần đi biển vô, muốn đi nhậu với bạn bè mà không bị bà nhà chì chiết, thì tụi tui chỉ cần "bóng gió": Thằng bạn mới đi lặn vô được con vú, để lại làm mồi và mời đến lai rai chút xíu, thì bảo đảm bà nhà vui vẻ ngay. 
Phiên biển kỉ lục
Lặn hải sâm có thu nhập cao hơn từ 2-5 lần so với đánh bắt hải sản khác. Bình quân mỗi thuyền đi lặn hải sâm có từ 10-14 người, gồm: một nấu ăn và 1 hoặc 2 lái tàu, số còn lại là thợ lặn. Sau mỗi chuyến ra khơi từ 30 đến 45 ngày, thu về vài trăm đến cả tỉ đồng là bình thường. Riêng từ đầu năm 2011 đến nay, 4 phương tiện chuyên làm nghề lặn Hải Sâm ở Lý Sơn cũng đã trở về, với số tiền bán được từ 1,5-2 tỉ đồng.
Thế nhưng chỉ trong 30 ngày ra khơi, mà đánh bắt hơn 1,5 tấn hải sâm, thu về hơn 2,3 tỉ đồng, như tàu QNg 6029 Ts, của ông Lê Túc (44 tuối), ở xã An Hải vừa rồi, thì ở Lý Sơn, đây là đầu tiên ! - ngư dân Lê Thanh Hùng (42 tuổi), thợ lặn hải sâm ở thôn Tây, xã An Vĩnh, khẳng định.
Được biết tàu ông Túc rời bến đến vùng biển quần đảo Trường Sa vào khoảng cuối tháng 4.2011.
Mấy ngày đầu ra khơi, việc đánh bắt không có nhiều thuận lợi. Thế nhưng, bất ngờ sau đó, vừa lặn xuống, ngư dân “D” đã  run rẩy cả người khi phát hiện xung quanh mình hải sâm nằm dày đặc. Thế là mọi người trên tàu phấn khởi thay nhau xuống nước.
Trước khi quay mũi trở về, toạ độ trên đã được in vào trí nhớ của các thợ lặn.
Đến sáng ngày 30.5, chiếc tàu trở về đến bến, mang theo trên 1,5 tấn hải sâm, trong đó chủ yếu là Vú nàng. Sau khi bán và trừ chi phí, mỗi ngư dân trên tàu được chia từ 100 -150 triệu đồng/người.
Ông Túc cho biết, đây là phiên biển thứ 2 trong năm nay. Dự kiến sau khi nghỉ ngơi và ăn mùng 5.5 xong, tàu sẽ xuất bến, tiếp tục thẳng tiến ra Trường Sa.
C.T