Quy định mới về từ chức: Cán bộ yếu kém có thể “rút lui” trong danh dự

13/11/2021 06:50
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS.TS Bùi Thị An: "Trước đó chúng ta đã có những quy định về từ chức. Thế nhưng, độ tự giác cũng như ý thức tự kiểm điểm của cán bộ chưa cao".

Ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 02/10/2009 của Bộ Chính trị và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Theo đó, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định mới đã có những kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm, cụ thể hóa nhiều tiêu chí để xem xét, đánh giá trong việc miễn nhiệm, từ chức.

Quy định rõ ràng, mở rộng phạm vi

Đó là nhận định của ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII khi đánh giá những điểm mới của quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Theo ông Thuyền phân tích, so với các quy định cũ tại Quy định số 260-QĐ/TW, quy định mới đã có những nét tiến bộ, bổ sung và quy định rõ ràng hơn về các khái niệm.

Với quy định cũ, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên”.

Tuy nhiên, trong quy định mới, “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Có thể thấy rằng, theo quy định mới, miễn nhiệm được bổ sung thêm “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm” để xác định cụ thể hơn về các trường hợp miễn nhiệm.

Tương tự với khái niệm từ chức. Trong quy định cũ, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Với quy định mới, “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp nhận”.

Như vậy, Quy định 41 cũng bổ sung thời điểm cán bộ từ chức là “khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”.

Điều đó cho thấy, với quy định mới, các khái niệm được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, dễ vận dụng hơn trong thực tế.

Thế nhưng, ông Nguyễn Bá Thuyền vẫn lưu ý rằng: “Dù có nhiều điểm mới, cụ thể hơn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta áp dụng như thế nào vào thực tế.

Từ trước tới nay, chúng ta không thiếu các quy định, quy phạm, văn bản luật. Tuy nhiên, từ văn bản để được áp dụng triệt để vào đời sống thì chúng ta vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng. Điều đó được chứng minh rất rõ ràng qua những sai phạm của một bộ phận cán bộ trong thời gian gần đây.

Chính vì vậy, quy định các văn bản rõ ràng, cụ thể là điều rất tốt, rất nên làm nhưng phải nghiêm chỉnh, nghiêm khắc thực hiện các văn bản đó một cách có hệ thống, đồng bộ là việc cần thiết và bắt buộc phải có giám sát khi thực hiện”.

Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, Quy định 41 được xem là sợi dây thắt chặt kỷ cương hơn trong quản lý nhà nước về công tác cán bộ. Do đó, việc thực hiện là phải theo đúng nguyên tắc, không vùng cấm, không ngoại lệ, không phân biệt họ là ai. Như vậy các quy định mới phát huy được tính hiệu quả, áp dụng và đi vào sâu trong thực tế và đời sống nhân dân.

Thích hợp về thời gian thực hiện các quyền

Cũng có những nhận định tương tự về sự ưu việt hơn của quy định mới về miễn nhiệm, từ chức so với quy định cũ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho hay:

“Quy định 41 của Bộ Chính trị có điều kiện mở rộng hơn và thích ứng hơn về việc thanh lọc cán bộ, loại trừ những cán bộ không đủ năng lực, không đủ phẩm chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, làm trong sạch bộ máy nhà nước. Điều đó được xem là bước tiến bộ, đổi mới trong quy định mới được đề ra”.

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh NVCC)

Bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh NVCC)

Theo bà Bùi Thị An, quy định này thích hợp về thời gian, thời điểm. Nếu như trước đây, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có đặt ra những quy trình nhưng quá muộn, không còn có tác dụng mà một trong những đặc trưng của xử lý kỷ luật là phải xử lý đúng thời điểm thì mới có tác dụng. Tác dụng cho cả người bị kỷ luật cũng như cảnh tỉnh, răn đe cán bộ liên quan.

Về phạm vi của quy định mới cũng được xác định rộng hơn, cụ thể hơn các khái niệm, về các trường hợp quy định, điều kiện, thời hạn, cho phép người ta có thể xử lý nhanh và xử lý thích hợp được. Đó là cần thiết mà từ trước đến nay chúng ta vẫn thường có những chậm trễ trong khâu xử lý, quyết định.

Với những quy định cụ thể hơn về quyền hạn của cấp trên, thời hạn xử lý đối với các trường hợp cụ thể, quy định về hồ sơ, trường hợp xem xét bổ nhiệm, quy hoạch sau khi từ chức… là một bước cải tiến, tạo điều kiện cho các tổ chức đảng dễ tiến hành, xử lý công việc hơn trên thực tế.

Ngoài ra, theo bà Bùi Thị An, Quy định 41 được xem là một bước tiến vượt bậc, đưa cán bộ của chúng ta hiện nay đến gần hơn với văn hóa từ chức.

“Phải nói rằng, Quy định 41 tạo điều kiện cho cán bộ yếu kém có thể từ chức, rút lui trong danh dự. Trước đó chúng ta có những quy định về từ chức. Thế nhưng, độ tự giác cũng như ý thức tự kiểm điểm của cán bộ chưa cao.

Chúng ta có những quy trình tự đánh giá, tự kiểm điểm và có cả quy định về từ chức của cán bộ trước đó. Tuy nhiên chỉ quy định thôi chứ hiếm khi thấy cán bộ tự đánh giá năng lực yếu kém mà từ chức. Hầu hết đều để đến khi do năng lực chưa đủ, gây ra những sai phạm, dẫn đến miễn nhiệm, cách chức mới buông bỏ vị trí. Vì vậy, đây có thể xem từng bước mở đường cho văn hóa từ chức đối với cán bộ”, bà An cho biết.

Bà Bùi Thị An nhận định rằng, mặc dù Quy định 41 có nhiều ưu điểm, tiến bộ, tuy nhiên cũng cần cụ thể hóa hơn nữa các khái niệm, quy định, giới hạn. Đặc biệt là việc triển khai các quy định này thì cần có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền, chức năng cũng như giám sát của nhân dân. Như vậy thì mới phát huy được hiệu quả của các quy định mới của pháp luật, nhà nước.

Cao Kim Anh