Sau Tiên Lãng, xem lại các vụ cưỡng chế đất trên cả nước

20/03/2012 08:00
Thiên Hà (TH)/Dothi.net

Sau khi vụ cưỡng chế đất Tiên Lãng được Thủ tướng chính phủ chỉ đạo làm rõ, nhiều vụ cưỡng chế khác cũng đang được nhìn lại nghiêm túc.

Cưỡng chế đất Quảng Ngãi

Vào khoảng 8h ngày 19/7/2011, lúc ông Đỗ Hữu Trí (sinh năm 1968, trú tại TP Quảng Ngãi) và 9 nhân công làm vườn đang tưới nước, chăm sóc cây cảnh thì đoàn cưỡng chế của UBND huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi kéo đến. Lực lượng cưỡng chế không hề lập biên bản hoặc có yêu cầu nào khác mà lập tức dùng sức mạnh dồn toàn bộ người làm ra khỏi khu vực.

Ngay sau đó, lực lượng này nhanh chóng đưa 4 máy cưa, 4 máy ủi và 5 xe tải... vào phá tan tành cây cảnh, san phẳng nhà cửa, đất đai trong trang trại ông Trí. Chỉ trong chốc lát, đoàn cưỡng chế đã phá tan nát trên 500.000 cây cảnh quý, trị giá trên 50 tỷ đồng mà ông mất bao nhiêu tiền của, công sức gây dựng.

Người dân đứng tại khu đất đã bị san phẳng của ông Trí
Người dân đứng tại khu đất đã bị san phẳng của ông Trí

Được biết, vào tháng 5/2003, gia đình ông Đỗ Hữu Trí đã vay nhiều tỷ đồng để mua lại trên 1,5ha đất nông nghiệp của 23 hộ dân tại địa phương. 23 hộ dân này đã nhận đủ tiền bán đất và đã trao toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) kèm theo hợp đồng bán đất cho gia đình ông Đỗ Hữu Trí.

Vào cuối năm 2003, ông Trí khai hoang thêm một bãi bồi rộng trên 2ha (vốn là nơi chứa rác thải của địa phương) để tạo ra trang trại cây cảnh. Sau khi tiến hành san lấp mặt bằng, cải tạo chất đất, ông Trí đã chuyển 124 loài cây (khoảng 500.000 cây) như lộc vừng, mai, ngao, osaka, bàng vuông, sanh... về ươm trồng trên cả hai lô đất nói trên.

Từ năm 2003 đến tháng 11/2008, gia đình ông Trí đã sử dụng ổn định cả hai lô đất và xây dựng lên trên đó một căn nhà tạm bợ lợp tôn để công nhân làm vườn ở trông coi tài sản và để dụng cụ sản xuất.

Nhưng bất ngờ vào ngày 9/3/2009 và ngày 28/3/2011, UBND huyện Sơn Tịnh đã ra các Quyết định 499/QĐ-UBND, 715/QĐ-UBND, cho rằng: Diện tích đất nông nghiệp mà ông Trí mua của 23 hộ dân và khai hoang từ bãi bồi nói trên để làm vườn cây cảnh là trái phép, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Huyện phạt ông Trí 27 triệu đồng và yêu cầu gia đình ông phải tự tháo dỡ nhà đã xây dựng trái phép, thu dọn cây cối trên diện tích đất nhận chuyển nhượng trái phép và đất lấn chiếm.

Không đồng tình, ông Trí viết đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng. Ngày 14/6/2011, UBND huyện Sơn Tịnh tiếp tục ra Quyết định số 1308/QĐ-UBND với nội dung: Bác đơn khiếu nại của ông Đỗ Hữu Trí, áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản để đảm bảo thu hồi số tiền xử phạt. Ngày 19/7/2011, UBND huyện Sơn Tịnh đã cho đoàn cưỡng chế đến phá hủy vườn cây của gia đình ông Trí.

Sau đó, ông Trí tiếp tục gửi đơn lên UBND tỉnh Quảng Ngãi. Nhận được đơn khiếu nại UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc và đi đến kết luận UBND huyện Sơn Tịnh cưỡng chế là trái pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay, UBND huyện Sơn Tịnh vẫn chưa có các động thái đền bù thỏa đáng.

Cưỡng chế đất chủ đầm Lê Đình Thảo (Tiên Lãng – Hải Phòng)

Trước vụ ông Đoàn Văn Vươn, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã cưỡng chế 70h đầm tôm của ông Lê Đình Thảo.

Anh Lê Văn Tân, con trai chủ đầm Lê Đình Thảo chia sẻ, 4 năm trước, gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự như ông Đoàn Văn Vươn. Năm 1992, được giao 70 ha đất trong vòng 12 năm gia đình đã vay mượn ngân hàng và nhiều nơi khác để có tiền thuê nhân công đắp gần 3 km đê quai chống bão. Bãi đất triều ven cửa sông Văn Úc sau nhiều năm sóng gió trở thanh một vùng đất màu mỡ.

Anh Lê Văn Tân (người ngồi giữa) kể lại vụ cưỡng chế 70 ha đất đầm tôm nhà anh.
Anh Lê Văn Tân (người ngồi giữa) kể lại vụ cưỡng chế 70 ha đất đầm tôm nhà anh.

Cũng theo anh Tân, sau 12 năm, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích trên, không bồi thường cho gia đình. Gia đình đã có nguyện vọng được giao lại để tiếp tục canh tác nhưng không được chấp nhận. "Thu hồi đất về, xã đã giao cho một số người quản lý trong vòng 3 năm rồi tổ chức đấu thầu. Lúc đó gia đình cũng bỏ thầu nhưng bị thua".

Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại các cấp, năm 2006, Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Hải Phòng lúc đó là ông Nguyễn Quan Hoài đã có văn bản kiến nghị lên UBND thành phố với nội dung: "Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được duyệt..", nên ưu tiên giao đất, thuê đất cho ông Lê Đình Thảo nếu có nhu cầu sử dụng tiếp. Tuy nhiên, văn bản này không được UBND huyện Tiên Lãng thực hiện.

Trước quyết định thu hồi của huyện, gia đình ông Lê Đình Thảo đã kiện ra tòa hành chính từ cấp huyện lên cấp tối cao. Theo đại diện gia đình, đáng nhẽ ra, sau khi Luật đất đai 1993 ra đời, huyện Tiên Lãng phải điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như quy định, song huyện đã không thực hiện. Đây là căn cứ để gia đình chủ đầm này khởi kiện.

Anh Tân chỉ về cánh đồng rộng 70 ha mà gia đình đã làm nhiều năm trước đó.
Anh Tân chỉ về cánh đồng rộng 70 ha mà gia đình đã làm nhiều năm trước đó.

Ròng rã vác đơn đi kiện, một thời gian ngắn sau khi khu đầm bị thu hồi, ông Thảo qua đời. Anh Tân phân trần, không chỉ bị thu hồi 70 ha đất bãi triều ven sông khu vực Gảnh Chè, gia đình đã đầu tư nuôi thả thủy sản trên vùng này nhưng đến khi cưỡng chế chưa kịp thu hoạch. "Bố tôi giờ cũng đã mất rồi. Giờ gia đình chỉ có nguyện vọng là chính quyền giao lại đất để tiếp tục sản xuất để trả nợ. Ngoài ra việc đền bù trong quá trình cưỡng chế cũng phải được tính toán cho phù hợp", anh Tân nói.

Ngoài gia đình anh Tân, còn rất nhiều gia đình trên địa bàn huyện Tiên Lãng lâm vào cảnh tương tự. Sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về vụ Tiên Lãng, người dân nơi đây vẫn hy vọng được nhận lại đất để tiếp tục tăng gia sản xuất trên mảnh đất mình đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt.

Cưỡng chế đất phường Long Biên (Hà Nội)

Năm 2005, UBND quận Long Biên và UBND phường Ngọc Lâm (Hà Nội) đã tiến hành cưỡng chế đất của 6 hộ dân tại phường Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, ngoài các hộ dân bị thu hồi đất, chính quyền địa phương đã cưỡng chế "thêm" mảnh đất 300m2 của ông Nguyễn Văn Lan - người không có tên trong danh sách 6 hộ bị thu hồi - để cấp cho 5 hộ khác xây dựng nhà ở.

Trước đó, vào năm 1999, với mục đích lấy đất phục vụ việc giãn dân, UBND TP.Hà Nội có Quyết định số 4348/QĐ-UB ngày 18/10/1999 giao 1.712m2 đất của 6 hộ gia đình: Các bà Hoàng Thị Là, Đào Thị Tám và các ông Nguyễn Văn Chiến, Đỗ Văn Tố, Đỗ Ngọc Lợi, Nguyễn Trọng Kiện tại khu vực ao Cẩm Nhật, thị trấn Gia Lâm để giao cho 22 hộ thuộc thị trấn Gia Lâm xây dựng nhà ở. Theo đó, UBND huyện Gia Lâm ra quyết định thu hồi đất của một số hộ dân đang sử dụng, trong đó gia đình ông Tố bị thu hồi 250m2.

Anh Nguyễn Văn Lan đang đứng cạnh ngôi nhà xây trên diện tích đất nhà ông bị thu hồi.
Anh Nguyễn Văn Lan đang đứng cạnh ngôi nhà xây trên diện tích đất nhà ông bị thu hồi.

Do hết thời hạn TP giao mà UBND huyện Gia Lâm vẫn chưa thực hiện được việc giao đất, nên ngày 10/4/2003, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Quý Đôn ký tiếp Quyết định 1931/QĐ-UB gia hạn Quyết định 4348 thu hồi 1.712m2 đất, thời hạn thực hiện 12 tháng (đến ngày 10/4/2004 quyết định này hết hiệu lực).

Ông Nguyễn Văn Lan cho biết: “Ngày 5/2/2005, UBND phường Ngọc Lâm tiến hành cưỡng chế để thu hồi 250m2 đất của ông Tố, nhưng do “quá tay” nên đã thu hồi của ông Tố gần 300m2 đất, đồng thời cũng cưỡng chế luôn cả phần diện tích 300m2 đất của tôi. Tôi đã đến UBND phường kiến nghị và được ông Lưu Đắc Dũng - Chủ tịch UBND - trả lời là làm theo quyết định của UBND quận và TP, trong khi đó lại không đưa ra quyết định nào về việc thu hồi và cưỡng chế đất của gia đình tôi cho tôi xem.

Ngày 17/5/2006, UBND phường đã xây tường bao khu đất 600m2 - vừa cưỡng chế nhà ông Tố và nhà tôi để làm chỗ giãn dân.

Tiếp sau đó, UBND quận Long Biên cấp đất cho cả người đã chết như các ông Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Ngoạn và người đã được cấp nhà ở, thậm chí có hộ dân không thuộc địa bàn của quận”.

Từ năm 2005 tới nay, ông Lan đã nhiều lần gửi đơn khiến nại đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị giải quyết và các cơ quan này đều ghi chuyển tới Chủ tịch UBND quận Long Biên trả lời thắc mắc của người dân theo đúng thẩm quyền, nhưng hiện nay UBND quận Long Biên vẫn phớt lờ không trả lời và cũng không giải quyết việc khiếu nại của ông Lan.

Cưỡng chế đất Hà Nam

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan ban ngành làm rõ vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Hà Nam.

Trước đó, ông Lê Hồng Ngọc (Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam) đã nhiều lần gửi đơn thư lên các cấp chính quyền khiếu nại về việc gần 5.000m2 đất hoang hoá được ông nhận cải tạo, sản xuất ổn định gần 30 năm nay bỗng nhiên chính quyền xã ra quyết định thu hồi và chỉ đền bù 2,2 triệu đồng.

Vốn là mảnh đất hoang hoá đã lâu, ruộng bị đào thùng đấu, lăn lác nhiều, không có bờ giữ nước… để sản xuất được phải cải tạo vô cùng khó khăn. Nhưng đã nhận là làm, ông Ngọc và gia đình tập trung công sức, chi phí để thuê người san lấp cho ruộng bằng phẳng, đắp bờ giữ nước để trồng lúa và thả cá. Mỗi năm làm một ít, vừa cải tạo vừa canh tác.

Hơn 5000 m2 đất nhà ông Ngọc chỉ được đền bù 2,2 triệu đồng.
Hơn 5000 m2 đất nhà ông Ngọc chỉ được đền bù 2,2 triệu đồng.

Đến nay, Ông Ngọc đã cải tạo thành công khu đất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại với diện tích 10,83 ha (gồm 4,68 ha đất hai vụ lúa và 5,7 ha mặt nước thả cá và nuôi vịt đẻ) đồng thời, ký hợp đồng trồng lúa giống với Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Nam, trường Đại học Nông nghiệp I, cải thiện đời sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Gần 30 năm canh tác trên mảnh đất tự khai hoang, gia đình ông Ngọc vẫn nộp sản phẩm, thuế sử dụng đất đầy đủ và hoàn toàn không có tranh chấp. Điều này căn cứ vào những phiếu thu, biên lai thu tiền thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí…

Gia đình ông Ngọc đang yên tâm sản xuất, gặt hái thành quả lao động của mình sau gần 30 năm vất vả “máu trộn mồ hôi” để khai hoang của mình thì năm 2009, UBND xã Tiên Tân quyết định thu hồi 5023m2 trong diện tích đất gia đình ông đang canh tác với số tiền đền bù là: 2.294.611 đ (Hai triệu hai trăm chín tư ngàn sáu trăm mười một đồng). Giá tiền đền bù không bằng đàn vịt ông đang nuôi đẻ trứng một đêm. Đất thu hồi được sử dụng để triển khai dự án làm tuyến đường trục xã Tiên Tân

Không đồng tình với phương án đền bù bất hợp lý với công sức lao động đã bỏ ra trên diện tích đất 5.023 m2 gần 30 năm qua, gia đình ông Ngọc đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền tỉnh Hà Nam, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ nhưng vẫn chưa được UBND huyện Duy Tiên giải quyết quyền lợi chính đáng.

Trong khi gia đình ông đang chờ các cơ quan chức năng trả lời thì ngày 10/2/2010 (cách Tết Âm lịch 4 ngày), UBND huyện Tiên Tân đã huy động 50 cán bộ, công nhân, công an và các cơ quan ban, ngành đến “cưỡng chế” gia đình phải giao đất dưới danh nghĩa “là bảo vệ việc làm đường” mà không có thông báo, không có quyết định “cưỡng chế”.

Ông Ngọc đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng.
Ông Ngọc đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng.

Sau vụ việc này, ông Ngọc khẩn cấp làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Duy Tiên. Hơn hai tháng sau, ông Ngọc nhận được công văn của UBND huyện do chủ tịch Nguyễn Đức Vượng ký ngày 26/4/2010 với nội dung khẳng định hơn 5000m2 đất xã Tiên Tân quyết định thu hồi là do UBND xã Tiên Tân quản lý và việc bồi thường cho ông Ngọc 2,2 triệu đồng là đúng pháp luật.

Những lập luận của xã, huyện đưa ra không thỏa đáng nên ông Ngọc tiếp tục khiếu nại. Nhận được thông tin vụ cưỡng chế đất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan ban ngành phải giải quyết tận gốc vấn đề vụ việc trên.

Như vậy, có thể thấy thời gian vừa qua trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất. Sau Tiên Lãng, người dân mong muốn Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo điều tra, làm rõ mọi khúc mắc các vụ cưỡng chế khác.

Thiên Hà (TH)/Dothi.net