Trong nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) năm 2025 đã có nhiều đổi mới đáng chú ý. Một trong những điểm nổi bật là việc mở rộng cánh cửa để chuyên gia, doanh nhân xuất sắc từ khu vực tư nhân có thể tham gia đội ngũ công chức thông qua hình thức hợp đồng thực hiện nhiệm vụ – đặc biệt ở các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Điều 21 của Luật nêu rõ: Căn cứ tính chất, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng thời điểm và thực trạng, nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, cơ quan quản lý công chức có thể quyết định ký hợp đồng với các đối tượng sau: chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi; doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc... để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.
Quy định này được nhiều chuyên gia đánh giá là bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để đội ngũ chuyên gia, doanh nhân từ khu vực tư có thể chính thức tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách công. Có ý kiến đề xuất Hà Nội nên tiên phong thí điểm ở lĩnh vực quản lý giáo dục và đào tạo. Qua đó, giúp bộ máy quản lý tiếp cận được những góc nhìn đa chiều, sát thực tiễn hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính xã hội cao như giáo dục.
Tiếng nói từ thực tiễn giáo dục tư thục
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) – bày tỏ quan điểm, đây là một hướng đi đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hệ thống ngoài công lập, trong đó có giáo dục tư thục. Việc Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) tạo điều kiện để chuyên gia ngoài khu vực công được tham gia bộ máy quản lý là một tín hiệu tích cực, phù hợp với tinh thần khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh.
Theo cô Hiền, quy định này thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy quản lý. Muốn phát triển bền vững, Nhà nước cần chủ động tạo điều kiện để những người đang trực tiếp làm trong khu vực tư thục – với kinh nghiệm thực tiễn phong phú cùng tham gia xây dựng chính sách.
“Là người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, đồng thời là người sáng lập và trực tiếp điều hành một cơ sở giáo dục tư thục, tôi đánh giá cao chủ trương này. Bởi đây là cơ hội để giáo dục tư thục phát triển một cách bền vững, có định hướng rõ ràng. Tiếng nói từ những người làm thực tế sẽ mang lại những góp ý sâu sát, thiết thực, đồng hành cùng đội ngũ quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách,” cô Hiền chia sẻ.

Cô Hiền cho biết, trong thời gian qua, tại nhiều cuộc họp liên quan đến các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, việc lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp tham dự đã giúp phản ánh thực tiễn một cách rõ ràng, cụ thể hơn, thay vì chỉ tiếp cận qua báo cáo gián tiếp như trước đây.
Không chỉ vậy, trong nhiều hội thảo tham vấn, góp ý xây dựng chính sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tư thục cũng đã được mời tham dự với tư cách chuyên gia. Đây là minh chứng cho việc vai trò thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo đến từ những đơn vị, cơ sở ngoài công lập ngày càng được ghi nhận trong quá trình hoạch định chính sách giáo dục.
Đáng chú ý, một ví dụ tiêu biểu là việc Hà Nội đã thành lập Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố. Theo cô Hiền, đây là một bước tiến quan trọng, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về vị trí, vai trò của khu vực giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, bộ máy hiện nay của đơn vị này vẫn chưa có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục tư thục.
“Nếu có sự tham gia của lãnh đạo các trường tư trong bộ máy này sẽ là một lợi thế lớn. Họ nắm rõ đặc thù, khó khăn cũng như thuận lợi của hệ thống tư thục và có thể đưa ra các đề xuất chính sách sát thực, phù hợp hơn nhiều,” cô Hiền nhấn mạnh.
Những chuyên gia, người tài đều cần có môi trường để phát huy năng lực, không phân biệt công-tư
Về vấn đề này, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng bày tỏ, đây không phải là một hướng đi mới lạ, mà thực tế đã được áp dụng từ lâu tại nhiều quốc gia.
“Thực ra, đây cũng không phải là điểm quá độc đáo của Việt Nam. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, họ đã thực hiện việc lựa chọn cán bộ quản lý một cách rất linh hoạt. Theo đó, không nhất thiết phân biệt rạch ròi giữa công lập hay tư thục, mà quan trọng là người đó có năng lực, đáp ứng được các yêu cầu công việc và có thể thỏa thuận được hợp đồng lao động phù hợp. Trong khi đó, lâu nay ở nước ta thì công ra công, tư ra tư. Nay có sự mở ra như vậy cũng có thể xem là một nét đổi mới tích cực,” thầy Tùng Lâm nhận định.

Tuy nhiên, theo thầy Tùng Lâm, để chủ trương này phát huy hiệu quả, điều tiên quyết là chính sách phải thật sự rõ ràng, cụ thể và có cơ chế bảo vệ người tài. Bởi, muốn khơi dậy, phát huy được năng lực thực sự của người tài, thì cần có chính sách rõ ràng để họ yên tâm cống hiến.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, việc sử dụng nhân lực từ khu vực tư ở vị trí quản lý, lãnh đạo là rất quan trọng với mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, một ngành có nhiều đặc thù riêng thì cần có hướng dẫn thật cụ thể, chi tiết để vừa bảo vệ lợi ích của Nhà nước, vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người được xem là người tài.
Mặt khác, muốn thực hiện chủ trương này, Nhà nước phải có quy trình thẩm định chặt chẽ các đối tượng nhân sự từ khu vực tư dự kiến tuyển dụng. Vấn đề pháp lý đi kèm cũng cần rõ ràng như cơ chế tuyển chọn ra sao, hợp đồng như thế nào, khi có hiệu quả thì khen thưởng, động viên thế nào. Nếu làm bài bản, minh bạch thì đây sẽ là một giải pháp tốt, góp phần đa dạng hóa nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục.
Có một thực tế là hiện nay ở một số địa phương như thành phố Hà Nội có phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài nhưng cán bộ phụ trách quản lý lại xuất phát từ khu vực công. Điều này gây ra không ít băn khoăn về tính sát sao trong điều hành cũng như hiệu quả trong xây dựng chính sách hỗ trợ khu vực giáo dục tư thục, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục như hiện nay.
Thầy Tùng Lâm cho rằng, những người tài đều cần có môi trường để phát huy năng lực. Đặc biệt là ở những vị trí quản lý, lãnh đạo. Tất nhiên, nếu chúng ta lựa chọn được những người tài là những những người đã trưởng thành từ khu vực giáo dục tư thục để trở thành người lãnh đạo ở những phòng, ban quản lý sát với đối tượng này thì càng tốt.
“Quan trọng là nhìn nhận đúng người, đúng năng lực, chứ không nên quá đặt nặng về lý lịch công – tư. Có những người tài từng gắn bó nhiều năm ở hệ thống tư thục, am hiểu sâu sắc những vấn đề đặc thù, thì nếu được tin tưởng giao nhiệm vụ, chắc chắn họ sẽ đóng góp tốt hơn cho chính môi trường mà họ từng trải nghiệm và gắn bó”, thầy Lâm nhận định.
Tóm lại, chủ trương mở rộng cơ chế ký hợp đồng mời chuyên gia, doanh nhân đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý không chỉ tạo đột phá về cách thức tuyển chọn cán bộ mà còn góp phần thay đổi tư duy sử dụng nhân lực, từ chỗ phân biệt công – tư sang trọng dụng người có năng lực thực sự, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Đề xuất từ thực tiễn – Làm rõ vai trò, vị trí và cơ chế hợp tác
Từ những trải nghiệm thực tiễn, cô Hiền đề xuất một số giải pháp nhằm hiện thực hóa hiệu quả chủ trương tại Điều 21 của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi):
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động. Cụ thể, trên thực tế, các chuyên gia, doanh nhân khu vực tư thường không chủ động đề xuất được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Do đó, Nhà nước cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và vị trí phù hợp đối với từng đối tượng, từ đó chủ động mời gọi và tạo điều kiện để họ tham gia đóng góp một cách thực chất, hiệu quả.
Thứ hai, công khai minh bạch nhu cầu và vị trí cần thu hút, kêu gọi. Các Sở Giáo dục và Đào tạo – đặc biệt tại những địa phương đã thành lập Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài (như Hà Nội) – cần công bố rõ ràng những vị trí công việc cụ thể liên quan đến lĩnh vực giáo dục ngoài công lập. Đây là cơ sở để thu hút hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực tư.
Thứ ba, xác định cơ chế phối hợp cụ thể. Khi mời lãnh đạo các trường tư tham gia với vai trò chuyên gia, thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý có liên quan, cần quy định rõ ràng trách nhiệm, phạm vi, hình thức tham gia và cơ chế phối hợp. Chỉ khi có nền tảng pháp lý minh bạch và cơ chế vận hành cụ thể, sự hợp tác giữa khu vực công – tư mới có thể phát huy hiệu quả lâu dài và bền vững.
“Nếu kết hợp đội ngũ cán bộ công lập am hiểu chính sách với các lãnh đạo trường tư giàu kinh nghiệm thực tiễn, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những chính sách khả thi, thiết thực và hiệu quả hơn nhiều cho giáo dục tư thục,” cô Hiền nhấn mạnh.
Tóm lại, theo Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, Điều 21 của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) năm 2025 là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội để thu hút nguồn lực chất lượng cao từ khu vực tư nhân tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước. Tuy nhiên, để chủ trương này thực sự đi vào thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục tư thục, rất cần sự chủ động từ phía cơ quan quản lý cùng với cơ chế mời gọi, phối hợp rõ ràng và minh bạch.
Chỉ khi tạo được môi trường hợp tác tin cậy và hiệu quả, Nhà nước mới có thể phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm và góc nhìn thực tiễn của đội ngũ chuyên gia, doanh nhân tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách công. Đây cũng chính là con đường ngắn nhất để thúc đẩy sự phát triển đa dạng, hài hòa và bền vững cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc gia.