Sau vụ cháy tháp EVN: Hà Nội sẽ có trực thăng cứu hỏa?

16/12/2011 12:08
Nam Phong
(GDVN) - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ví hình ảnh cháy tháp EVN như những hình ảnh tháp đôi của Mỹ xảy ra ngày 11/9/2001 khiến 3.000 người thiệt mạng.

Vụ hỏa hoạn tại số 29-33 phố Cửa Bắc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xảy ra và cuối giờ chiều qua (15/12) do hàn xì gây ra đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, đã có ít nhất 24 người bị thương do thiếu dưỡng khí, bỏng, rất may không có ai tử vong.


Ở Hà Nội có hàng trăm công trình nhà cao tầng như thế này.
Ở Hà Nội có hàng trăm công trình nhà cao tầng như thế này.

Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này xảy ra tại một tổ hợp nhà gồm hai tháp cao 32 và 33 tầng, lửa bắt đầu bùng phát từ tầng hầm 1 của tòa nhà và nhanh chóng lan theo hệ thống kỹ thuật cháy lên tận tầng thượng của tòa nhà. Vụ hỏa hoạn này khiến cả nước hồi hộp dõi theo từng phút, các kênh truyền thông cũng cập nhật liên tục thông tin từ hiện trường bởi tính mạng của hàng chục con người đang treo lơ lửng trên tầng cao. Hình ảnh tháp đôi của EVN khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh tháp đôi ở Mỹ sụp đổ vào năm 2001.

Điều này đã được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định trong buổi họp giao ban khẩn cấp với lãnh đạo các Sở, Ban ngành của thành phố về vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra chiều tối ngày hôm qua. 

Ông Thảo nói: “Những hình ảnh như hôm qua chấn động cả nước, như hình ảnh tháp đôi của Mỹ, khiến nhiều người nao núng”.


Hình ảnh Công nhân mắc kẹt nháy đèn, gào gọi kêu cứu trong sợ hãi.

Việc còn hàng chục công nhân mắc kẹt trong hai tòa tháp của tổ hợp này nhưng lại chỉ được giải cứu bằng…. MỘT CHIẾC GOL LẮP KÍNH của công nhân.

Phải mất 5 tiếng đồng hồ, lực lượng cứu hộ mới giải cứu được hết những người mắc kẹt. Tuy nhiên, không phải tất cả đều được lực lượng giải cứu mà trong số 40 công nhân ấy có tới một nửa là tự lần mò trong khói đen đặc để thoát thân bất chấp nguy hiểm.

Trong số hàng trăm cán bộ chiến sĩ từ CS PCCC, bộ đội đặc công có mặt tại hiện trường để dập lửa thì phương tiện cũng chỉ có: xe thang (có thể tiếp cận được tới tầng 15), vài chiếc bình dưỡng khí, vài chiếc mặt lạ, và vài chiếc búa chim.

Tất cả những ai chứng kiến cảnh lực lượng cứu hộ, dập lửa đều tỏ ra hết sức bức xúc. Ai cũng chăm chú nhìn lên tầng thượng của tòa nhà để dõi theo những người công nhân đang mắc kẹt nháy đèn điện thoại, gào thét kêu cứu.

Số công nhân bị mắc kẹt được đưa ra đều nhờ duy nhất một chiếc gol lắp kính này của công nhân.
Số công nhân bị mắc kẹt được đưa ra đều nhờ duy nhất một chiếc gol lắp kính này của công nhân.

Tuy nhiên, ngần ấy tính mạng con người lại không hề có sự hỗ trợ của trực thăng Trong khi đó, những người chứng kiến đặt ra câu hỏi: Tại sao không điều trực thăng tới để cứu hộ trong khi đó tại Sân bay Gia Lâm có đội trực thăng cứu hộ lại không được huy động? Nếu trong trường hợp xảy ra chết người do nạn nhân sợ hãi mà nhảy xuống hoặc do sập đổ nhà thì trách nhiệm phải chăng cũng lại chỉ là "rút kinh nghiệm".

Cũng trong buổi họp giao ban sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất: “Có thể phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng, khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn.”

Ông Thảo cũng đặt vấn đề: “Không biết của mình đã điều đến trực thăng chưa? Trong trường hợp như hôm qua, nếu huy động trực thăng đến thì thả dây thang xuống có thể cứu nhanh hơn. Sở PCCC cũng phải tính đến phương án này, bởi hiện có rất nhiều tòa nhà cao tầng nên vẫn có thể xảy ra những vụ việc như trên.”

Xe thang của lực lượng cứu hỏa cũng không thể tới được tầng 20 của tòa nhà. Điều này cho thấy sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Xe thang của lực lượng cứu hỏa cũng không thể tới được tầng 20 của tòa nhà. Điều này cho thấy sự yếu kém, thiếu chuyên nghiệp của lực lượng cứu hộ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Theo ông Thảo, kiểm điểm lại vụ việc, Sở PCCC phải báo cáo Bộ Công an để điều tra, làm rõ. Sở LĐ-TB-XH cùng Sở Xây dựng phải quan tâm tới sức khỏe của công nhân, tránh để hậu quả lâu dài cho người lao động. Cần tiếp tục khắc phục hậu quả, kiểm tra sức khỏe, cần chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Thậm chí, cần quan tâm cả vấn đề ô nhiễm không khí.

Về việc trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, ông Thảo chỉ đạo: “Phải lên danh sách các trang thiết bị tối thiểu và cần thiết cho người lính cứu hoả đảm bảo an toàn tính mạng và thuận tiện cho công việc.

Trên cơ sở đó, Sở Tài chính cấp ngay kinh phí, thậm chí không cần phải đấu thầu mua sắm, phải đảm bảo, chất lượng tiêu chuẩn” - ông Thảo chỉ đạo.

Trước vụ cháy nghiêm trọng này, ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Phải xác định nguyên nhân để xử lý chứ không đơn thuần rút kinh nghiệm.”

Nam Phong