Shangri-La: Truyền thông Trung Quốc tiếp tục đánh lạc hướng dư luận

06/06/2011 01:02
(GDVN) - Washington có muốn "can thiệp" cũng khó, vì vấn đề an ninh hàng hải mà Mỹ quan tâm, Bắc Kinh không "cấm đoán", nhưng

(GDVN) -  Diễn đàn an ninh Shangri-La đã kết thúc ngày hôm qua 5/6 với nhiều đánh giá khác nhau, tuy nhiên một chủ đề được công luận đặc biệt quan tâm là tranh chấp chủ quyền biển Đông và những sự kiện Trung Quốc gây căng thẳng đã có những ngã rẽ bất ngờ thay vì một hướng giải quyết cụ thể giữa các bên. 

Trung Quốc "đột ngột" thay đổi thái độ
Hội đàm quân sự Việt - Trung bên lề diễn đàn Shangri-La
Hội đàm quân sự Việt - Trung bên lề diễn đàn Shangri-La

Sự kiện tàu Hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam và cắt đứt cáp tàu Bình Minh 2 khiến quan hệ ngoại giao 2 nước trở nên căng thẳng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng giọng điệu cũ coi vùng biển chủ quyền của Việt Nam là của mình, đồng thời thản nhiên coi việc vào nhà người khác phá phách là chuyện "bình thường".
 
Khác với thái độ khăng khăng, thách thức mà bà Khương Du - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thể hiện trong những ngày qua, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên dẫn quân tham dự diễn đàn Shangri-La (mặc dù diễn đàn này được tổ chức thường niên từ 2002) đã tỏ ra điềm đạm và khôn ngoan hơn trong cách ứng xử với các nước láng giềng.

Tiếp xúc song phương với đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng dẫn đầu, người đứng đầu quân đội Trung Quốc khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và "phản đối các hành động đơn phương", đồng thời khẳng định "quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa qua."

Phát biểu đó của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc xét trên khía cạnh nào đó, không sai, nhưng có thể khiến dư luận hiểu sai bản chất vụ việc ngày 26/5. Tàu Hải giám không nằm trong biên chế hải quân/quân đội Trung Quốc mà là tàu vũ trang thuộc Tổng đội Hải giám, cục Hải dương quốc gia Trung Quốc. Lực lượng này được trang bị vũ khí hiện đại và "tuần tra trên biển Đông", khi xảy ra những sự kiện tương tự, sẽ tránh được dư luận xấu và quân đội Trung Quốc "vô can".

Giới truyền thông Trung Quốc lại tiếp tục đánh lạc hướng dư luận


Tờ thời báo Hoàn cầu bản điện tử, một phiên bản của tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc khi đưa tin về cuộc gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Việt - Trung đã giật tít: "Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói không cho phép nước thứ 3 can thiệp vào vấn đề biển Đông và phá hoại quan hệ Việt - Trung".
Mặc dù Đại tướng Phùng Quang Thanh vẫn khẳng định, Việt Nam mong muốn hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua đàm phán hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, nhưng cũng nêu rõ sự kiện 26/5 khiến nhân dân Việt Nam bức xúc và lãnh đạo Việt Nam quan ngại.

Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa sự kiện 26/5 ra diễn đàn trong khuôn khổ bài diễn văn của mình, việc đưa tin như trên của tờ Hoàn cầu hoàn toàn có thể khiến dư luận hiểu theo một nghĩa khác, đặc biệt bài báo còn trích dẫn lời Tô Hạo, một chuyên gia từ đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định: "Các nỗ lực trước của Việt Nam hòng khơi gợi bất đồng trên mức độ quốc gia là vô lý. Thế nhưng lần này họ đã tỏ ra biết điều", một nhận xét võ đoán và xấc xược.

Rất nhiều tờ báo mạng Trung Quốc đã đăng lại bài báo này và ghi nguồn trích dẫn là Nhân dân nhật báo, tuy nhiên khi kiểm tra link gốc thì dường như nó đã bị rút xuống, chỉ để lại trên website thời báo Hoàn cầu, một phiên bản của Nhân dân nhật báo. 
Có thật Trung Quốc đã "lỡ lời" như  AFP đưa tin?

Trong thời điểm báo chí Trung Quốc "lập lờ đán lận con đen" sự kiện 26/5, hãng tin AFP ngày hôm qua 5/5 đưa một tin vắn với cái tít khá nhiều ý nghĩa: "Trung Quốc lỡ lời (cam kết) duy trì hòa bình, ổn định trên biển Nam Hải (biển Đông)".
Xuồng cao tốc của Việt Nam giải quyết hậu quả vụ tàu  Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắp cắp thăm dò địa chấn
Xuồng cao tốc của Việt Nam giải quyết hậu quả vụ tàu Bình Minh
02 bị tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắp cắp thăm dò địa chấn

Theo đó, AFP cho rằng trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền trên biển Đông trở nên căng thẳng, việc Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lương Quang Liệt tuyên bố: "Trung Quốc nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên biển Nam Hải (biển Đông)" khi đoàn đại biểu Việt Nam và Philipine đều có mặt là một sự "lỡ lời".

Bản tin được nhiều báo Trung Quốc trích dẫn, và sự "lỡ lời" ấy nhằm mục đích gì? Nếu từ "lỡ lời" ấy được hiểu theo nghĩa đen của nó, AFP đã gián tiếp cho thấy "bộ mặt thật" của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông, đó là nói một đằng, làm một nẻo, gây sự với láng giềng xong gặp nhau lại bảo: "Không có gì!" Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như vậy, hãy xem học giả Trung Quốc bình luận như thế nào về động thái này tưởng như ôn hòa này của giới chức Bắc Kinh.

Lý Hiểu Ninh, một chuyên gia quân sự Trung Quốc đã có bài phân tích trên đài Phượng Hoàng, Hồng Kông rất đáng chú ý. Theo chuyên gia này, sự thay đổi góc độ tiếp cận vấn đề ấy của Bắc Kinh là một nước cờ chiến lược khôn ngoan, tách bạch vấn đề biển Đông thành 2 khía cạnh. Một là tranh chấp chủ quyền lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế phải đàm phán song phương, góc độ an ninh và tự do hàng hải, hoan nghênh sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác có quan tâm.

Như vậy, Washington có muốn "can thiệp" cũng khó, vì vấn đề an ninh hàng hải mà Mỹ quan tâm, Bắc Kinh không "cấm đoán", nhưng liên quan đến vấn đề chủ quyền thì không để nước nào can dự và phải do Bắc Kinh đàm phán song phương với từng nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tình hình đã có chút thay đổi bằng việc Trung Quốc vừa cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có Indonesia, Brunei, Malaysia trực tiếp liên quan đến biển Đông.
Tiếp đến, việc Mỹ đang sa lầy tại Iraq, Afghanistan sẽ khó có thể điều động lực lượng quân sự từ Trung Đông qua Đông Á, việc giải quyết tranh chấp biển Đông theo ý đồ của Bắc Kinh sẽ trở nên thuận lợi hơn.
{iarelatednews articleid='3938,3939,3689,3661,3670,3622,3653,3604,3593,3600'}

Hồng Thủy (tổng hợp)