Siêu bão Wutip đổ bộ: Quảng Bình cắt điện toàn tỉnh, nhiều nhà tốc mái

30/09/2013 18:39
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Chiều ngày 30/9, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo một số tỉnh miền Trung liên quan đến tình hình phòng chống và thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra.

Bão số 10 đổ bộ vào Quảng Bình: 2 người bị thương, cắt điện toàn tỉnh

Trao đổi với phóng viên vào thời điểm 17h20 ngày 30/9 liên quan đến tình hình cơn bão số 10 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Kiều – Phó Tránh Văn phòng tỉnh cho biết, hiện tại Quảng Bình gió đang rất mạnh, nhiều cột điện, cây cối bị đổ, nhà dân bị tốc mái…

“Ngay từ sáng hôm nay trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, gió gật cấp 6, cấp 7. Từ 12h00 trưa cùng ngày, gió đã mạnh lên cấp 9, cấp 10. Từ khoảng 16h00 trở đi, gió đã mạnh lên cấp 12, giật cấp 12. Sóng biển có cao 3-4 mét,” ông Kiều cho biết.

Nước biển đang dâng cao ở khu vực xã Hải Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nước biển đang dâng cao ở khu vực xã Hải Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Liên quan đến thiệt hại do con bão gây ra, ông Kiều cho hay, theo thông kê ban đầu vào thời điểm 14h00 cùng này, báo số 10 đã khiến 2 người dân bị thương trong quá trình chống bão, khoảng 240 ngôi nhà bị tốc mái. Bên cạnh đó, nhiều cột điện và hàng loạt cây xanh bị đổ gãy.

“Đó là thống kê tính tới hồi 14h00. Hiện tại bão đang rất mạnh, người dân không thể ra ngoài. Tôi cũng đang ở trụ sở UBND tỉnh. Tại đây gió cũng rất mạnh, cây cối đổ rất nhiều,” ông Kiều nói.

Cũng theo ông Kiều, do gió bão mạnh nên ngay từ 20h00 trưa gày 30/9, lực lượng chức năng đã chỉ đạo cắt điện trên địa bàn toàn tỉnh để đảm bảo an toàn.

Quảng Trị: 100% nhà dân tại huyện đảo Cồn Cỏ bị tốc mái

Trước đó, 16h00 chiều ngày 30/9, ông Nguyễn Đức Cường – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh này hiện đang có mưa rất to, gió mạnh cấp 7, cấp 8, có nơi mạnh trên cấp 9.

Gió mạnh đã khiến nhiều cột điện, cây xanh, đặc biệt là cây cao su đổ rất nhiều. Theo báo cáo ban đầu từ các địa phương thì đã có nhiều nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Riêng tại huyện đảo Cồn Cỏ, gần như 100% nhà dân đã bị tốc mái.

Nhiều nhà dân bị sập, tốc mái. (Ảnh: VnExpress)
Nhiều nhà dân bị sập, tốc mái. (Ảnh: VnExpress)

Theo ông Cường, sóng to gió lớn cũng đã khiến một số đoạn đê biển thuộc địa bàn xã các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Vĩnh Linh… đã có hiện tượng sạt lở.

“Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa có báo cáo thiệt hại về người. Ngay khi nhận được tin báo về cơn bão số 10, chúng tôi đã thực hiện di dời khoảng 43.000 dân ở các khu vực ven biển có nguy cơ ngập lụt, nhà tốc mái và tại các vùng núi có nguy cơ sạt lở tới nơi tạm trú an toàn. Toàn bộ hơn 2.500 tàu thuyền cũng đã đến nơi neo đậu an toàn. Vào ngày hôm qua, có một chiếc tàu gặp sự trong khi hoạt động gần bờ. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ đã kịp thời ứng cứu các thuyền viên,” Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho biết.

Thừa Thiên Huế: Khoảng 70 ngôi nhà bị sập và tốc mái

Chiều ngày 30/9, ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bão số 10 ảnh hưởng mạnh tới Thừa Thiên Huế vào khoảng 10h00 đến 12h00 cùng ngày. Khi đó, trên địa bàn tỉnh này có mưa lớn, gió có nơi mạnh đén cấp 9, cấp 10. Tuy nhiên, sau đó gió giảm dần.

Theo ông Cao, mặc dù từ thời điểm khoảng 13h00 chiều, tại Thừa Thiên Huế mưa gần như đã tạnh hẳn, gió cũng đã ngừng. Tuy nhiên, trước đó bão số 10 cũng đã khiến hàng loạt cây xanh bị đổ, nhiều nhà dân bị sập và tốc mái, nhiều đoạn đê biển bị sạt lở.

Người dân neo đậu tàu thuyền tại Thừa Thiên Huế vào ngày 29/9.
Người dân neo đậu tàu thuyền tại Thừa Thiên Huế vào ngày 29/9.

“Bão ảnh hưởng mạnh nhất là vào khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Hiện tại thời tiết trên địa bàn tỉnh khá yên tĩnh. Hiện nay chưa có báo cáo thiệt hại về người do cơn bão gây ra. Theo thông kê ban đầu, uớc tính có khoảng 60-70 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh đã bị tốc mái.

Khoảng 4-5 ngôi nhà khác bị sập. Bên cạnh đó, nhiều cây xanh và vài chục cột điện cũng đã đổ gãy. Nhiều đoạn đê kè ven biển cũng bị sạt lở. Hiện chúng tôi đang tiến hành thống kê thiệt hại chi tiết, đồng thời triển khai lực lượng khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra,” ông Nguyễn Văn Cao nói.

Cây đổ ngổn ngang. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cây đổ ngổn ngang. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Về tình hình neo đậu của tàu thuyền, ông Cao cho biết, trước đó có một chiếc tàu nhỏ bị chết máy chưa kịp vào bờ, các thuyền viên đã chủ động cho tàu chìm đề phòng bị sóng cuốn trôi và hư hỏng. Đợi sau khi bão tan, lực lượng cứu hộ sẽ trục vớt chiếc tàu này lên. Các thuyền viên ngay sau đó đã được đưa vào bờ an toàn bằng một chiếc tàu khác.

Ngoài sự cố nói trên, hầu hết các tàu thuyền và ngư dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều tránh bão an toàn.

Quảng Nam: Bão chưa ảnh hưởng tới phố cổ Hội An

Liên quan đến tình hình phồng chống cơn bão số 10 tại Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Truyền – Chánh Văn Phòng tỉnh cho biết, chiều ngày 30/9, lãnh đão tỉnh Quảng Nam cũng đã trực tiếp tới các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão. Tuy nhiên hiện cơn bão chưa có dấu hiệu ảnh hưởng tới Quảng Nam.

Một lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận, nhiều khả năng Quảng Nam ít bị ảnh hưởng bởi bão số 10. “Trước đó chúng tôi đã chủ động kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh bão an toàn, thực hiện di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, kêu gọi và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa… Hiện bão chưa có dấu hiệu ảnh hưởng tới khu phố cổ Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam nói chung,” vị lãnh đạo này cho hay.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn đã có gió giật mạnh 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ giật mạnh 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 23m/s (cấp 9); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 34m/s (cấp 12). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 30m/s (cấp 11); Ở Tp.Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 37m/s (cấp 13); Tp.Đông Hà có gió giật mạnh 23m/s (cấp 9); Tp.Huế có gió giật mạnh 17m/s (cấp 7). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 – 120mm; một số nơi có mưa lớn hơn Tân Mỹ (Quảng Bình) 177mm, Ba Đồn 165mm (Quảng Bình); Đồng Hới 200mm.

Hồi 17 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm nay (30/9) vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, giật cấp 12 - 13. Biển động rất mạnh. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12 - 13. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
Quyết Nguyễn