Sinh viên cần làm gì để "ngày tốt nghiệp không là ngày thất nghiệp"?

19/06/2021 08:12
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều sinh viên lo lắng ra trường không kiếm được việc làm, nhưng các bạn có biết cách biến nỗi lo đó thành hành động hay chưa, đó mới là điều quan trọng.

Vào đại học để làm gì? Làm sao để trong những năm tháng trên giảng đường đại học, sinh viên có đủ kiến thức, kỹ năng và tạo nên giá trị bản thân, đáp ứng được yêu cầu lao động của xã hội? Đó là những điều mà mỗi sinh viên cần phải nhận thức, định hướng cho chính mình.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phạm Bá Ngọc Hiển - sinh viên tốt nghiệp sớm Trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) bày tỏ, khi ra trường chúng ta có thể thiếu kinh nghiệm nhưng không thể thiếu kiến thức và kỹ năng, để đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, vì vậy hãy chăm chỉ tự học và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

Phạm Bá Ngọc Hiển cho rằng, việc tự học và trau dồi kỹ năng là yêu cầu quan trọng trong môi trường đại học. (Ảnh: NVCC)

Phạm Bá Ngọc Hiển cho rằng, việc tự học và trau dồi kỹ năng là yêu cầu quan trọng trong môi trường đại học. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Hiển tốt nghiệp sớm một kỳ với tấm bằng loại Giỏi chuyên ngành Kinh tế và Phát triển quốc tế (GPA đạt 3,56). Hiện tại, Hiển đang là chuyên viên phân tích bán lẻ tại một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội.

Đỗ đại học không có nghĩa là chiến thắng

Hiển cho biết, một trong những suy nghĩ sai lầm của nhiều sinh viên hiện nay chính là vào đại học là thỏa mãn ước nguyện 12 năm đèn sách, không chú trọng việc học, không nỗ lực vươn lên và tìm kiếm cơ hội.

"Thực tế để vào được những trường đại học top đầu không phải là điều dễ dàng, nhưng kết quả đó không phải là điểm dừng mà sẽ là một hành trình mới.

Em biết nhiều trường hợp các bạn có điểm đầu vào rất cao nhưng khi vào đại học lại ngủ quên trong chiến thắng, không trau dồi học hỏi thêm. Môi trường giáo dục ở đại học không giống như cấp ba, nếu không cố gắng và không bắt nhịp được, bạn sẽ dễ bị đẩy lùi về phía sau.

Nhiều bạn bị mất phương hướng, tự ti, cảm thấy thua kém bạn bè rồi tự vấn bản thân liệu mình có chọn sai nghề không, trong khi thực tế các bạn chưa cố gắng và nỗ lực hết mình cho việc học tập", Ngọc Hiển chia sẻ.

Theo nam sinh Đại học Ngoại thương, tự học và tinh thần chủ động học tập là điều vô cùng quan trọng trong những năm tháng sinh viên.

Ở trường đại học, thầy cô không thể theo sát chỉ dạy từng chút cho sinh viên, trong khi kiến thức vô cùng rộng lớn, nếu không chủ động tự học thì sinh viên không thể đạt được kết quả tốt, cũng như dễ bị thiếu hụt kiến thức.

Ngọc Hiển tâm sự: "Những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, em đã vạch ra những mục tiêu cụ thể cho mình. Thế nhưng, em không thể tránh được những bỡ ngỡ, khó khăn trong kỳ học đầu tiên. Đó cũng là kỳ học mà kết quả học tập em chưa cao.

Em ngồi suy ngẫm, khác biệt giữa đại học và trung học phổ thông là gì khiến kết quả của mình giảm sút, và em nhận ra, tự học chính là chìa khóa cho vấn đề này. Nếu chỉ nghe thầy cô giảng bài và học trong sách vở là chưa đủ.

Kết thúc kỳ học quân sự, em cùng nhóm bạn thân bắt đầu lên kế hoạch học tập cùng nhau. Tự học bằng cách mở rộng và đa dạng cách tiếp cận kiến thức, học ở mọi lúc, mọi nơi, học ở bạn bè. Trong nhóm, mỗi bạn có một thế mạnh riêng, người này bổ trợ kiến thức cho người kia, giúp đỡ nhau cùng tiến. Đây là một phương pháp học vô cùng hiệu quả".

Nhờ cách học này, nhóm bạn thân của Hiển đã có 4 bạn tốt nghiệp sớm, hoàn thành chương trình các môn học trong 3 năm, dành một nửa kỳ cho bài khóa luận tốt nghiệp. Hầu hết các thành viên đều đạt kết quả học tập tốt.

Nhóm bạn học giúp đỡ nhau cùng tiến để gặt hái kết quả học tập tốt. (Ảnh: NVCC)

Nhóm bạn học giúp đỡ nhau cùng tiến để gặt hái kết quả học tập tốt. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc học kiến thức thì việc rèn luyện kỹ năng cũng vô cùng quan trọng. Theo Ngọc Hiển, học kỹ năng chính là bí quyết để sinh viên trở nên tự tin hơn, hoàn thiện và nâng cao giá trị cho bản thân mình.

Một số kỹ năng mà sinh viên cần có như kỹ năng sử dụng các công cụ Microsoft Office, kỹ năng giao tiếp ứng xử, soạn thảo Email,...

Những việc tưởng chừng đơn giản như việc soạn thảo và gửi Email nhưng lại rất dễ sai lầm bởi lẽ văn phong bình thường và văn phong trong Email hoàn toàn khác nhau, thậm chí tùy từng mục đích công việc mà nội dung, cách soạn thảo Email cũng khác nhau.

Nếu không thể hiện được những kỹ năng mềm, kỹ năng cơ bản đó thì sinh viên sẽ dễ bị trừ điểm khi tìm việc, tham gia phỏng vấn.

"Ở trường đại học, ngoài việc tự học hỏi rèn luyện kỹ năng thì các bạn nên tham gia vào câu lạc bộ. Bản thân em tham gia vào Câu lạc bộ Kinh tế toàn cầu của trường, em có thể trau dồi thêm nhiều kỹ năng.

Khi làm Phó ban tổ chức, em học thêm được kỹ năng lãnh đạo, quản trị công việc, quản trị nhân sự, thuyết trình,... Đây là cơ hội để chúng ta hoàn thiện bản thân, và khi tham gia vào thị trường lao động, bạn hoàn toàn tự tin, bạn còn có nhiều lợi thế và nổi bật hơn so với những ứng viên khác", Phạm Bá Ngọc Hiển khẳng định.

Ngoài ra, theo nam sinh này, trong xã hội hiện đại, kỹ năng và kiến thức ngoại ngữ vô cùng quan trọng, đặc biệt là ngôn ngữ Anh.

Ngọc Hiển đã đăng ký học thêm tiếng Anh, thi Ielts đạt 6.5, kết quả này còn là tấm vé giúp cậu quy đổi điểm để vượt qua những môn tiếng Anh cơ sở, tiết kiệm thời gian học tập và ra trường sớm hơn.

Tìm hiểu vị trí việc làm, thị trường lao động trong những năm tháng sinh viên

Theo Phạm Bá Ngọc Hiển, tốt nghiệp sớm cũng là một cách giúp sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường lao động, tìm kiếm được công việc mình yêu thích.

Tuy nhiên, mỗi sinh viên cần xem xét năng lực học tập của mình để đăng ký số lượng tín chỉ phù hợp, có kế hoạch học tập khoa học. Không phải cứ cố gắng nhồi nhét kiến thức, chạy đua để tốt nghiệp và nhận tấm bằng mà bỏ quên mục đích mình học để làm gì.

Ngọc Hiển cho rằng, mỗi sinh viên cần chủ động tìm hiểu yêu cầu về ngành nghề và thị trường lao động trước khi tìm việc làm. (Ảnh: NVCC)

Ngọc Hiển cho rằng, mỗi sinh viên cần chủ động tìm hiểu yêu cầu về ngành nghề và thị trường lao động trước khi tìm việc làm. (Ảnh: NVCC)

"Bản thân em lập kế hoạch học tập để tốt nghiệp sớm nhưng em vẫn đi dạy thêm, tham gia hoạt động ngoại khóa, đảm bảo phát triển hài hòa giữa kiến thức và kỹ năng. Có như vậy thì việc tốt nghiệp sớm mới thực sự là bước đệm tốt cho bản thân trong tìm kiếm việc làm.

Khi được tiếp xúc với môi trường lao động sớm hơn, bạn có thể "xé nháp" với một vị trí công việc mình cảm thấy không phù hợp để tìm kiếm những cơ hội khác". Ngọc Hiển cho biết.

Nỗi lo chung của đa số sinh viên hiện nay là ra trường thất nghiệp, tuy nhiên, theo nam sinh Đại học Ngoại thương, điều quan trọng là mỗi người phải biến nỗi lo đó thành hành động, tìm cách để hoàn thiện bản thân, đáp ứng những yêu cầu mà xã hội đặt ra đối với lao động trẻ.

Trong những năm tháng trên giảng đường đại học, sinh viên đừng chỉ biết mỗi việc học, hãy tìm hiểu về thị trường lao động, tìm hiểu những vị trí việc làm mình yêu thích để có định hướng rõ ràng cho việc học và bổ sung kiến thức, kỹ năng.

"Em thường tìm kiếm những vị trí việc làm liên quan đến ngành học của mình, ngoài tìm hiểu những đầu việc khác nhau, em lên các trang tìm kiếm việc làm để đọc bản mô tả công việc cho những vị trí đó.

Từ đó để biết được, với vị trí việc làm này, nhà tuyển dụng yêu cầu gì ở ứng viên. Soi chiếu vào bản thân, em tự nhận ra mình đang thiếu kiến thức gì, thiếu kỹ năng gì. Lúc đó, em kịp thời học tập bổ sung ngay.

Đam mê và yêu thích với ngành phân tích dữ liệu, qua tìm hiểu, một chuyên viên phân tích dữ liệu cần đảm bảo những yêu cầu nào, từ đó em đã học tập thêm về công cụ phân tích dữ liệu, công cụ trực quan hóa dữ liệu,...

Em học thêm vào buổi tối, với những phần kiến thức khó, em đăng ký vào những lớp học thêm. Thời điểm đó, dù chưa kết thúc khóa học nhưng em đã được nhận làm ở vị trí ở đúng theo ngành nghề mình yêu thích là phân tích dữ liệu ở ngân hàng ", Ngọc Hiển chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm chọn công việc và ngành nghề, Ngọc Hiển cho rằng cần phải xem xét đến yếu tố sở thích và đam mê.

Nam sinh bắt đầu thực tập từ tháng 7/2020, dù được nhận vào làm chính thức ở một số vị trí nhưng khi cảm thấy không phù hợp, Hiển sẵn sàng thử thách một vị trí mới. Thậm chí, bố mẹ cũng có định hướng công việc cụ thể nhưng Ngọc Hiển vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Và chính cậu đã chứng minh cho bố mẹ thấy mình làm đúng với công việc hiện tại.

Cũng theo Phạm Bá Ngọc Hiển, hiện nay, yêu cầu của thị trường lao động rất cao, ngoài kiến thức, kỹ năng, thì thái độ, tác phong làm việc và trách nhiệm với công việc cũng là những yếu tố cần lưu tâm.

Tùy vào đặc thù riêng của mỗi ngành nghề mà có những kỹ năng nghiệp vụ khác nhau. Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin và tiếng Anh là những yêu cầu cần thiết để nhân thêm cơ hội tìm kiếm việc làm đối với mỗi cử nhân đại học.

Phạm Minh