Sức mạnh nhược tiểu

08/04/2016 14:29
Ngọc Việt
(GDVN) - Cường quốc có sức mạnh của cường quốc, tiều nhược có sức mạnh của tiểu nhược. Sức mạnh của quốc gia, dân tộc là lòng yêu nước của nhân dân, là tính ưu việt...

Ấn Độ đang cảnh giác đối với thoả thuận Trung Quốc - Nepal được ký kết trong chuyến thăm kéo dài một tuần của Thủ tướng K.P. Nepal Sharma Oli đến Trung Quốc và kết thúc vào Chủ nhật, 28/3 vừa qua. Đây được xem là một tín hiệu củng cố quan hệ Bắc Kinh - Kathmandu, theo The Straits Times ngày 29/3.

Hai nước đã ký kết thỏa thuận quá cảnh cho phép Kathmandu truy cập đến các cảng và đường bộ của Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí khám phá và mở rộng kết nối, có thể tạo ra liên kết đường sắt giữa Nepal và các trung tâm kinh tế của Trung Quốc.

Thỏa thuận mới giữa Trung Quốc và Nepal có thể làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng K.P. Nepal Sharma Oli. Ảnh: arabnews.
Thủ tướng K.P. Nepal Sharma Oli. Ảnh: arabnews.

Hơn 98% khối lượng thương mại xuất nhập khẩu giữa Nepal với quốc gia thứ ba đi qua Ấn Độ. Nepal phụ thuộc vào Ấn Độ từ xăng, gas nấu ăn đến việc cung cấp những mặt hàng thiết yếu, quan trọng khác.

Tuy nhiên, khi ký kết thỏa thuận quá cảnh Trung Quốc, thì đất nước nhỏ dưới chân dãy Himalaya đã hướng tới việc tìm một đối tác thương mại mới.

Một tuyến đường thương mại thay thế thông qua Trung Quốc dự kiến ​​sẽ mất thời gian khá dài để thực hiện, vì cơ sở hạ tầng còn thiếu và chi phí nhiều cao hơn so với các tuyến đường qua Ấn Độ. Vậy tại sao Nepal lại mạo hiểm như vậy, khi quan hệ với Ấn Độ là tối quan trọng với họ, và nếu New Delhi nổi giận thì hậu quả là khôn lường với họ?

Giảm phụ thuộc để tránh lệ thuộc 

Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nepal ngày nay, trước đây là Vương Quốc Nepal nằm khép kín tại vùng Himalaya ở Nam Á, giáp biên giới với Tây Tạng của Trung Quốc ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam, đông và tây.

Nghĩa là Nepal chỉ có hai nước láng giềng “liền giậu liền sân” là Trung Quốc và Ấn Độ nên chịu sự ảnh hưởng của hai quốc gia khổng lồ này, theo BBC Timeline.

Sức mạnh nhược tiểu ảnh 2

Thương dân, dân lập đền thờ

(GDVN) - Mọi thủ đoạn chính trị thấp hèn đều không thể chiến thắng được niềm tin của nhân dân. Và khi có được niềm tin nhân dân thì mọi thủ đoạn đều trở nên vô hiệu.

Nepal là quốc gia nhỏ bé và nghèo nàn nhất khu vực Nam Á. Tại Nepal, một cuộc cách mạng xã hội ôn hoà diễn ra dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của nền quân chủ tồn tại hàng trăm năm tại đất nước này và thay bằng một chế độ cộng hoà dân chủ vào năm 2006.

Song mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị tại quốc gia này khiến cho quan hệ của Nepal với các nước láng giềng không thể ổn định và phát triển.

Vì vậy, kể từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cải thiện quan hệ với Nepal và xem đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của New Delhi.

"Mối quan hệ của chúng tôi với Nepal có logic tự nhiên, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới có thể có được kiểu quan hệ như  Nepal - Ấn Độ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vikas Swarup nhận định.

Và trong một chuyến thăm hồi tháng 11/2014, ông Modi cung cấp một khoản tín dụng 1 tỷ USD cho Nepal. Tháng 2/2016, Nepal được tiếp cận với một cổng giao thương thứ hai của Ấn Độ - Visakhapatnam - ngoài khơi vịnh Bengal. Trước đó, Nepal đã được sử dụng cảng Kolkata cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu của của mình, theo The Straits Times.

Tuy nhiên, đất nước Nepal vẫn không thể phát triển mạnh mẽ. Bởi gần 10 năm sau cuộc cách mạng xã hội, quốc gia này mới xây dựng được Hiến pháp mới làm nền tảng cho hoạt động của Nhà nước trong điều hành và quản lý xã hội dưới chế độ cộng hoà nhân dân.

Song bản Hiến pháp mới được cho là xây dựng trên những nguyên tắc dân chủ và tự do lại không hoàn toàn thoả mãn lợi ích của các dân tộc sinh sống trên đất nước Nepal.

“Các nhóm dân tộc thiểu số Madhesi trong khu vực Terai miền nam Nepal, giáp biên giới Ấn Độ đều không hài lòng với một Hiến pháp mới được thông qua vào tháng 9/2015 khi cho rằng họ bị tước quyền đại diện chính trị công bằng.

Sức mạnh nhược tiểu ảnh 3

Những người tự trọng

(GDVN) - Người thắng kẻ thua trong cuộc bầu cử tự do dân chủ tại Myanmar đều tôn trọng Hiến pháp và pháp luật, đảm bảo việc chuyển giao quyền lực theo đúng trình tự

Họ đã thực hiện phong tỏa kéo dài hàng tháng một cửa khẩu biên giới quan trọng, gây ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu và lương thực năm 2015”, The Straits Times tường thuật. 
 
Và cuộc khủng hoảng cuối cùng đã được giải quyết, các tuyến đường mở ra. Nhưng Kathmandu đã đổ lỗi cho New Delhi khi trước đó đã ủng hộ những người biểu tình tại Nepal và áp đặt một lệnh phong tỏa không chính thức đối với quốc gia láng giềng nhỏ bé này.

Mặc dù Ấn Độ phản đối cáo buộc, nhưng qua đó cho thấy quan hệ Nepal - Ấn Độ đã bị rạn nứt.

Rõ ràng, Nepal đã nhận thấy sự phụ thuộc quá lớn vào Ấn Độ có thể khiến cho họ sẽ bị lệ thuộc vào quốc gia khổng lồ này. Mà khi đã bị lệ thuộc thì Nepal chỉ như một con rối được Ấn Độ sử dụng cho những mục đích riêng của họ.

Lúc đó chủ quyền quốc gia của Nepal sẽ không còn được tôn trọng, cuộc sống của người dân Nepal chỉ là kiếp tấm gửi mà thôi. Chính quyền Nepal đã nhìn thấy sự nguy hiểm của nền độc lập bị đe doạ nếu chấp nhận sự giúp đỡ quá lớn, mang tính “độc quyền” của Ấn Độ.

Song với vị thế chính trị và vị trí địa lý của Nepal, chính quyền nước này không dễ thoát khỏi sự khống chế từ Ấn Độ qua việc cắt giảm hay xoá bỏ những ưu đãi mang lại lợi ích cho Nepal.

Làm sao không bị lệ thuộc nhưng cũng không bị mất đi những lợi ích trong quan hệ đối ngoại luôn là thách thức đối với những chính quyền ở những quốc gia bị xem là “nhược tiểu” khi bang giao với các nước lớn, nhất là với những quốc gia láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”.

Vừa đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia, vừa bảo vệ được lợi ích dân tộc luôn là vấn đề sống còn cho những chính quyền các nước được xem là “nhược tiểu”.    

Nepal tìm cách giảm phụ thuộc để tránh lệ thuộc vào Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Nepal tìm cách giảm phụ thuộc để tránh lệ thuộc vào Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Và chính quyền Nepal – một chính quyền nhược tiểu – đã tìm ra cách hoá giải khi khai thác vị trí của quốc gia nằm trong vùng đệm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Nepal vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho sự ảnh hưởng của Ấn Độ để đảm bảo lợi ích đã tạo nên truyền thống giữa hai quốc gia. Đồng thời Nepal cũng mở rộng quan hệ với Trung Quốc để tìm những lợi ích mới. Đặc biệt qua đó chủ động hiệu chỉnh quan hệ với hai quốc gia khổng lồ này để tạo thế và lực cho mình.

Tạo vị thế đặc biệt để tối đa hoá lợi ích của mình

"Ấn Độ cần quan tâm tới các mối quan hệ giữa Nepal và Trung Quốc", tiến sĩ Rajeswari Rajagopalan, một thành viên cao cấp làm việc tại Quỹ nghiên cứu quan sát Ấn Độ lưu ý.

Còn cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Lalit Mansingh thì cảnh báo: "Trung Quốc sẵn sàng đầu tư tiền vào đường cao tốc và các cảng tại Nepal. Vì vậy, Ấn Độ cần phải đầu tư vào Nepal nhiều hơn nữa", The Straits Times ngày 28/3 trích dẫn.

Trong khi đó, ông Shree Dhar Khatrai, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, bình luận rằng Trung Quốc vẫn đang tìm kiếm một lực lượng chính trị ổn định ở Nepal và cố gắng để thiết lập quan hệ với những đảng Maoist như trong quá khứ và với đảng Cộng sản Nepal.

Sức mạnh nhược tiểu ảnh 5

Vì đâu nên nỗi?

(GDVN) - Trong các hình thức cướp quyền thì gian lận trong bầu cử là hình thức cướp quyền gây nguy hại nhất cho chế độ chính trị.

Kể từ khi chế độ quân chủ bị bãi bỏ ở Nepal, Trung Quốc đã tích cực kết nối với quân đội, cơ quan an ninh, cơ quan truyền thông, các đảng chính trị và các nghị sĩ tại Nepal, theo Indian Times ngày 27/3.

Như vậy là Nepal nghiễm nhiên trở nên quan trọng với cả Ấn Độ và Trung Quốc bởi vị trí địa lý là vùng đệm giữa hai quốc gia không lồ này.

Thực ra, lợi ích kinh tế từ Nepal mang lại cho Ấn Độ và Trung Quốc không đáng là bao. Nhưng Nepal quan trọng vì quốc gia này chính là nơi tạo sự ảnh hưởng của hai ông lớn đó.

Tuy nhiên, vị trí địa lý chỉ mang yếu tố tự nhiên, nó lợi đó nhưng cũng hại đó, nhất là Nepal lại nằm lọt thỏm giữa quốc gia hùng mạnh.

Vì vậy, yêu cầu đối với chính quyền tại Kathmandu là phải xây dựng chiến lược, sách lược trong quan hệ đối ngoại, làm sao để chuyển lợi thế về vị trí địa lý thành lợi thế về địa chính trị thì mới có thể đảm bảo được độc lập dân tộc và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Không phải vô tình chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi dành sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại cho Nepal. Thật ra ông đã nhìn thấy sự nguy hiểm của Trung Quốc trong việc mở rộng quan hệ với Nepal.

Bởi lẽ Trung Quốc đang tìm kiếm sự ổn định chính trị ở Nepal để neo các mối quan hệ của mình với người láng giềng nhỏ bé này, Indian Times bình luận.

Và Kathmandu đã có những bước đi nhằm chuyển lợi thế về vị trì địa lý thành lợi thế về địa chính trị khi Tổng tư lệnh quân đội Nepal, tướng Rajendra Chhetri đã thực hiện chuyến thăm kéo dài một tuần tới Trung Quốc, ngay sau khi Thủ tướng KP Sharma Oli kết thúc chuyến thăm chính thức theo lời mới của Bắc Kinh.

Đặc biệt chuyến thăm Trung Quốc của tướng Chhetri diễn ra chỉ đúng hai tháng sau chuyến thăm của ông tới Ấn Độ.

Quan hệ Nepal – Trung Quốc đang giúp Nepal tạo ra vị thế đặc biệt cho mình. Ảnh: Nepal Mountain News.
Quan hệ Nepal – Trung Quốc đang giúp Nepal tạo ra vị thế đặc biệt cho mình. Ảnh: Nepal Mountain News.

Được biết, Trung Quốc sẽ gia tăng huấn luyện quân sự cho quân đội Nepal, hỗ trợ thiết bị quân sự và y tế trị giá 50 triệu nhân dân tệ cho Nepal. Trước đó, chính phủ Trung Quốc đã bàn giao cho Nepal hai bệnh viện sau hai trận động đất vào tháng 4 và 5/2015.

Mặc dù, New Delhi khẳng định rằng quốc gia hàng xóm của mình có thể khám phá và khai thác bất kỳ mối quan hệ nào mà họ muốn, nhưng ông K.V. Rajan, một cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nepal cho biết, dù thoả thuận Nepal - Trung Quốc chưa đến mức phải báo động, song phải theo dõi chặt chẽ mối quan hệ Trung Quốc – Nepal bởi nó ảnh hưởng sống còn đến lợi ích của Ấn Độ.

Như vậy là, từ chỗ có thể bị phụ thuộc rồi lệ thuộc vào New Delhi hoặc có thể bị Bắc Kinh bóp nghẹt bởi chính sách ngoại giao nước lớn, chính quyền Kathmandu đã khôn khéo tạo ra vị thế đặc biệt.

Trên cơ sở đó khai thác những gì tốt nhất có thể từ hai quốc gia láng giềng khổng lổ để phục vụ cho lợi ích của người dân Nepal và không ngừng củng cố sức mạnh cho nhà nước Nepal.

Hiện nay với quan hệ lợi ích chồng chéo và đan xen, những cường quốc có thể xóa bỏ hoặc lật đổ một nhà nước, một chế độ chính trị tại bất cứ một quốc gia nhỏ bé nào.

Sức mạnh nhược tiểu ảnh 7

Thein Sein xuất gia, nỗi lòng canh cánh

(GDVN) - Nếu NLD và phe quân đội không nhanh chóng hoà thuận, trở thành “người một nhà” thì “một Ai Cập hậu Mubarak” có thể diễn ra tại Myanmar.

Cũng với chủ nghĩa bá quyền nước lớn đang là xu thế chính trị ảnh hưởng đến sự đổi thay tại nhiều quốc gia trên thế giới, những chính quyền bị xem là “nhược tiểu” luôn có nguy cơ bị biến thành một chính quyền tay sai hại dân hại nước để có thể tồn tại.  

Tuy nhiên, nếu lực lượng cầm quyền biết đặt chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc lên trên hết, không chịu lệ thuộc hay nô lệ thì sẽ biết phát huy, khai thác những lợi thế vốn có của đất nước mình, từ đó chuyển thành những lợi thế đặc biệt của quốc gia dân tộc mình.

Và với những lợi thế đặc biệt ấy, lực lượng cầm quyền có thể mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước mình.

Cường quốc có sức mạnh của cường quốc, tiều nhược có sức mạnh của tiểu nhược. Sức mạnh của quốc gia, dân tộc là lòng yêu nước của nhân dân, là tính ưu việt của chế độ, thể hiện rõ nét nhất là việc đoàn kết và phát huy mọi nguồn lực của đất nước.

Trong các nguồn lực này quan trọng nhất là tài năng con người phải được tập trung vào việc phát triển đất nước và giữ vững chủ quyền quốc gia. 

Việc chính quyền Nepal tạo vị thế đặc biệt cho quốc gia để chủ động khai thác lợi ích trong quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc, là một sự khích lệ và là bài học cho nhiều quốc gia đang bị chủ nghĩa bá quyền đe doạ chủ quyền và lợi ích dân tộc. Đó là một cách vừa đảm bảo gìn giữ được những gì cha ông để lại, vừa tạo ra những giá trị được xem như di sản để lại cho muôn đời sau.

Ngọc Việt