Tai nạn lò than, 3 người chết: Công tác ATLĐ tại Vinacomin có vấn đề?

25/11/2013 14:49
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Tính đến tháng 11 năm 2013, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Những vụ việc trên cho thấy công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong ngành khai thác than – khoáng sản là có vần đề, cần đặc biệt chú trọng.

Tai nạn thảm khốc

Như báo Kiến Thức đã đưa tin. Khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 24/11, tại giếng nghiêng phụ Cánh Gà mức +130 đến -50 Công ty CP Than Vàng Danh (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.

Cửa lò nơi chiếc tời chở 7 công nhân bị đứt. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn.
Cửa lò nơi chiếc tời chở 7 công nhân bị đứt. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn.

Thông tin ban đầu vụ việc cho biết, trong khi chở các công nhân đi làm ca 1 từ mặt bằng mức +130 xuống -50 bằng tời (JK-2.0) kết hợp toa xe chở người (XRB-15-9/6) thì toa xe văng ra khỏi đường sắt gây tai nạn khiến 7 công nhân có mặt bị thương vong.

Ngay khi xảy ra vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời, đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Nhưng do vụ tai nạn ở hầm lò, có độ sâu lên đến 300 mét nên để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ba nạn nhân tử vong là anh Trần Văn Thành (SN 1970), công nhân cơ điện bậc 5/7, trú quán tại Hoàng Quế (Đông Triều); Lê Duy Diệu (SN 1975), công nhân cơ điện bậc 4/7, trú quán tại phường Quang Trung (Uông Bí); anh Hoàng Văn Trường (SN 1980), tử vong tại bệnh viện.

Những người bị thương còn lại hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Uông Bí – Thụy Điển,bị đa chấn thương, gãy xương tay, đùi. Hiện một nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo UBND TP Uông Bí và các sở, ngành phối hợp với Công ty CP Than Vàng Danh làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Nguyên nhân do thiết bị đưa đón công nhân gặp trục trặc?

Tại Bệnh viện Thụy Điển (Uông Bí), nơi các nạn nhân vụ tai nạn nang được điều trị. Do bị thương nặng nên bệnh nhân Nguyễn Đắc Tuyên vẫn đang trong tình trạng nguy kịch được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Ba nạn nhân còn lại đều đã tỉnh táo, mặc dù những vết thương vẫn còn đau nhức.

Nạn nhân Nguyễn Văn Hướng.
Nạn nhân Nguyễn Văn Hướng.

Kể lại vụ việc kinh hoàng, những nạn nhân này tỏ ra sợ hãi. Nạn nhân Nguyễn Văn Hướng, công nhân cơ điện, công ty CP Than Vàng Danh, trú tại tổ 12A8, phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa thoát khỏi cửa tử. Kể lại vụ việc, anh Hướng cho biết: “Lúc ấy khỏang 7h30 đến 8h thì thang loan (thiết bị chuyên chở công nhân xuống hầm lò, gồm 5 toa, toa từ 1 đến 5 và toa 1 là toa dưới cùng từ dưới lên) khởi hành đi xuống, được khoảng 20m thì có một điểm gia tăng tốc độ. Bình thường từ chậm đến nhanh, nhưng hôm nay thấy lạ sao vì tốc độ nhanh quá, khoảng 2,3 giây gì đó thì nghe tiếng nổ rất to cùng anh sáng phát ra”.

“Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn có 4 anh em trong toa, phân xưởng bạn cũng có người. Quãng đường hành trình của thang loan rất dài, lên đến 650m, còn chỗ bị nạn khoảng nửa quãng đường, tức là khoảng 300m. Vừa khởi động khoảng 20m, thang bất ngờ tăng tốc độ rất nhanh. Tôi không làm chủ được, chỉ còn cách ngả người xuống, rồi rầm một cái, bò được một đoạn thì không còn biết cái gì nữa.

“Khi nghe tiếng rầm là có luồng ánh sáng rực lên, tôi nghĩ là chập điện, nhưng không phải, điện vẫn còn vì có những thiết bị bên cạnh vẫn chạy. Sau đó tôi thấy tối tăm mặt mũi lại, một lúc sau người đau lưng uể oải, đau khắp người, tôi mới bò ra khỏi nơi nguy hiểm thì lúc ấy vẫn còn mù mịt, tôi sợ là nó lại nổ như những vụ nổ lò, tôi cố gắng bò ra ngoài, nhưng lúc ấy người đau không thể chịu nổi, càng lúc càng thấy đau, lúc này tôi không đứng dậy được nên nằm luôn tại đó luôn”.

Nói về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, anh Hướng cho rằng, thang loan hôm nay không tải nặng. Trái lại là cực kỳ non tải, không có gì để nói về tải cả.

“Cái này nó thuộc về vấn đề kỹ thuật, lĩnh vực hiểu biết thì tôi không biết, nhưng không phải cáp đứt, vì cái cáp to bằng cổ tay, nó có thể chịu tải đến hàng trăm lần, so với cái thiết bị nó kéo. Tôi cho rằng có thể ở các thiết bị điều khiển, như người ta gọi là cái biến tần, hệ thống biến tần này có vấn đề gì thì tôi không nắm rõ”, anh Hướng cho biết.

Nạn nhân Nguyễn Quốc Triều cho rằng, sự cố là do thiết bị đưa đón người gặp trục trặc, trôi theo gia tốc tự do. Đến vị trí gặp nạn, thang loan trật đường ray nên xảy ra sự cố.

Công tác đảm bảo an toàn cho người lao động chưa ổn

Ngoài vụ tai nạn tại công ty than Vàng Danh mới đây làm 3 người chết và nhiều người bị thương. Ngày 31/7/2013, tại vỉa than 643 (phường Vàng Danh, TP. Uông Bí) thuộc Công ty TNHH 1TV than Đồng Vông - Vinacomin xảy ra vụ ngạt khí khiến 3 cán bộ ngành than thiệt mạng trong lò than. Trước đó, hồi tháng 6, trong lĩnh vực khai thác than cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 2 người thiệt mạng.

Như vậy tính đến tháng 11 năm 2013, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Những vụ việc trên cho thấy công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong ngành khai thác than – khoáng sản là vẫn còn tồn tại nhiều vần đề, cần đặc biệt chú trọng.

Những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn cao trong ngành khai thác than - khoáng sản thường gặp là sập lò, sạt lở đất đá, bục nước, bùn, cháy nổ khí mỏ, khí mê tan, đổ máy móc thiết bị.... Bên cạnh đó thì bụi than, đá, kim loại, tư thế lao động gò bó, thiếu dưỡng khí, ánh sáng, say nóng... cũng thường xuyên tác động xấu đến sức khỏe người lao động.

VIẾT CƯỜNG