"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân”

02/08/2016 07:42
Trần Sơn
(GDVN) - Câu nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm nay vẫn còn mang đậm tính chất thời sự.

LTS: Tham nhũng là một vấn đề không mới nhưng lại diễn biến phức tạp và kéo lùi sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là việc làm cấp bách hiện nay, không chỉ vì sự phát triển của đất nước mà còn để bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến động hiện nay.

Tác giả Trần Sơn đã có sự khẳng định lại những giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh với "quốc nạn" này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Bài học từ hơn 60 năm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết câu: “Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” trong bài: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.

Trong bài viết này, Người đã chỉ rõ: 

Tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân... lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô... Tham ô là ăn cắp của dân”.

Đối với việc lãng phí của công, Người cũng đã nêu ra 9 ví dụ về hình thức gây lãng phí.

"Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận" (Ảnh: Thanhtra.com.vn).
"Chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận" (Ảnh: Thanhtra.com.vn).

Trong đó có hai ví dụ về các việc có thể gây lãng phí rất lớn. 

Đó là: “Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc để tiền bạc không bổ ích cho việc tăng gia, sản xuất” và “Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để cách mạng, Chính phủ lỗ vốn”.

Trong bài viết này, Người cũng chỉ ra các tác hại nguy hiểm của hai cái nạn mà Người gọi là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng” này. 

Người viết: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô”.

Người nhấn mạnh: “Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm súng. Mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta”.

Về nguyên nhân của hai cái nạn lớn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ là do bệnh quan liêu gây ra: “Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Đồng thời, Người cũng đưa ra cách diệt trừ chúng: “Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.

"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” ảnh 2

Những chuyện kỳ nhưng không lạ!

Người cũng nhấn mạnh rằng, chống tham ô, lãng phí là cách mạng và dân chủ.

Theo Người, chống tham ô, lãng phí là cách mạng vì “Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt” mà “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những cái xấu xa của xã hội cũ”.

Chống tham ô, lãng phí là dân chủ vì: “Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên, phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công”.

Để làm tốt việc chống tham ô, lãng phí, Người cũng đã chỉ rõ: 

Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”.

Nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay

Nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay là rất đáng báo động. Nó đã và đang phá hoại nền kinh tế, làm khủng hoảng niềm tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Đất nước sẽ trở nên suy yếu, nhân dân sẽ bị nghèo đói khi mà tham nhũng, lãng phí đã trở thành “quốc nạn”.

"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” ảnh 3

Chuyện "quốc gia no ở giữa” và quốc nạn tham nhũng ngày nay

Các năm gần đây, nạn tham nhũng không giảm mà chỉ có “ổn định” (từ dùng của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh) và phát triển.

Các vụ án tham nhũng liên tục được phát hiện và đưa ra xét xử với tên gọi đã nói lên mức độ, quy mô, tính chất nghiêm trọng của nó - “đại án tham nhũng”.

Số tiền tham nhũng cũng được nâng lên càng ngày càng “khủng” và “siêu khủng” với các con số ngàn tỷ và nhiều ngàn tỷ đồng.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong 10 năm qua, tham nhũng đã gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng cho Nhà nước. 

Số đối tượng phải xử lý hình sự vì tham nhũng là 118 trường hợp, và, số tiền Nhà nước thu hồi được từ tham nhũng cũng rất “bèo bọt”, chỉ chưa đầy 10% số bị mất vì tham nhũng.

Chúng ta có thể dễ dàng kể tên của nhiều đại án tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân trong những năm gần đây.

Đó là vụ Vinashin với số tiền thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

Đó là vụ tham nhũng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thiệt hại gần 2.755 tỉ đồng.

Đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền tham nhũng, lừa đảo, chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng...

Gần đây nhất, đó là vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng Việt Nam với số tiền thiệt hại rất khủng, trên 9.000 tỷ đồng.

Nhìn những số tiền mà Nhà nước và nhân dân mất đi càng ngày càng lớn, ai mà không đau xót. 

Đau xót hơn khi so sánh với tổng giá trị sản phẩm quốc nội mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 (năm cao nhất trong 5 năm gần đây) cũng chỉ có 4.192,9 nghìn tỷ đồng, tức là tương đương với số tiền bị mất vì một vụ đại án tham nhũng, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như chẳng hạn.

Tham nhũng thì “đại phá” như vậy, còn lãng phí thì sao?

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng cảnh báo rằng lãng phí “có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
 
Gần đây, dư luận rất bất xúc, bất bình với các dự án, các công trình nghìn tỷ bỏ hoang, gây ra một sự lãng phí rất lớn, trong khi các công trình thiết yếu, phục vụ dân sinh thì lại thiếu kinh phí xây dựng.

Vào Google gõ từ khóa “các công trình nghìn tỷ bỏ hoang” thì được ngay 1.350.000 kết quả, trong vòng 0,55 giây; gõ từ khóa “các dự án nghìn tỷ bỏ hoang” thì được đáp án “khủng” hơn, 2.910.000 kết quả, chỉ trong vòng 0,28 giây. 

Vậy, chúng ta thử điểm qua vài dự án, công trình như thế để thấy được độ lãng phí “hoành tráng” cỡ nào.

Đó là Nhà máy thép Vạn Lợi (ở Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng từ năm 2007, bị bỏ hoang và đã được “khai tử” vào năm 2015.

Đó là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ với vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng cũng đang nằm bất động phơi mưa nắng. 

Đó là Nhà máy bột giấy Phương Nam (ở Long An) với giá trị xây dựng 3.000 tỷ đồng nhưng đã bỏ hoang 10 năm nay.

Đó là công trình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (ở Hà Nội) với số tiền đầu tư của Nhà nước là 3.200 tỷ đồng nhưng hiện nay nó đang hoang tàn đến thảm hại.

"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” ảnh 4

Đừng để bổ nhiệm rồi... bổ chửng!

Đó là Dự án mở rộng Nhà máy thép Thái Nguyên đã bỏ hoang 4 năm nay với số tiền đã đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng...

Vâng, danh sách này vẫn còn dài và trong tương lai sẽ... còn nữa vì như Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trả lời trên tờ Vietnamnet.vn: “Trong cơ chế phân bổ vốn đầu tư của chúng ta thì những chuyện ấy là bình thường”.

Nguyên nhân gây lãng phí rất lớn này, ngay từ năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, khi Người viết: “Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để cách mạng, Chính phủ lỗ vốn”.

Và, chuyện ngày nay một số tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế của Nhà nước vì kinh doanh yếu kém và các nguyên nhân khác làm thua lỗ, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng cũng không còn là hiếm.

Mấy năm trước, các “ông lớn” EVN, PVN, TKV đều đồng thanh kêu lỗ hàng... nghìn tỷ, đến mức có người gọi đùa là “Dàn đồng ca lỗ” hoặc “Câu lạc bộ lỗ nghìn tỷ” hay  “Lỗ Chí Thâm của Việt Nam”.

Gần đây, dư luận cũng xôn xao về các vụ việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Quang Hải

Hai ông này, trước đây, khi đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương đã góp phần quan trọng làm cho đơn vị mình lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng: ông Vũ Quang Hải là hơn 200 tỷ và ông Trịnh Xuân Thanh là 3.200 tỷ đồng.

Có điều lạ là cả hai ông này khi đó đều được “chạy” khỏi đơn vị cũ một cách an toàn, rồi sau đó được luân chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí quyền lực hơn, “béo bở hơn”. 

Tóm lại, không còn nghi ngờ gì nữa, có thể gọi tham nhũng, lãng phí là hai tên “đồ tể” phá hoại nền kinh tế, phá hoại đất nước. Chúng chính là “kẻ thù của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi.

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay bằng cách nào?

Để đạt được mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” thì chúng ta phải “tẩy sạch” (từ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được hai “quốc nạn” này.

Vậy, phải “tẩy sạch” chúng bằng cách nào đây?

Chúng ta cần tích cực học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm đã dẫn ở trên.
 
Người dạy rằng: “Muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước hết cần tẩy sạch bệnh quan liêu” vì “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. 

Qua các “đại án tham nhũng” và các dự án lãng phí nghìn tỷ đã nêu ở trên, chúng ta thấy rõ nguyên nhân này, bởi không có sự bao che, dung túng, quan liêu thì làm sao các sự việc “khủng khiếp” này lại xảy ra?

Trong tác phẩm này, Người cũng nêu biện pháp giáo dục đối với những loại người dễ dàng phạm tội tham ô, lãng phí với Tổ quốc, nhân dân. 

Ở đây, Người đã chú trọng đến biện pháp phòng ngừa, một biện pháp mà nếu làm được chúng ta sẽ được rất nhiều mà tổn thất lại rất ít.

Tuy vậy, Người cũng nhấn mạnh “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận” và “muốn thắng mặt trận này ắt phải chuẩn bị kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên”.

Người cũng chỉ ra cách chống tham ô, lãng phí hiệu quả nhất là “phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ” vì “quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”.

"Tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân” ảnh 5

Khúc gỗ thơm, béo bổ và những con sâu, con mọt

(GDVN) - “Đúng quy trình” phải chăng là tấm khiên vạn năng có khả năng “miễn dịch” với tất cả sự hoài nghi của công luận?

Người cũng nêu rõ nhiệm vụ của mỗi người dân là phải hăng hái tham gia phong trào đánh các loại giặc “nội xâm” này.

Lời dạy của Người thật chí lí và sâu sắc biết bao. 

Gần đây, trong phần trả lời phỏng vấn báo chí trong ngày nhậm chức 25/7/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nêu lên các chủ trương và giải pháp chống tham nhũng, lãng phí của Nhà nước. 

Trong đó, người đứng đầu Nhà nước nhấn mạnh: 

Chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. 

Xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng
”.

Chúng ta có quyền hy vọng rằng, với sự quyết tâm bằng các giải pháp đồng bộ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự trợ lực của nhân dân thì công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí sẽ thành công để xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

1. Nâng cao đạo đức cách mạnh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân - Hồ Chí Minh - NXB Sự Thật, Hà Nội,1969.

2. http://baophapluat.vn/thoi-su/tham-nhung-60-nghin-ty-chi-xu-ly-hinh-su-duoc-118-truong-hop-283661.html

3. http://vneconomy.vn/thoi-su/gdp-viet-nam-2015-tang-cao-nhat-5-nam-20151226091953143.htm

4. http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/206656/cong-trinh-tien-ty-bo-hoang-la-chuyen-binh-thuong.html

5. 11.http://laodong.com.vn/chinh-tri/chu-tich-nuoc-xay-dung-co-che-phong-ngua-de-khong-the-tham-nhung-576411.bld

Trần Sơn