Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Thông tin mới vụ bệnh nhân chết lâm sàng sau khi mổ ngứa cổ

15/11/2012 07:38
Thảo Lăng
(GDVN) -Trả lời phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn, một số lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, bác sĩ An đã đi công tác Thái Lan từ chủ nhật (ngày 11/11/2012) cuối tuần này mới về. Tuy nhiên, chị Hồng nói, cách đây 2 ngày, ông Trần Văn Thảo, chồng bà Tưởng gọi điện thoại cho bà An thì một người đàn ông trả lời: “Nhà mày muốn ra đây làm gì thì làm”. Từ đó, gia đình chị Hồng không liên lạc được với số điện thoại của bác sĩ An.

Tiếp tục những thông tin liên quan tới vụ bệnh nhân chết lâm sàng khi quay lại tái khám vết mổ thanh quản ở bệnh viện Đa khoa Hà Nội, chiều 14/11/2012, chị Nguyễn Thị Hồng (sn 1985, con gái bệnh nhân) đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới nữ bác sĩ bị “tố” vô trách nhiệm làm chết người.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, chị Hồng cho hay, vị bác sĩ trực tiếp điều trị cho mẹ chị (bà Trần Thị Tưởng, 51 tuổi) tên là Nguyễn Thị Hoài An, là Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Hà Nội. Trước đó, vào cuối tháng 10/2012, bà Trần Thị Tưởng đến Bệnh viện Đa khoa Hà Nội với ý định khám thanh quản thì nghe nhiều người nói bác sĩ An là người giỏi chuyên môn, nên đã tìm tới phòng khám tư của bác sĩ này để khám bệnh.

Sau khi khám bệnh ở đây, bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An yêu cầu bà Tưởng đến bệnh viện làm một số xét nghiệm. Các xét nghiệm cho thấy, bà Tưởng có “hạt sơ dây thanh”, sau đó bác sĩ An quyết định và trực tiếp tiến hành mổ thanh quản cho bà Tưởng. Ngay sau khi mổ, bà Tưởng đã trở về nhà ở Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Theo lời kể của chị Hồng, 10 ngày sau, bà Tưởng cảm thấy cổ họng đau, nên thông báo cho bác sĩ. Bà An yêu cầu bà Tưởng quay lại bệnh viện khám lại. Tại đây, bà An cho biết, trong thanh quản bà Tưởng có một nang nước nhỏ, “xử lý đơn giản”. Tuy nhiên, khi sau nhiều giờ chờ mẹ phẫu thuật nang nước, chị Hồng được thông báo “tình hình mẹ cháu rất nguy kịch”.

Chị Hồng nói, từ khi xảy ra chuyện bà Tưởng co giật mạnh, tim ngừng đập, hôn mê sâu tới nay đã hơn 1 tuần, phía bệnh viện Đa khoa Hà Nội và bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An chưa hề đưa ra kết luận gì về nguyên nhân. Đồng thời, bác sĩ An cũng “bặt vô âm tín”, không hề hỏi han, hay nói bất kỳ lời nào tới gia đình.

Trả lời phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn, một số lãnh đạo bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, bác sĩ An đã đi công tác Thái Lan từ chủ nhật (ngày 11/11/2012) cuối tuần này mới về. Tuy nhiên, chị Hồng nói, cách đây 2 ngày, ông Trần Văn Thảo, chồng bà Tưởng gọi điện thoại cho bà An thì một người đàn ông trả lời: “Nhà mày muốn ra đây làm gì thì làm”. Từ đó, gia đình chị Hồng không liên lạc được với số điện thoại của bác sĩ An.

Chị Trần Thị Hồng, con gái bệnh nhân Tưởng. (ảnh:Tuấn Nguyễn).
Chị Trần Thị Hồng, con gái bệnh nhân Tưởng. (ảnh:Tuấn Nguyễn).

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, sáng 14/11/2012, hàng chục người nhà bệnh nhân Trần Thị Tưởng (51 tuổi, trú tại Đa Hội, Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) đã kéo tới quây kín cổng Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì cho rằng, bác sĩ Hoài An đã vô trách nhiệm, gây nên cái chết lâm sàng của bệnh nhân nói trên.

Theo lời kể của con gái bệnh nhân, ngày 30/10, chị đưa mẹ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nội vì mẹ chị thấy khó chịu và ngứa ở cổ. Người trực tiếp thăm khám cho bà Tưởng là bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An. Sau khi khám, chẩn đoán, bác sĩ An đã mổ cho bà Tưởng.

Khoảng 9h sáng ngày 8/11, chị Hồng đưa mẹ đến khám lại, bác sĩ cho biết trong cổ bà Tưởng có một nang nước nhưng không đáng lo ngại, sẽ tiến hành xử lý được.

Hình ảnh bệnh nhân Trần Thị Tưởng chết lâm sàng được người nhà bệnh nhân mang tới bệnh viện Đa khoa Hà Nội.
Hình ảnh bệnh nhân Trần Thị Tưởng chết lâm sàng được người nhà bệnh nhân mang tới bệnh viện Đa khoa Hà Nội.

“Đợi ở ngoài lâu quá không thấy mẹ ra, 14h30, tôi vào trong nhòm thì các bác sĩ đóng cửa, yêu cầu tôi ra ngoài. Đến 17h, một bác sĩ nữ đi ra, nói là mẹ tôi bị lên cơn co giật. Tôi gọi điện hỏi bác sĩ An, bác sĩ An bảo là khi vừa xịt thuốc gây tê thì mẹ tôi đã co thắt.” - chị Hồng kể lại.

Bác sĩ An bảo chị Hồng đợi thêm nửa tiếng. Tuy nhiên, hơn 1 tiếng đồng hồ sau vẫn không thấy tiến chuyển gì, chị Hồng đã gọi người nhà lên.

Lúc này, bác sĩ An mời 2 bố con chị Hồng lên phòng gặp Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa tên Sơn. Phía bệnh viện cũng chỉ giải thích là bị lên cơn co thắt. Trong khoảng thời gian này, chị Hồng cũng không biết mẹ mình sống chết ra sao. Sau một hồi bàn bạc, đến 22h30, chị Hồng cùng gia đình quyết định xin đưa bà Tưởng sang Bệnh viện Việt - Đức.

Hình ảnh người nhà bà Tưởng bao vây bệnh viện sáng 14/11/2012.
Hình ảnh người nhà bà Tưởng bao vây bệnh viện sáng 14/11/2012.

“Lúc đưa sang, mẹ tôi vẫn lên cơn co giật rất mạnh, nước mắt liên tục trào ra” - chị Hồng bức xúc cho biết - “Đến khi đưa sang Bệnh viện Việt - Đức, các bác sĩ chẩn đoán tim mẹ tôi ngừng đập sau khi mổ, trạng thái chết lâm sàng”.

Sau 6 ngày điều trị, hiện bà Tưởng vẫn đang nằm hôn mê, chết lâm sàng tại Bệnh viện Việt - Đức, nên người nhà bà Tưởng đã kéo đến bao vây Bệnh viện đa khoa Hà Nội, đòi bệnh viện phải giải thích rõ ràng.

Đến khoảng 10h30 ngày 14/11, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện người nhà bệnh nhân Tưởng. Theo chị Hồng, tại buổi làm việc, Giám đốc chuyên môn của bệnh viện tên Sơn và Giám đốc điều hành tên Minh khẳng định bệnh viện sẽ có trách nhiệm với gia đình, song hiện tại chưa thể nói là bệnh viện sai.

Đồng thời tại buổi làm việc này, phía bệnh viện cũng khẳng định sẽ hỗ trợ gia đình chi phí điều trị của bệnh nhân Tưởng, song chỉ là hỗ trợ trên phương diện tình cảm con người với con người, còn việc đúng sai phải chờ cơ quan chức năng kết luận.

Sáng 15/11/2012, bệnh viện Đa khoa Hà Nội chính thức tổ chức họp báo về sự việc nói trên. Báo điện tử giaoduc.net.vn sẽ cập nhật sớm nhất thông tin từ buổi họp báo này. Mời độc giả đón đọc.

Thảo Lăng