Thuở hàn vi của các lãnh đạo Việt Nam (Phần I)

29/08/2011 13:31
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Trước khi trở thành những lãnh đạo cấp cao, TBT Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phải trải qua tuổi thơ nhiều khó khăn, vất vả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  - Tuổi thơ bình dị

Trong những ngày rét buốt giữa tháng 1/2011, phóng viên VTC đã về thôn Lại Đà, xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội), nơi Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên. Đây là một làng quê, thân thuộc, thanh bình với những người nông dân hiền hậu nhưng chăm chỉ và phong trào hiếu học truyền thống. Dọc theo lối vào làng là những chiếc cổng được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc Bộ; những ngôi nhà 3 gian lợp ngói san sát nhau hai ven đường vẫn còn giữ lại được cái vẻ thanh bình của một ngôi làng Bắc Bộ từ hơn một nửa thế kỷ trước.

 

Ông Ngô Bá Dục, nguyên là Hiệu trưởng của trường cấp 3 Cổ Loa (từ năm 1991 đến năm 2003) và cũng là bạn học từ nhỏ với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến hết cấp 3 đã chia sẻ về người bạn thời thơ ấu Nguyễn Phú Trọng, kể về những kỷ niệm đã theo ông cùng năm tháng mà ông không thể quên. “Từ những năm 1953 – 1954 làng không có trường học, nhưng may thay trong làng có cụ giáo Cầm đã ra mở lớp ngoài đình để dạy học cho mấy đứa trẻ.

Thời đó cả thôn chúng tôi có hơn 40 người theo học cụ giáo Cầm. Trong lớp, có người mới chỉ bắt đầu học a bờ cờ, có người đã học tính toán. Cụ Cầm biết được những gì cụ dạy hết. Nổi bật nhất trong đám chúng tôi có cậu Trọng con bác Nội ở ngay đầu làng học rất khá nên được cụ giáo Cầm rất quý.

Trọng là con út trong gia đình có 4 anh chị em, sinh ra trong một gia đình thuần nông. Trọng có dáng người nhỏ bé, nhưng đôi mắt thì lại sáng lạ thường. Đặc biệt, ngoan hiền và rất chăm chỉ học tập”.

Ông Dục còn nhớ, ngoài làm nông, gia đình nhà ông Trọng còn làm bỏng mật. Những buổi chiều tan học về lũ trẻ trong xóm thường được ông Nguyễn Phú Nội (cụ thân sinh ra TBT Nguyễn Phú Trọng) gọi vào cho ăn bỏng mà không lấy tiền. Những lúc ấy, bọn trẻ con trong thôn rất thích. Mỗi lần vào cho bỏng cụ Nội thường khuyên phải chăm học, đoàn kết, giúp đỡ thương yêu lẫn nhau để sau này thành tài.

 

Sau khi hòa bình lập lại (1954 – 1956) ông Dục cùng ông Trọng là lứa học sinh đầu tiên của xã học hết cấp 1. Sang cấp 2, do ở xã không có lớp để học tiếp ông Dục cùng 19 học sinh khác, trong đó có ông Trọng phải sang xã Mai Lâm cách nhà 5 cây số để theo học.

Thường ngày lũ trẻ con trong làng vẫn thường tụm lại rồi gọi nhau đi học. Trong quãng thời gian học lớp 4, ông Dục vẫn còn nhớ rất rõ, cô giáo của lớp khi đó là cô Đặng Thị Phúc mới chỉ 22 tuổi nhưng đã có những đánh giá rất tinh tế và chuẩn xác. Trong lễ tốt nghiệp, cậu Trọng được cô Phúc đánh giá là một trong ba học sinh giỏi nhất lớp.

Hai người khác cô chỉ khen chứ không công nhận xuất sắc còn ông Trọng được cô công nhận là xuất sắc. Ngoài tấm bằng khen ông Trọng còn được thưởng một bức họa báo có 1 tờ can mấy trang liền nhau mang tên là “Nước non nghìn dặm”.

Năm 1957 – 1958 sau khi tốt nghiệp, lẽ ra các ông phải lên Bắc Ninh để học tiếp cấp 2, cấp 3 nhưng do năm đó đã xảy ra trận vỡ đê ở Mai Lâm nên đã phải sang Gia Lâm, Hà Nội gửi học tại trường Nguyễn Gia Thiều.

Do học xa nhà nên trong quá trình học tập, những cậu học trò của thôn Lại Đà thường xuyên giúp đỡ nhau trong quá trình học tập. Ở lớp, học trò Nguyễn Phú Trọng là người khá nhất, đặc biệt nổi trội về môn Văn và vẫn thường được mọi người khen là điềm đạm, cẩn thận, hiền lành, được bạn bè quý mến.

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm về nơi ông và gia đình từng sinh sống trong những năm tháng khó khăn trên phố Huế (Hà Nội).

 “Ở nơi đây, người dân nhắc tới ông và gia đình ông bởi sự hòa đồng và đức khiêm tốn”, một người dân tại đây cho biết.

Bà Nguyễn Thị Mười, sống tại số 56B phố Huế – người từng làm Tổ trưởng tổ dân phố nơi đây trong hơn 30 năm kể lại, gia đình ngày xưa của ông Hùng không làm khá giả, ông bà cụ có 5 người con, mẹ ông Hùng ngày đó đi làm thuê bánh quy lai, quy xốp… rồi sau về bán bia ở phố.

Ông Nguyễn Sinh Hùng học hết cấp 2 ở Nam Đàn, lên cấp 3 thì ra Hà Nội, học ở trường Việt Đức, rồi du học.

Phóng viên cũng gặp thêm ông Tuấn, hiện là chủ cửa hàng giày da tại chính số nhà mà trước đây gia đình ông Hùng sống, cũng là người từng học tập tại Bungari.

Ông Tuấn kể lại với phóng viên, từ ngày đi học, ông Hùng luôn làm lớp trưởng hoặc bí thư chi đoàn. Đi học bên Bungari thì làm Bí thư Chi bộ khối Kinh tế khóa nghiên cứu sinh người Việt tại nước này. “Tôi vẫn nhớ như in rất nhiều người thán phục khả năng hùng biện của anh ấy” – báo thuật lại.

Những câu chuyện như hồi học cấp 3, ra ngoài bãi than ngoài sông nắm than thuê lấy tiền, lặn lội xuống tận Ninh Bình đi kéo dây điện thuê cho ngành điện lực; hay suốt 5 năm học ở xứ người, ông Hùng và ông Tuấn, một người đi chợ nấu cơm, một người rửa bát… cũng được nhắc lại.

Ông Tuấn cũng không quên hình ảnh người bạn thở sinh viên, trong khi đi chơi hay giao lưu, hễ ai lôi chuyện công việc vào là vui vẻ đề nghị “chuyển”; chứ không đan xen, lẫn lộn việc này với việc khác.

Hải Hà (tổng hợp)