Tin thế giới đọc nhanh trưa 04/11/2011

04/11/2011 11:46
Tổng hợp
'Song kiếm Nga, Trung hợp bích' bảo vệ Iran; Sứ mệnh của Hillary Clinton trong chuyến thăm Trung Á; Campuchia: xuất hiện cúm kép...
1. Nga và Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách ngăn cản kế hoạch tăng cường trừng phạt Iran của phương Tây. Trước kế hoạch phản kháng của Nga và Trung Quốc, thay vì đưa bản báo cáo lên Hội đồng bảo an, các nhà ngoại giao phương Tây có thể tính đến khả năng đưa ra nghị quyết của IAEA nhằm cho Iran thời hạn đến khi cuộc họp tiếp theo của Ban điều hành  IAEA diễn ra vào đầu năm 2012, quốc gia Hồi giáo phải giải đáp mọi nghi vấn được nêu ra trong bản báo cáo mới nhất về chương trình hạt nhân của nước này.
2. Sứ mệnh của bà Clinton trong chuyến công du này thể hiện chính sách ngoại giao đổi mới của chính quyền Obama. Mục tiêu chính là khuyến khích các nước láng giềng của Afghanistan làm chỗ dựa vững chắc, ủng hộ nước này hội nhập đầy đủ vào khu vực, cũng như giảm bớt các rào cản thương mại giữa Afghanistan với các nước xung quanh. Mặt khác, bà Clinton cũng tìm cách kìm chế sự hồi sinh của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại Tajikistani bằng cách nhấn mạnh sự "khoan dung" của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề tôn giáo, quyền phụ nữ và quyền tự do khác sau cuộc xung đột sắc tộc trong những năm 1990. "Chúng tôi hiểu mối quan tâm của Chính phủ và công dân tại Tajikistan đối với các vấn đề tôn giáo là để tránh tai họa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan", bà Clinton phát biểu tại một cuộc họp báo. (Diplomat)
3. Lo ngại về một dòng cúm kép đang lan rộng sau khi kết quả nghiên cứu của các chuyên gia y tế Mỹ xác nhận ở Campuchia đã xuất hiện các ca vừa nhiễm cúm heo vừa nhiễm cúm theo mùa. Các chuyên gia y tế nhận định đây là các ca nhiễm cúm hiếm gặp trên thế giới, dù chưa cho thấy nguy cơ trong hiện tại, song họ quan ngại nếu các dòng cúm nguy hiểm như cúm gia cầm H5N1 có thể kết hợp với cúm mùa sẽ gây nguy hiểm tiềm ẩn cho hàng triệu người trên thế giới. Năm 2010, có 18 trong 2.000 trường hợp ở Singapore, Trung Quốc và New Zealand được xác nhận nhiễm cúm kép. Tại Campuchia, đã có 16/18 người nhiễm cúm H5N1 chết do thiếu văcxin, tỉ lệ tử vong cao nhất là trong tháng 8-2011.
4. Sau khi nội các Hy Lạp nhất trí trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới nhất, liên minh châu Âu tuyên bố sẽ không giải ngân 8 tỷ euro nếu dân chúng nước này phản đối và để ngỏ khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn người dân Hy Lạp bác kế hoạch thắt chặt ngân sách để nhận được hỗ trợ, thế nhưng tới 7/10 người muốn Hy Lạp ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Giới bình luận coi quyết định của nội các Hy Lạp là canh bạc lớn, nhưng đầy rủi ro. Nếu cử tri nói "không" với thỏa thuận cứu trợ nói trên sẽ đẩy Hy Lạp đối mặt với nguy cơ phá sản, thậm chí đe dọa đến sự tồn tại của nước này trong khu vực đồng euro.  (Reuters)
5. Dù nội đô Bangkok vẫn bị nguồn nước lũ từ phía Bắc tràn xuống tấn công. Ở phía thượng nguồn, nhiều khu công nghiệp vẫn bị ngập, nhưng Bangkok có vẻ như đã tránh được một trận đại hồng thủy, Chính phủ Thái Lan có thể tuyên bố rằng, nguy hiểm đã qua. Tuy nhiên, Thái Lan đang đứng trước một thử thách mới: khôi phục thiệt hại sau lũ. Theo giới quan sát, Thái Lan có "cất cánh" trở lại được hay không tùy thuộc vào nỗ lực phục hồi sau lũ lụt của chính phủ nước này. Đây sẽ là phép thử lớn cho Thủ tướng Yingluck và Chính phủ của bà hiện nay. "Kết quả chỉ có thể là rất cao hay rất thấp, không có điểm trung bình. Cốt lõi của phép thử là cách bà Yingluck xử lý công cuộc phục hồi", chuyên gia Michael Montesana, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nhận xét.( Bangkok post)
6. Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/11 bác bỏ những đồn đoán về khả năng việc tổ chức này sẽ can thiệp quân sự vào Iran.  Tổng Thư ký NATO đưa ra tuyên bố này do mới đây, tờ “Người bảo vệ” của Anh tiết lộ những kế hoạch do Anh và Mỹ phác thảo nhằm tổ chức một cuộc tấn công phòng ngừa nhằm vào Iran vì lo ngại chương trình hạt nhân của Iran phục vụ mục tiêu quân sự.
7. Ngày 4/11, bà Teresita Deles, Cố vấn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino về tiến trình hòa bình, cho biết cuộc hòa đàm giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã được nối lại vào ngày 3/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây là cuộc gặp không chính thức, ban đầu được nhất trí để thảo luận về cách thức thúc đẩy thương lượng sau khi chính phủ ra đề nghị với MILF. Cuộc họp đã đề cập tới các vấn đề chính nảy sinh sau vụ xô xát hồi tháng trước giữa các lực lượng chính phủ và MILF tại Al-Bark, tỉnh Basilan.
8. Bạo lực vẫn tiếp diễn tại Syria bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm làm giảm căng thẳng tại đất nước Trung Đông này. Bạo lực bùng phát một ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Al Assad đạt thỏa thuận với Liên đoàn Arập (AL) về lộ trình chấm dứt khủng hoảng, bao gồm việc chấm dứt các hành vi bạo lực, Damascus sẽ tiến hành đàm phán với lực lượng đối lập, phóng thích những người bị bắt giữ trong các vụ đụng độ, rút lực lượng quân sự khỏi các khu vực bất ổn, cho phép các tổ chức và cơ quan báo chí của AL và cộng đồng quốc tế tự do di chuyển tại Syria.
9. Ngày 3/11, Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Hàn Quốc dự định xây dựng một khu văn phòng trên quần đảo Takeshima, mà Hàn Quốc gọi là Dokdo, đang tranh chấp giữa hai nước trên biển Nhật Bản. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng một văn phòng quản lý ba tầng tại quần đảo Takeshima nhằm hỗ trợ các hoạt động khảo sát-thăm dò và phục vụ việc lánh nạn cho các du khách khi có bão lớn. Kế hoạch trên đã được Cục Văn hóa-Tài chính thuộc Chính phủ Hàn Quốc chấp thuận với tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD. Tuy nhiên, chi tiết về kế hoạch, cũng như thời điểm tiến hành dự án chưa được Seoul công bố.


Tổng hợp