Quan hệ Trung - Nhật:

TQ:Nhật chuyển từ “đúc kiếm làm cày” sang “đúc cày làm kiếm"

23/08/2011 10:57
Đông Bình (Theo Liên hợp Buổi sáng)
(GDVN) – Nhật Bản có kế hoạch mua mảnh đất rộng gần 20 ha tại Yonaguni - điểm cực tây của Nhật Bản để thiết lập căn cứ quân sự theo dõi Trung Quốc.

Ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, họ sẽ mua một mảnh đất ở phía tây nam của đảo Yonaguni – thuộc sở hữu của chính quyền Cho - Yonaguni - Okinawa - hòn đảo nằm về phía cực tây của Nhật Bản, để xây dựng khu đồn trú quân sự, chi phí mua đất và một phần chi phí xây dựng sẽ được đưa vào ngân sách hàng năm.

Máy bay F-22 của Không Quân Mỹ vận hành tại căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản
Máy bay F-22 của Không Quân Mỹ vận hành tại căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản

Với lý do “hoạt động của hải quân Trung Quốc ngày càng tích cực”, tháng 12/2010, chính phủ Nhật Bản đã thông qua “Kế hoạch chỉnh đốn Lực lượng Phòng vệ trung hạn (2011 - 2015)”, nhấn mạnh “sẽ triển khai lực lượng giám sát ven biển của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) ở các hòn đảo phía tây nam”.

Theo đó, ngân sách tài chính năm nay đã trích khoảng 30 triệu yên (khoảng 2.506.000 nhân dân tệ), hơn nữa GSDF cũng đã triển khai khảo sát khu vực bố trí của đảo Yonaguni.

Đảo Yonaguni cách Đài Loan chỉ 110 km. Khu đất triển khai ở điểm cực tây Kubura của Yonaguni, có diện tích khoảng 125 ha. Mảnh đất này phần lớn thuộc quyền quản lý của chính quyền Cho - Yonaguni, hiện được một doanh nghiệp tư nhân sử dụng cho nuôi bò.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch sử dụng 15 – 20 ha trong đó để làm khu đồn trú quân sự, triển khai lực lượng vũ trang hạng nhẹ, sử dụng các thiết bị quang học và radar để theo dõi tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên biển Hoa Đông.

Dự kiến trong 4 năm tới sẽ tiếp tục xây dựng doanh trại và đường băng cho máy bay trực thăng của lực lượng phòng vệ.

Trong hội nghị giới thiệu cho ngư dân vào tháng 7 tại Yonaguni, người đứng đầu khu vực Cho – Yonaguni, ông Hokama Shukichi cho biết, sẽ thúc đẩy kế hoạch này, hy vọng quân đội đóng quân tại đó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nhưng, người dân địa phương cũng tỏ thái độ lo ngại và hoài nghi. Có người dân cho rằng, “Okinawa không cần căn cứ”. Ý kiến ủng hộ và phản đối về việc triển khai lực lượng phòng vệ diễn ra rất gay gắt, tại khu vực Cho các ý kiến cũng không thống nhất.

Dư luận cho rằng, trước khi tạo ra sự thống nhất về nhận thức, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã quyết định xây dựng khu đồn trú quân sự là một cách làm bị phê phán mạnh mẽ.

Hãng Kyodo phân tích, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch triển khai lực lượng giám sát ven biển ở Yonaguni – Okinawa, hành động này là nhằm vào Trung Quốc, nước đang gia tăng các hoạt động trên biển, lấp đi khoảng trống phòng thủ ở phía tây đảo Okinawa.

Trong “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” được chính phủ Nhật Bản đưa ra cuối năm 2010, lần đầu tiên đã coi các động thái của Trung Quốc là “những vấn đề quan tâm của khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Ngày 2/8, “Sách trắng Phòng vệ” do nội các Nhật Bản phê chuẩn đã tiếp tục cho rằng, Trung Quốc “có thể bị coi là đã thể hiện tư thế gây sức ép cao trong các vấn đề đối lập với các nước láng giềng”.

Cùng với việc nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tích cực tăng cường thúc đẩy khả năng phòng thủ ở các hòn đảo phía tây nam nước này.

Được biết, trong việc tăng cường phòng thủ ở các hòn đảo phía tây nam, Nhật Bản sẽ vừa quan sát phản ứng của Trung Quốc và Đài Loan, vừa bắt tay triển khai lực lượng vũ trang hạng nhẹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn có kế hoạch tăng thêm lực lượng bộ binh có quy mô hàng trăm người cho đảo Miyako và Ishigaki theo từng giai đoạn trong thời gian tới, nhằm tiếp tục tăng cường sức mạnh phòng thủ ở các hòn đảo phía tây nam.

Báo chí Trung Quốc cho rằng, việc lấp khoảng trống phòng thủ đã bị “thổi phồng”, bởi vì thực lực quân sự của Mỹ tại khu vực này rất mạnh. Rõ ràng, đây là cái cớ do quân đội Nhật Bản tạo ra, không có sự thống nhất với Mỹ. Như vậy, việc mua đất của người dân dùng cho mục đích quân sự đã chuyển từ “đúc kiếm làm cày” sang “đúc cày làm kiếm”.

Trong những năm gần đây, tình hình Eo biển Đài Loan đã ấm lên, tháng 7 năm nay, Nhật Bản cũng nới lỏng hạn chế du khách Trung Quốc thăm Nhật. Nhưng phía quân đội Nhật Bản lại tích cực tuyên truyền “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”, tìm lý do để tăng cường chi phí quân sự. Báo chí Nhật Bản cho rằng, quân đội nên tiết kiệm kinh phí dùng cho việc tái thiết đất nước sau thiên tai.

Đối với vấn đề này, Lưu Giang Vĩnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại, Đại học Thanh Hoa cho rằng, việc đưa ra “Đại cương Kế hoạch Phòng vệ” cuối năm 2010 chuyển trọng tâm phòng vệ tới các quần đảo ở tây nam, cùng với quyết định của quân đội Nhật Bản lần này, cho thấy Nhật Bản đang từng bước thực hiện Đại cương Kế hoạch Phòng vệ.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước tiếp tục suy thoái, nợ công tăng lên, Nhật Bản vẫn lấy lý do tăng cường an ninh để chi tiêu ngân sách phòng vệ. Theo Lưu Giang Vĩnh, việc triển khai của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ không có lợi lộc gì.

Nhật Bản không mong nhìn thấy xu thế phát triển hòa bình của hai bờ Eo biển Đài Loan, tích cực tuyên truyền “Thuyết mối đe dọa từ Trung Quốc”, có ý đồ biến Okinawa thành “tiền tuyến” nhằm vào Trung Quốc, đi ngược lại nội hàm tinh thần quan hệ chiến lược cùng có lợi giữa hai nước Trung-Nhật là “là đối tác hợp tác của nhau, không tạo ra mối đe dọa cho nhau”.

Việc triển khai này cũng không có lợi cho sự phát triển của Nhật Bản, đặc biệt là Okinawa.

Trong lịch sử, khu vực Okinawa có giấc mơ là “cây cầu vạn quốc”, muốn trở thành cây cầu hữu nghị của các nước trên thế giới, trở thành hòn đảo hòa bình, thịnh vượng. Cách đây không lâu, để tăng cường giao lưu, hợp tác với Trung Quốc, thúc đẩy phát triển ngành du lịch của Okinawa, phía Nhật Bản còn đưa ra chính sách mới về thị thực cho du khách Trung Quốc.

Nhưng Okinawa vẫn quyết định không nổi số phận của mình, 70% căn cứ quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản tập trung tại đây, hiện lại cần đất để dùng cho đồn trú quân sự.  Theo báo chí Trung Quốc, điều này cho thấy, chính phủ Nhật Bản thiếu xem xét đến nguyện vọng hòa bình, cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Đông Bình (Theo Liên hợp Buổi sáng)