Trẻ nghiện game, nguy cơ thật nhưng đang bị bỏ qua

12/06/2020 08:15
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ cái chết của bé trai 5 tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An bị sát hại có thể thấy một nguy cơ từ nghiện game đang hiện hữu nhưng dường như người lớn đang lơ là.

Theo thông tin từ cơ quan công an tỉnh Nghệ An cho thấy khoảng 15h chiều 7/6, bé Đ. xin phép bố qua nhà Đào Ngọc Hoàng (nam sinh lớp 11) - gia đình hàng xóm - chơi.

Đến tối cùng ngày, gia đình không thấy con về liền tá hỏa đi tìm kiếm và trình báo với cơ quan chức năng.

Qua trích xuất camera an ninh, người dân xác định Hoàng là người tiếp xúc cuối cùng với bé Đ..

Chiều 9/6, Hoàng dẫn cơ quan chức năng vào khu vực giấu bé Đ. thì phát hiện bé đã chết trước đó.

Hiện trường nơi phát hiện thi thể bé Đ. gần mép suối trong cánh rừng tràm cách nhà của gia đình bé gần 10km, hai tay bé bị trói, miệng bị bịt băng keo và vải. Cạnh thi thể bé còn có xúc xích, sữa và ít bánh.

Theo xác minh, Đào Ngọc Hoàng là học sinh lớp 11, nghiện game online và các trò chơi điện tử trên mạng.

Do đó, Hoàng thường chìm đắm trong thế giới ảo, có các trò chơi ly kỳ bắt giữ người, trinh thám... Bản thân Hoàng cũng nợ nần và có nhu cầu tiêu dùng cá nhân song không có tiền.

Cháu bé bị sát hại đau lòng. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Cháu bé bị sát hại đau lòng. Ảnh minh họa: Vietnamnet.

Từ đó, đối tượng nảy ra một ý tưởng làm theo game online là đưa cháu Đ đi chơi, mang vào rừng giấu đi để sau này gia đình, bạn bè có đi tìmthì Hoàng sẽ là người "lập công", tìm ra cháu Đ. trước và được thưởng tiền...

Từ vụ việc này có thể thấy nghiện game online đang trở thành một nguy cơ thực với nhiều trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh điện thoại thông minh và sự phát triển của internet.

Trước đó,tháng 5/2019, một thanh niên xông vào Trường tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) dùng dao đâm chém loạn xạ vào học sinh.

Sự việc khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Điều tra của công an cho thấy thanh niên trên có biểu hiện nghiện game.

Đối tượng không có việc làm, ít nói, nhốt mình trong phòng chơi game suốt ngày.

Năm 2018, một vụ án mạng xảy ra ở huyện Quế phong, Nghệ An: một cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong.

Sự việc xuất phát từ một nguyên nhân lãng xẹt: nạn nhân tranh luận với hung thủ về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích.

Cũng năm 2018, hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại một người bà họ để cướp tiền chơi game.

Năm 2017, ở Mũi Né, Phan Thiết, hai thiếu niên 14 tuổi cùng chơi game trong một quán internet và xảy ra mâu thuẫn. Một trong hai cậu thiếu niên đã rút dao đâm bạn dẫn tới tử vong...

Những vụ án đau lòng trên chỉ là một trong rất nhiều vụ việc liên quan đến việc nghiện game online. Thuật ngữ nghiện game đã được xuất hiện từ lâu nhưng sau một thời gian rộ lên mọi thứ lại trở lại im ắng.

Con trẻ nghiện game online như có người tâm thần trong nhà. Ảnh minh họa: Vũ Ninh

Con trẻ nghiện game online như có người tâm thần trong nhà. Ảnh minh họa: Vũ Ninh

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, nguy cơ về nghiện game online là một nguy cơ có thực và đang bị các bậc cha mẹ, người lớn bỏ qua.

Theo bác sĩ Thu cho biết, khi sức hấp dẫn của game online sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị rối loạn cảm xúc (EQ), thậm chí não bộ bị ảnh hưởng nặng với những hình ảnh trong game.

Việc dồn quá nhiều thời gian vào thế giới game ảo không chỉ khiến trẻ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ.

Thực tế cho thấy nhiều người chơi game, học giỏi thậm chí đã trưởng thành nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi.

Bác sĩ Thu cũng đã nhiều lần tư vấn cho các trẻ có biểu hiện nghiện game nhưng chủ yếu qua điện thoại bởi nhiều bậc cha mẹ có tâm lý ngại đưa con đến bệnh viên tâm thần để khám.

Bên cạnh đó, nhận thức của các bậc phụ huynh về nghiện game online còn nhiều hạn chế.

“Nhiều cha mẹ còn hỏi các biểu hiện như thế cháu có nghiện nhiều không? Nghiện nặng không…”, bác sĩ Thu cho biết.

Bác sĩ Thu cũng cho biết, các nhà tâm thần học trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại của bệnh nghiện game online và cho rằng bệnh này có những đặc điểm của nghiện ma túy, đánh bạc bệnh lý và trầm cảm.

Bác sĩ Thu cho rằng, các bậc cha mẹ cần kiểm soát, việc chơi game của con cái, để ý những cảm xúc của trẻ trong các hoạt động hàng ngày.

Nếu có thể thì dừng hẳn việc chơi game của con, đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, để tránh những nguy cơ có thể xảy đến với con mình.

Trong cuộc họp thường niên lần thứ 25 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Thụy Sỹ , Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã nhất trí quan điểm coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong, hay còn gọi là danh sách phân loại bệnh (ICD) được các bác sĩ, nhà nghiên cứu, công ty bảo hiểm sức khỏe sử dụng để tham khảo.

Phiên bản ICD cập nhật này sẽ được trình bày tới các quốc gia thành viên tại Hội nghị Đại hội đồng Y tế thế giới hàng năm và sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 1/2022. Dữ liệu và thông tin về nghiện game sẽ được bổ sung vào hồ sơ dành cho các chuyên gia và tổ chức thuộc lĩnh vực y tế trên toàn thế giới.

Trần Phương