Về Trường Trung học cơ sở Thắng Nhất, thành phố Vũng Tàu, tôi được nghe phụ huynh, học sinh ca ngợi cô giáo Nguyễn Thị Hoài Giang “trị bệnh nghiện game”.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, chuyên ngành Tin – Kĩ Thuật Công Nghiệp. Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Giang vào ngành từ năm học 2011-2012.
Gặp cô Giang, cô tâm sự “Cùng với sự phát triển của game online (trò chơi trực tuyến) trên mạng internet; nghiện game phát triển thành một loại bệnh, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Học sinh nghiện game không còn hiếm gặp; hình ảnh các em “cày game” lờ đờ, uể oải cứ trăn trở trong suy nghĩ của tôi, làm sao “cai” game cho các em?
Không gì hay hơn, biến “kỹ năng” chơi game của các em thành sở trường, phát huy năng lực cho mỗi học trò.
Từ đó, tôi gợi ý cho các em học sinh bị “bệnh” viết một trang web để có thể vừa chơi mà lại vừa học; tạo nên trải nghiệm “chinh phục máy tính” cho chính mình.
Bàn bạc với đồng nghiệp trong trường, tôi “lọc ra” 12 em có “sở trường tin học”. Cho các em đọc một đoạn code; thử thách các em, giúp các em hiểu hơn về tin học thực sự là gì, chứ không phải chỉ là “bùm, chiu, bụp…”.
Chuyện một người thầy trên phá Tam Giang |
Các em từ hình thức sử dụng “sản phẩm của người khác”, nay chuyển đổi sang trạng thái tư duy; thách thức chính bản thân mình, từ “bệnh nhân” nay tự “tạo kháng thể” chống lại bệnh.
Chính tư duy là thuốc chữa bệnh, học sinh không còn ghiền game, chuyển sang trạng thái khám phá bản thân, suy nghĩ tích cực, không còn lệ thuộc vào máy tính.
Dần dần, độ khó đoạn code tăng cao, rèn luyện cho học sinh tư duy, quên luôn game lúc nào không hay.
Trong đó có hai em đã nêu ra ý tưởng để hoàn thành một sản phẩm tin học của mình; nghe ý tưởng của các em, tôi đề xuất nhà trường hướng dẫn các em, lấy sản phẩm tham gia thi khoa học kĩ thuật.
Lĩnh vực phần mềm hệ thống dự thi, lĩnh vực ít tốn kém nhất, giảm chi phí đầu tư cho nhà trường; giúp các em phát huy năng lực của mình nên đã được ban giám hiệu đồng ý.”
Dự án các em tham dự thi Khoa học kĩ thuật, đạt giải Nhất cấp Tỉnh, được chọn tham gia dự thi toàn quốc, đạt giải sáng tạo cấp Quốc gia của tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.
Cô Nguyễn Thị Hoài Giang (áo dài) cùng học trò, tham gia thi Khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia năm học 2018-2019. (Ảnh CTVCC) |
Với niềm đam mê, nhiệt huyết của mình trong đổi mới dạy học, cô Nguyễn Thị Hoài Giang đã đạt nhiều thành tích khác:
Năm học: 2011 – 2012, ôn thi học sinh giỏi Tin học đạt kết quả: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải B và 1 giải Khuyến khích cấp Thành phố; 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích cấp Tỉnh.
Năm học: 2015 – 2016: Giải Khuyến khích cấp Tỉnh trong dạy học tích hợp môn Công nghệ.
Năm học: 2016 – 2017: Giải Khuyến khích cấp Tỉnh trong dạy học tích hợp môn Công nghệ.
Thầy Trần Thái Sơn mê nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp |
Trường Trung học cơ sở Thắng Nhất là một ngôi trường nhỏ, nhưng những đóng góp nhỏ bé của cô giáo Giang đã góp phần không nhỏ trong phong trào dạy tốt, học tốt của nhà trường.
Trước nhu cầu đổi mới của ngành giáo dục, mỗi giáo viên phải tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng đòi hỏi của giáo viên thời đại 4.0, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Giang đã học liên thông Đại học, tốt nghiệp Đại học sư phạm chuyên ngành Sư phạm Tin học.
Giáo dục đang đổi mới nội dung và phương pháp, giáo viên phải tự đổi mới chính mình để đáp ứng yêu cầu mới, mỗi thầy cô lấy yêu thương học trò làm hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc, lan tỏa yêu thương đến cộng đồng.