Triều Tiên "dồn" Mỹ, đánh hay đàm?

01/08/2017 07:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính Tổng thống Donald Trump lúc này đang cho thấy sự kiên nhẫn, tập trung và vai trò lãnh đạo hoạch định chính sách.

Đài CNBC ngày 31/7 (giờ Washington, tức 1/8 giờ Hà Nội) bình luận: Tổng thống Mỹ Donald Trump có rất ít lựa chọn với Triều Tiên, vì những mối nguy hiểm kinh tế tiềm ẩn đã trở thành trọng tâm của vấn đề. [1]

Mỗi cuộc thử nghiệm tên lửa mới, Triều Tiên đẩy Mỹ đến gần hơn những lựa chọn ngặt nghèo

Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa lần 2 diễn ra ngày 28/7 lại một lần nữa dấy lên những tranh luận trên truyền thông và trong chính giới Hoa Kỳ, đẩy các quan chức Mỹ đến gần hơn những lựa chọn ngặt nghèo:

Dùng biện pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng bất chấp việc nó có thể gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ, hoặc chấp nhận mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên trong khi chờ một chiến lược mới.

Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ Richard Haass nói rằng, có những hậu quả kinh tế tiềm ẩn thực sự và đó là bài toán đau đầu với chính quyền Donald Trump, vốn đang bị suy yếu bởi sự hỗn loạn.

Lựa chọn thứ hai là dựa vào Trung Quốc để gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên cho đến nay lựa chọn này đã cho thấy tính bất khả thi, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đe dọa đánh thuế hàng hóa Trung Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp ra nơi phóng tên lửa, ảnh: AP / KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp ra nơi phóng tên lửa, ảnh: AP / KCNA.

Nicholas Lardy, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson dự đoán, nếu ông Trump sử dụng đòn kinh tế với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đáp trả bằng 2 bước cụ thể.

Một là cắt giảm mạnh lượng đậu nành mua của Mỹ nhằm giảm giá và gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ. Hai là cắt đơn đặt hàng máy bay Boeing mà Mỹ chế tạo.

Lựa chọn thứ ba mà các chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump đã sử dụng nhưng vô ích, đó là duy trì các biện pháp trừng phạt và tăng cường răn đe quân sự.

Các nhà phân tích nhìn thấy các hậu quả kinh tế tiềm ẩn của phản ứng quân sự, hoặc của cả sự tiếp tục tranh cãi cho một chiến lược mới.

Chiến tranh với Triều Tiên có thể gây bất ổn cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và ít nhất làm cho người tiêu dùng và các nhà đầu tư ở Hoa Kỳ căng thẳng. [1]

Áp lực đánh hay đàm?

CNN hôm nay cho biết, một số thành viên chính phủ Mỹ tỏ rõ sự ủng hộ phương án "thay đổi chế độ" ở Bình Nhưỡng, điển hình là Giám đốc CIA Mike Pompeo, nhưng những rủi ro của nội chiến và hỗn loạn rất lớn.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, không có lựa chọn nào về việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên được xem xét. [2]

Nhà Trắng đã nhiều lần báo hiệu, tất cả các giải pháp đã được đặt lên trên bàn Tổng thống, bao gồm kịch bản tấn công quân sự.

Tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Joseph Dunford thừa nhận, cái giá phải trả của phương án tấn công quân sự Triều Tiên có thể là con số thương vong lớn chưa từng có.

Ngày 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã cảnh báo rằng, chiến tranh với Triều Tiên có thể dẫn đến bi kịch trên quy mô "không thể tin được". [3]

Triều Tiên "dồn" Mỹ, đánh hay đàm? ảnh 2

Tên lửa Triều Tiên mới phóng có thể thay đổi cơ bản cấu trúc an ninh Đông Bắc Á

Nhưng những áp lực từ dư luận về một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên ngày càng lớn. Chuyên gia về vấn đề kiểm soát vũ khí Jeffrey Lewis nhận định:

Đã đến lúc phải khởi động một cuộc chiến phòng ngừa trước khi Bình Nhưỡng có một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trong khi cựu Cố vấn an ninh quốc gia của ông Barack Obama, Jon Wolfsthal cho rằng:

"Chính quyền Donald Trump phải liên lạc trực tiếp với bắc Triều Tiên để đảm bảo họ hiểu rằng, những hành động nào sẽ dẫn đến phản ứng trực tiếp từ Mỹ."

Ngày Chủ nhật 30/7, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein kêu gọi Nhà Trắng bắt đầu một cuộc đàm phán "rất nghiêm túc" với Bình Nhưỡng để chấm dứt chương trình này.

"Mỹ cần mở các kênh liên lạc cấp cao, trực tiếp với Bình Nhưỡng, trực tiếp với ông Kim Jong-un và làm việc đó", vị Thượng nghị sĩ này kêu gọi. [2]

Câu chuyện ném chuột sợ vỡ bình và sự bình tĩnh của Donald Trump

CNN dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói, Washington sẽ không tìm cách hành động qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 28/7.

Thời gian nói chuyện đã kết thúc, bà Đại sứ Mỹ nhấn mạnh, nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an đã bị Triều Tiên vi phạm mà không bị trừng phạt.

CNN bình luận: đó là một sự thừa nhận dường như tuyệt vọng, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho thấy rằng, khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết thông qua các kênh ngoại giao trong Hội đồng Bảo an.

Bà Nikki Haley tiếp tục chỉ sang Trung Quốc: Bắc Kinh phải quyết định, cuối cùng họ có chịu thực hiện bước đi quan trọng ngăn chặn thách thức của Bình Nhưỡng hay không.

Triều Tiên "dồn" Mỹ, đánh hay đàm? ảnh 3

Bình Nhưỡng đòi Mỹ quỳ xuống xin lỗi, Donald Trump úp mở khả năng chiến tranh

Nhưng ngay hôm thứ Bảy 29/7, Tổng thống Donald Trump đã tỏ vẻ rất thất vọng về Trung Quốc. Ông viết trên Twitter:

"Các nhà lãnh đạo trước đây của chúng ta đã cho phép (Bắc Kinh) kiếm được hàng trăm tỉ đô la mỗi năm qua thương mại, nhưng họ chẳng làm gì giúp chúng ta trong vấn đề Triều Tiên."

Hôm qua 31/8, ông Donald Trump đã nói chuyện với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cả hai nhà lãnh đạo cam kết tăng áp lực ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thì cho biết, tất cả các phương án đều nằm trên bàn, trong khi Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-1 từ Guam bay vòng quanh bán đảo Triều Tiên trong 10 giờ liên tục.

Cá nhân người viết cho rằng, phần đông giới phân tích và truyền thông Hoa Kỳ cũng như quốc tế nhận định rằng, không có nhiều lựa chọn hoàn hảo cho Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, trong việc đối phó với Triều Tiên.

Lý do lớn nhất chính là câu chuyện "ném chuột sợ vỡ bình". Mỹ và đồng minh có quá nhiều thứ để mất, một khi nổ ra xung đột.

Triều Tiên có lẽ nắm được "thóp" này của người Mỹ lẫn ý đồ của Trung Quốc nên vẫn làm tới, để tạo thế thượng phong trên bàn đàm phán vô điều kiện với Hoa Kỳ.

Kết hợp với bài học của hai cố lãnh đạo, Tổng thống Libya ông Gadaffi và Tổng thống Iraq ông Saddam Hussein, ông Kim Jong-un có lẽ sẽ không dễ gì nhượng bộ áp lực của người Mỹ.

Tuy nhiên, trong lúc nhiều quan chức và chính khách Mỹ lo lắng bất an vì Triều Tiên, tình hình nội bộ từ Bộ Ngoại giao đến Nhà Trắng đang có nhiều chia rẽ, thì chính Tổng thống Donald Trump lúc này đang cho thấy sự kiên nhẫn, tập trung và vai trò lãnh đạo hoạch định chính sách.

CNBC bình luận, đó là những phẩm chất quan trọng để giải quyết các vấn đề phức tạp như Triều Tiên. Ngày thứ Hai 31/7 họp nội các, ông Donald Trump nói:

"Chúng ta sẽ xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên. Chúng ta có thể xử lý chúng, nó sẽ được xử lý. Chúng ta xử lý mọi thứ." [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.cnbc.com/2017/07/31/potential-economic-hazards-from-north-korea-crisis-come-into-focus.html

[2]http://edition.cnn.com/2017/07/31/asia/north-korea-china-sanctions/index.html

[3]http://edition.cnn.com/2017/06/22/asia/north-korea-war-devastation/index.html

Hồng Thủy