Trung Quốc mua thêm gần 5000 tên lửa không đối không từ Nga

29/10/2014 15:14
Bình Nguyên
(GDVN) - Cựu sỹ quan Nhật Toshiyuki Roku nói rằng Trung Quốc đã đặt mua của Nga 1.500 quả tên lửa không đối không R-77 VÀ 3.300 quả loại R-73 của nhà chế tạo Nga.

Trang Japan Military Review của Nhật Bản gần đây trích dẫn thông tin do một cựu tư lệnh lực lượng Thử nghiệm và Phát triển không quân của Lực lượng phòng vệ Nhật cho biết Trung Quốc có thể sẽ mua đến gần 5000 tên lửa không đối không R-73 và R-77 từ Nga.

Toshiyuki Roku - cựu tư lệnh lực lượng Thử nghiệm và Phát triển không quân của Lực lượng phòng vệ nhận định rằng mặc dù Trung Quốc đã mày mò sản xuất được các tên lửa tấn công không đối không như PL-12, SD-10A và PL-9C nhưng cơ bản tất cả chúng đều là những loại vũ khí được chế tạo dựa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ của tên lửa không đối không Ucraine.

Trung Quốc được cho là vẫn đang nỗ lực cạnh tranh và lấp khoảng cách trong lĩnh vực chế tạo tên lửa không đối không với đối thủ Mỹ.
 
Quân giải phóng TQ (PLA) dường như tự nhận thấy rằng họ cần thêm các loại tên lửa không đối không từ Nga để chuẩn bị cho những sự kiện đối đầu tiềm tàng có thể xảy ra với Mỹ hoặc Nhật Bản trong tương lai.

Cựu sỹ quan Nhật Toshiyuki Roku nói rằng Trung Quốc đã đặt mua của Nga 1.500 quả tên lửa không đối không R-77 VÀ 3.300 quả loại R-73 của nhà chế tạo Nga.

Theo ông Toshiyuki Roku, tên lửa không đối không tầm gần R-73 được phát triển năm 1985 được xem là loại vũ khí không đối không mạnh nhất trong Chiến Tranh Lạnh. Chúng được đánh giá cao hơn cả tên lửa không đối không AIM-9M được Mỹ và các đồng minh NATO sử dụng từ năm 1982.

Trong khi đó, tên lửa không đối không tầm trung R-77 được Nga thiết kế, chế tạo vào năm 1992. Loại tên lửa này có khả năng mạnh tương ứng với tên lửa không đối không cải tiến AIM-120 của quân đội Mỹ.

Ông Toshiyuki Roku cũng đưa ra tư vấn cho quân đội Nhật Bản rằng, trước khi không quân của Tokyo nhận được các máy bay chiến đấu  F-35A từ Mỹ thì Nhật Bản nên mya thêm các loại tên lửa không đối không mới vì như vậy mới có thể duy trì được ưu thế trên không một khi xảy ra xung đột trên khu vực Biển Hoa Đông.


Hiện nay, trong biên chế của Không quân Nhật Bản, các loại tên lửa không đối không chủ yếu của các máy bay chiến đấu là tên lửa tầm gần AAM-4; AAM-5.

Cả hai phiên bản này đều đã được nâng cấp bằng công nghệ của Nhật Bản. Cựu sỹ quan này cũng đã rất lưu ý quân đội Nhật Bản về việc Trung Quốc đang tìm cách phát triển các phương tiện phóng nhiễu đối kháng dành cho các tên lửa không đối không tầm trung.

Bình Nguyên