Ts Trần Công Trục: Ta cần khởi kiện TQ vi phạm UNCLOS ở Biển Đông

20/08/2013 07:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Với tư cách là 1 thành viên Công ước, có quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông đang bị vi phạm, chúng ta khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, điều này không có ảnh hưởng gì đến chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với các nước, đặc biệt là với TQ.
Vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông hầu như đều nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, các học giả và luật gia quốc tế. Hiệu quả của vụ kiện này là Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã thành lập Hội đồng Trọng tài 5 thành viên và khởi động phiên đầu tiên hôm 11/7. Hiện tại Philippines vẫn tiếp tục kiên trì không thay đổi lựa chọn này bất chấp việc TQ tìm mọi cách vận động, cô lập Philippines và ngăn chặn vụ kiện.  Trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta cũng là thành viên của UNCLOS, ta đã ký, phê chuẩn và tuân thủ mọi quy định của UNCLOS. Việc TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông với đường lưỡi bò phi pháp đã ảnh hưởng, xâm phạm trực tiếp và mạnh mẽ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ có một vài chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam về những phản ứng cần có của ta trong trường hợp này để bảo vệ tốt nhất chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục.
Tiến sĩ Trần Công Trục.
- PV: Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCLOS, có quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là đối tượng tranh chấp căng thẳng trong khu vực. Động thái Philippines kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông chắc chắn có liên quan trực tiếp đến ta, trong trường hợp này về mặt pháp lý, theo Tiến sĩ sẽ có những khả năng nào trong cách phản ứng của ta đối với vụ kiện cũng như những vấn đề phát sinh với mỗi cách phản ứng nếu ta lựa chọn?
- Ts Trần Công Trục: Thời gian qua những động thái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam từ phía TQ đã liên tục xảy ra và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. TQ sẽ còn tiếp tục gây khó khăn cho Việt Nam ở Biển Đông bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, từ bắt bớ xua đuổi ngư dân cho đến kéo tàu cá, tàu công vụ, tàu quân sự xâm phạm các vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trước tình hình đó, là một nước có liên quan trực tiếp, thành viên UNCLOS, theo tôi ta phải tỏ rõ thái độ và lập trường quan điểm cụ thể của mình. Cho đến nay, về mặt nguyên tắc ta luôn khẳng định chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, một trong những biện pháp hòa bình là đưa ra các tổ chức tài phán quốc tế.  Tuy nhiên đó là phản ứng mang tính nguyên tắc chung, nhưng những người làm việc ở các cơ quan tài phán quốc tế, những luật gia sẽ đặt câu hỏi rằng, trước những vụ việc liên quan trực tiếp đến tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông như vụ kiện của Philippines thì lập trường cụ thể của Việt Nam như thế nào?  Theo tôi về mặt pháp lý có 3 khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, Việt Nam cùng với Philippines kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông và đã xâm phạm lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông đồng thời là thành viên của UNCLOS, điều này hoàn toàn có lợi cho cái chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, ngăn ngừa các hành vi khiêu khích có thể dẫn tới xung đột. Lựa chọn thứ 2, Philippines cứ kiện, Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ từ việc TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông, Việt Nam sẽ khởi kiện độc lập. Ta hoàn toàn có thế mạnh và điều kiện làm điều này. Chúng ta lập hồ sơ riêng và khởi kiện. Phương án thứ 3, vì lý do nào đó ta vẫn tiếp tục “im lặng”. Phương án thứ nhất theo tôi là một lựa chọn tốt và không ai có thể chê trách điều gì, tranh thủ được sự ủng hộ từ Philippines và các bên khác, có lợi cho ta và cũng có lợi cho cái chung trong bối cảnh hiện nay. Cần nhấn mạnh sự hợp tác giữa ta với các bên tranh chấp khác cùng khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông hoàn toàn không phải một động thái chính trị liên minh liên kết, tạo đối trọng để chống lại bên nào. Đây chỉ là 1 vụ kiện thuần túy với tư cách là những thành viên UNCLOS có lợi ích tương tự, đồng cảnh với nhau để tìm ra chân lý đúng sai. Điều này hoàn toàn có lợi, kể cả về mặt chính trị cũng như ngoại giao. Đồng thời cũng cần phải nói một cách rõ ràng và sòng phẳng rằng, chúng ta cùng với Philippines kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông, phương hại tới quyền lợi của các nước ven Biển Đông không có nghĩa là ta thay đổi lập trường về tuyên bố chủ quyền của mình, đặc biệt là đối với quần đảo Trường Sa đang là tâm điểm tranh chấp giữa 5 nước 6 bên. 
Cả Trung Quốc và Philippines đang tranh giành Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ta cần phản đối bất cứ hành động của bất cứ bên nào xâm phạm tới vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền hợp pháp.
Cả Trung Quốc và Philippines đang tranh giành Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ta cần phản đối bất cứ hành động của bất cứ bên nào xâm phạm tới vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền hợp pháp.
Việc 2 bên cùng kiện TQ ta cứ tiến hành, nhưng giả sử Philippines hay bất cứ bên tranh chấp nào khác có động thái vi phạm chủ quyền của ta ở Trường Sa, ta đều phải lên tiếng phản đối để đảm bảo nguyên tắc trước sau như một, còn việc sau này cơ quan tài phán phán quyết đúng sai ra sao, lúc đó ta tính sau. Tuyệt đối không thể vì bên này là bạn hay vì quan hệ chính trị đặc biệt nào đó mà chúng ta bỏ qua những động thái xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Điều này cũng góp phần tránh những lập luận bất lợi cho ta trên bàn đàm phán khi ta phản ứng thiếu thống nhất với các hoạt động xâm phạm của các bên khác nhau. Phương án thứ 2, có thể do thời gian, điều kiện, cách làm hay quá trình chuẩn bị mà Việt Nam sẽ tiến hành khởi kiện độc lập đối với việc TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông, trực tiếp ảnh hưởng và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Chúng ta tự mình lập hồ sơ, đệ đơn kiện TQ lên 1 tổ chức trọng tài/tòa án quốc tế phù hợp nhất đối với mình căn cứ theo quy định của UNCLOS. Điều này nên làm, và nó không ảnh hưởng gì đến chính trị - ngoại giao, chỉ đơn giản là khi hai bên không thống nhất được quan điểm, nhận thức về việc áp dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông thì đưa nó ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền phân xử.  Phương án thứ 3, tiếp tục im lặng và không làm gì cả sẽ đồng nghĩa với việc “mặc nhiên thừa nhận”, đây là một phương án dẫn đến những hệ lụy hết sức nguy hiểm về cả pháp lý lẫn trên bàn đàm phán sau này. Trước việc Philippines kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông, trong đó có động chạm lớn đến vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền, nếu ta hoàn toàn im lặng, cơ quan tài phán quốc tế sẽ đặt câu hỏi về quan điểm của Việt Nam. Trong luật pháp quốc tế, các vấn đề liên quan đến lợi ích chủ quyền khi ta đã tuyên bố đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển theo công ước, thì ta phải liên tục khẳng định chủ quyền một cách rõ ràng, có phản ứng kịp thời, đúng lúc đối với bất cứ động thái nào liên quan đến khu vực mà ta tuyên bố chủ quyền. Không có chuyện anh là bạn tôi thì anh có thể xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, trong pháp lý quốc tế đối với tranh chấp đa phương không thể có chuyện "đóng cửa bảo nhau", mọi chuyện cần rõ ràng và sòng phẳng. Nếu ta im lặng thì sẽ rất bất lợi, ngay cả với cơ quan tài phán và ngay cả với TQ khi ngồi vào bàn đàm phán, họ sẽ chỉ trích ta tiền hậu bất nhất, lúc Philippines khởi kiện tại sao ta không lên tiếng? TQ họ đã làm những điều này rồi và họ sẽ khai thác tối đa các phản ứng của ta, nếu tiền hậu bất nhất sẽ rất nguy hiểm. Điều này chúng ta phải tính tới và không thể tiếp tục im lặng.
Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và xây dựng trái phép công sự nhà nổi kiên cố làm bàn đạp đứng chân lâu dài, phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép Đá Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và xây dựng trái phép công sự nhà nổi kiên cố làm bàn đạp đứng chân lâu dài, phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
- PV: Theo ông, để khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS trên Biển Đông đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của ta thì Việt Nam cần phải làm gì? Trong bối cảnh TQ nằng nặc đòi đàm phán tay đôi đối với tranh chấp đa phương ở Trường Sa, phản đối cái gọi là “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” và họ có thể chụp mũ cho ta là gây rối, làm phức tạp tình hình, ta nên nhận thức và ứng xử như thế nào cho có lợi nhất trong trường hợp này? - Ts Trần Công Trục: Để có thể khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông gây phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam theo quy định của UNCLOS, ta cần phải có công tác chuẩn bị rất kỹ càng, cẩn thận về hồ sơ pháp lý, đội ngũ nhân sự, nghiên cứu, dự tính các phương án có thể xảy ra và cách đối phó chứ không hề đơn giản, dễ dàng chỉ cần tung đơn kiện là xong. Chúng ta phải chuẩn bị nội dung này ngay, không thể cứ nói kiện là kiện được mà không có sự chuẩn bị. Philippines họ đã làm rất tốt công tác nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng hồ sơ vụ kiện, thậm chí thuê cả chuyên gia pháp lý quốc tế tham mưu, tư vấn giải pháp và kế hoạch cụ thể, chi tiết. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao ta thống nhất được với nhau về chủ trương và cần phải nhận thức rõ rằng sử dụng quyền hạn pháp lý theo quy định của UNCLOS với tư cách là 1 thành viên Công ước, có quyền lợi trực tiếp tại Biển Đông đang bị vi phạm, chúng ta khởi kiện TQ áp dụng và giải thích sai UNCLOS xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của ta ở Biển Đông, điều này không có ảnh hưởng gì đến chủ trương, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với các nước, đặc biệt là với TQ. Trong vụ việc này, chúng ta khởi kiện TQ là do sự khác nhau về nhận thức và quan điểm về việc vận dụng các quy định pháp lý xung quanh yêu sách ở Biển Đông, hai bên đã nhiều lần tìm kiếm giải pháp xử lý bất đồng nhưng không đạt được kết quả nào thì việc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền là việc làm đương nhiên, một vụ kiện thuần túy, bình thường, không mang yếu tố chính trị dựa vào thế lực này để chống lại thế lực kia như một số người lo lắng hoặc suy diễn.  Đó là việc làm văn minh, đúng luật, hoàn toàn không có nghĩa là làm phức tạp vấn đề hay quốc tế hóa vấn đề như TQ vẫn tuyên truyền. Ngược lại chính việc thông qua cơ quan tài phán có thẩm quyền sẽ giúp cho vấn đề được giải quyết một cách sòng phẳng và đơn giản hơn nhiều. Chúng ta cũng cần có sự phán quyết đúng sai rõ ràng từ cơ quan tài phán quốc tế để làm căn cứ xử lý các vấn đề, chúng ta sẽ chấp nhận các phán quyết của tòa án trong khuôn khổ quy định của UNCLOS mà Việt Nam đã phê chuẩn, trở thành thành viên.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển quanh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển quanh Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
- PV: Nếu ta khởi kiện theo phân tích của Tiến sĩ, tất nhiên ta sẽ phải chấp nhận và tuân thủ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, trong đó có thể không loại trừ khả năng xảy ra trường hợp, nội dung này tòa phán quyết ta đúng, nội dung kia tòa phán quyết ta không đúng theo luật pháp quốc tế. Đặt giả thiết trong trường hợp có nội dung nào đó tòa phán quyết ta sai, theo ông lợi ích của chúng ta là gì khi lựa chọn biện pháp pháp lý bằng quyết định khởi kiện TQ? - Ts Trần Công Trục: Là một thành viên của UNCLOS, Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ những quy định của Công ước mà ta đã ký kết tham gia. Do đó khi cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền theo quy định của UNCLOS ra phán quyết, những nội dung nào chúng ta đúng, chúng ta kiên quyết bảo vệ và sẽ được luật pháp quốc tế bảo vệ.  Nhưng nếu có nội  dung nào đó chúng ta sai, chúng ta phải thừa nhận cái sai đó và việc cơ quan tài phán quốc tế chỉ ra cái sai đó cũng sẽ giúp ta giải thích rõ ràng và có sức thuyết phục đối với dư luận.  Có thể có trường hợp cụ thể nào đó trước đây do cách hiểu, cách tuyên truyền của chúng ta về một vấn đề chúng ta cho là mình đúng, hợp lý. Nhưng vì việc này liên quan đến các quy định pháp lý mà ta đã phê chuẩn và có nghĩa vụ phải tuân thủ, mà nay soi dưới lăng kính pháp lý quốc tế, cơ quan tài phán quốc tế phán quyết rằng nội dung đó sai thì rõ ràng ta cũng dễ giải thích trước dư luận về sự hiểu lầm này một cách sòng phẳng. Tôi tin dư luận hoàn toàn có thể chia sẻ điều này với chúng ta và tránh được sự bàn tán xì xào, tù mù thông tin và đổ lỗi cho người này người nọ như thực tế đã từng xảy ra. Chính điều này mới tạo ra được niềm tin, tạo ra sự đồng thuận và nhận được sự chia sẻ rộng rãi nếu như có phán quyết nào đó “bất lợi” cho ta. Ngược lại nếu chỉ tiếp tục im lặng trước các diễn biến mau lẹ và liên quan trực tiếp đến Việt Nam ở Biển Đông, ta sẽ rơi vào trạng thái tù mù. Khi mình không giữ được như những gì tuyên bố ban đầu bởi lý do nào đó thì dư luận sẽ đặt câu hỏi nghi ngờ và lên án ngay về trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà chính khách đã làm gì và tại sao lại không bảo vệ được quyền và lợi ích của Việt Nam như ta đã tuyên bố.  Nếu trường hợp này ta đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, việc giải thích mọi thắc mắc của dư luận sẽ trở nên rõ ràng, khách quan và thuyết phục bởi một bên thứ 3 hoàn toàn khách quan và làm theo luật định.  Theo tôi đó mới là chính trị, đó mới là văn minh mà không ai có thể bắt bẻ ta được khi ta đã rất cầu thị, tuân thủ luật pháp quốc tế và chấp nhận phán quyết của trọng tài, dù đúng dù sai. Do đó chúng ta cần phải nhận thức rõ và phân biệt rạch ròi giữa quan hệ chính trị và quan hệ pháp lý, tránh nhầm lẫn hay đánh đồng 2 lĩnh vực khác nhau để rơi vào trạng thái lúng túng. Cần nhấn mạnh thêm rằng, thời điểm hiện tại Tòa án Quốc tế về Luật Biển đã chỉ định Hội đồng Trọng tài 5 thành viên, cơ quan này đã bắt đầu thụ lý vụ kiện của Philippines. Việc này có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến yêu sách chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta không thể tiếp tục im lặng mà cần bắt tay ngay vào công tác hoạch định, chuẩn bị một bộ hồ sơ pháp lý chứng minh chủ quyền Biển Đông và khởi động các biện pháp pháp lý theo đúng quy định của UNCLOS.Tất nhiên đối với các bộ phận tham mưu, hoạch định chính sách họ có phải có những tính toán sao cho có lợi nhất cho Việt Nam. Tôi hy vọng rằng các cơ quan này đã có những tiếp cận đối với vấn đề và đã có công tác nghiên cứu, chuẩn bị.  Tôi mong rằng các cơ quan chức năng của ta khẩn trương và tranh thủ thời cơ, cơ hội để bảo vệ tốt nhất chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông thông qua còn đường đấu tranh pháp lý. Đó là mong muốn và là nguyện vọng tha thiết của những người đã từng làm công tác quản lý, đàm phán về biên giới lãnh thổ cũng như nghiên cứu, quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
- PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Mọi ý kiến nhận xét, đóng góp về bài viết hoặc vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc xin quý độc giả vui lòng gửi về địa chỉ doanphuc@giaoduc.net.vn, trân trọng cảm ơn!
Hồng Thủy