Từ 1/7/2021 sẽ không còn Hội đồng Nhân dân phường tại Hà Nội

27/11/2019 15:11
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chiều 27/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Theo kết quả biểu quyết, có 81,16% đại biểu đồng ý thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Kết quả biểu quyết. Ảnh chụp màn hình
Kết quả biểu quyết. Ảnh chụp màn hình

Theo đó, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như sau:

a) Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

b) Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường.

Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Như vậy, từ 1/7/2021, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại thành phố Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường, không tổ chức Hội đồng Nhân dân phường nữa.

Ủy ban nhân dân phường có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, thị xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mà Luật Đầu tư công quy định phải có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nhân dân cấp xã; tổ chức thực hiện chương trình, dự án về đầu tư công theo phân cấp quản lý;    

c) Đề xuất, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

d) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, quận, thị xã phân cấp, ủy quyền;

e) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường theo quy định của pháp luật, trừ quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 63 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, quận, thị xã; ký các văn bản của Ủy ban nhân dân phường.

Trước đó, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về cơ sở pháp lý - chính trị của việc thực hiện thí điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một trong những chủ trương lớn của Đảng hiện nay là đẩy mạnh cải cách để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã khẳng định: “Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”.

Để tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) đã đề ra nhiệm vụ “tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”.

Trên cơ sở đó, theo đề nghị của Thành ủy thành phố Hà Nội, Bộ Chính trị đã phê duyệt Đề án thí điểm quản lý theo mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Căn cứ vào Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xin phép Quốc hội cho thực hiện thí điểm việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội để có cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm.

Nghị quyết trên cũng quy định theo hướng không mở rộng phạm vi các đơn vị thực hiện thí điểm tại thành phố Hà Nội trong suốt quá trình thực hiện Nghị quyết.

Như vậy, một số quận, phường Hà Nội dự kiến thành lập thêm sẽ không thực hiện thí điểm.

Đỗ Thơm