Từ sai phạm của ông Trần Văn Nam: Cơ chế nào để chặn cán bộ "nhúng chàm"?

31/07/2021 07:41
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Lê Nam cho rằng: “Cơ chế giám sát, vận hành, kiểm soát quyền lực của chúng ta có quá nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những người đứng đầu địa phương”.

Sai phạm có sự tham gia của nhiều cán bộ là rất đau xót

Vừa qua, ngày 27/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo Điều 219 Bộ Luật Hình sự 2015 khi mở rộng điều tra sai phạm đất đai xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).

Trước đó, ông Trần Văn Nam đã bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cách tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2021 trong tháng 7/2021.

Ông Trần Văn Nam chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.

Cá nhân ông Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước tại Tổng Công ty 3/2, buông lỏng lãnh đạo; chỉ đạo hợp thức hóa tài liệu để che giấu vi phạm…

Đáng nói là sai phạm này được thực hiện trong một thời gian rất dài, từ khi ông Trần Văn Nam còn là Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Dương.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về công tác quy hoạch, quản lý và kiểm soát quyền lực cán bộ trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay liệu có thật sự rõ ràng, chặt chẽ?

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Lê Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: quochoi.vn)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với những ý kiến khách quan về vấn đề này, ông Lê Nam (Đại biểu Quốc hội khóa XIII), cho biết: "Nội dung vi phạm và tính chất vụ việc vi phạm xảy ra tại Tỉnh ủy Bình Dương vừa qua rất nghiêm trọng. Đây là vi phạm kéo dài của cả một tập thể do nhiều người cùng thực hiện và đáng buồn bởi đây đều là những người có địa vị, chức tước tại Bình Dương.

Điều đó cho thấy rằng, cơ chế giám sát, vận hành, kiểm soát quyền lực của chúng ta có quá nhiều vấn đề, đặc biệt đối với những người đứng đầu địa phương.

Chúng ta xây dựng cơ chế là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chính, nhưng thực tế là lãnh đạo cao nhất tại một địa phương mà không trong sáng, có động cơ, ý đồ xấu thì có thể qua vận hành cơ chế tập thể để thực hiện lợi ích cá nhân.

Đây là câu chuyện không chỉ xảy ra tại Bình Dương mà đã xảy ra ở nhiều nơi”.

Ông Lê Nam chỉ rõ, năm nào cũng kiểm soát bằng đánh giá, bằng bình bầu, phân loại từ Chi bộ, Đảng bộ... và đây là chuỗi đánh giá rất dài, qua rất nhiều người, nhiều cấp. Riêng Chi bộ đã có đánh giá theo tháng, theo quý, theo năm.

“Tuy nhiên khi sai phạm liên quan tới nhiều lãnh đạo đứng đầu địa phương bị phanh phui thì chúng ta thấy rằng việc đánh giá cán bộ ở nhiều nơi chỉ là hình thức, qua loa, không đến nơi đến chốn và chưa phát huy hiệu quả vai trò tập thể.

Có những sai phạm chúng ta phát hiện, xử lý khi có thông tin từ nội bộ tổ chức ấy, nhưng trường hợp này rất ít bởi chủ yếu là lấy lòng, vuốt ve, bỏ qua khuyết điểm của nhau. Đó là điều rất đáng buồn nhưng thực tế đang diễn ra như vậy", ông Nam bày tỏ.

Để ngăn chặn tình trạng cán bộ bao che cho sai phạm của nhau dẫn tới tha hoá, suy giảm uy tín tổ chức, ông Lê Nam cho rằng phải thật sự coi trọng vai trò tham gia giám sát của nhân dân.

“Chúng ta phải dựa vào nhân dân, bám vào nhân dân để thực hiện quyền giám sát. Nhân dân là những người sát nhất với đời sống của cán bộ, họ biết hết từ tài sản, quan hệ, thực hiện nhiệm vụ, thực lực… nhưng chưa tham gia được vào quá trình kiểm soát quyền lực, đấu tranh với những hành vi sai trái, giúp cho Đảng, Nhà nước loại bỏ những phần tử xấu này. Vậy cơ chế nào để nhân dân có thể làm được điều đó?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Lấy thí dụ điển hình như việc sai phạm của ông Trần Văn Nam, ông Lê Nam cho rằng không thể nào cán bộ sai phạm liên quan tới diện tích đất đai như vậy mà nhân dân không biết. Đó là chưa nói đến các cơ quan khác tại địa phương như công an, cơ quan kiểm tra đảng, cơ quan thanh tra… Làm thế nào mà bộ máy có bao nhiêu cơ quan giám sát tại địa phương lại không phát hiện ra sai phạm trong nhiều năm?

“Là không phát hiện ra hay dung túng, a dua, làm ngơ? Nếu như cả một hệ thống, tập thể cùng như vậy thì nhân dân biết cũng không thể đấu tranh được”, ông Nam khẳng định.

Qua câu chuyện của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ông Lê Nam thấy nổi cộm hai vấn đề:

Thứ nhất, đang tồn tại nhiều khoảng trống cho những người lợi dụng danh nghĩa Đảng, danh nghĩa tập thể, để trốn được, núp được, lôi kéo, tha hóa tổ chức.

Thứ hai, dân biết nhưng chưa có cơ chế nào cho người dân thật sự tham gia ngăn chặn cán bộ sai để bảo vệ Đảng.

Công tác cán bộ của chúng ta những năm gần đây đã có những đổi mới, các quy trình được bổ sung thêm trong từng khâu quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bổ nhiệm, giới thiệu… tuy nhiên trên thực tế vẫn có những người không xứng đáng lọt vào hàng ngũ lãnh đạo.

Ông Lê Nam cho rằng: “Chúng ta luôn nhìn thấy báo cáo thực hiện đúng quy trình, thế nhưng quy trình đúng mà cả họ vẫn làm quan, quy trình đúng nhưng vẫn ‘con cháu các cụ cả’, quy trình đúng hết nhưng vẫn phạm tội rồi mãi sau này mới phát hiện ra.

Những vụ việc vừa rồi nếu không có sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì làm sao phát hiện ra sai phạm, mặc dù ở địa phương thì ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng người ta toàn bỏ qua hết, lướt qua hết để được lợi ích, được lên các vị trí quyền lực.

Rõ ràng công tác cán bộ ở đây phải xem lại, phải làm sao để lựa chọn đào tạo, để đề bạt bổ nhiệm, phải thật sự công khai, minh bạch và có tính cạnh tranh lành mạnh.

Chúng ta phải có cơ chế khuyến khích người tài, trong sạch và thật sự có tâm tham gia vào bộ máy. Phải làm thế nào để nhân dân tham gia và quy định cụ thể là tham gia theo quy chế nào. Phải phát huy vai trò của người dân thì chúng ta mới có thể làm được những việc trọng đại của quốc gia, trong đó có công tác giám sát”.

Nâng cao bản lĩnh chính trị tại địa phương

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Ngọc Quang)

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Ngọc Quang)

Là một trong những người quan tâm đến công tác nhân sự của đất nước, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Vụ việc tại Tỉnh ủy Bình Dương được xem là bài học đắt giá cho các địa phương về quản lý cán bộ và kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay.

Vấn đề nổi cộm nhất theo tôi là việc thực thi các quy định pháp luật. Công tác kiểm soát những việc được làm và không được làm của cán bộ tại địa phương thực hiện quá lỏng lẻo, tạo ra những kẽ hở cho cán bộ lợi dụng quyền lực thực hiện các hành vi sai phạm".

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, ở đây không chỉ riêng cựu Bí thư Trần Văn Nam mà nhiều cán bộ có chức vụ trong bộ máy chính trị tại Bình Dương đã tham gia, cùng thực hiện, bao che cho sai phạm.

Như vậy, đây là sai phạm tập thể và cố tình sai phạm. Điều đó thật sự rất nguy hiểm, dẫn tới các hệ lụy lâu dài, làm sâu mọt, mục ruỗng, tha hóa cán bộ đất nước.

“Cho dù sai phạm từ người đứng đầu là ông Trần Văn Nam thì cũng phải đặt ra câu hỏi: Quyền đấu tranh, phê bình và tự phê bình của tập thể cán bộ ở đâu?

Sai phạm nghiệm trọng như vậy không thể che giấu được. Nếu nhận thấy đồng chí lãnh đạo sai thì các đồng chí còn lại phải có sự góp ý, phản đối. Nhưng thay vì thế họ cùng đồng lòng, đồng lõa, đồng tình để sai phạm xảy ra. Đây là vấn đề đáng báo động”, ông Bảo cho hay.

Mặc dù Quốc hội năm nào cũng bám sát vào đời sống để ra các văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí có những văn bản ra rất nhanh chóng để điều chỉnh các hành vi trong đời sống. Thế nhưng có những quy định vẫn chưa theo kịp với dòng chảy thực tế.

Ông Bảo nói: "Trên thực tế, hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn còn những điểm chồng chéo. Nhưng nếu có vướng mắc thì phải tìm cách tháo gỡ để phát triển với mục đích tốt đẹp, điều đó hoàn toàn khác với chuyện lợi dụng lỗ hổng pháp luật để cố ý làm trái, tìm lợi ích riêng.

Trách nhiệm của lãnh đạo là phải biết và làm việc trên nguyên tắc đúng pháp luật, đúng quy định của nhà nước”.

Từ sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương, ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị phải xem xét lại công tác kiểm soát quyền lực, rà soát lại những lỗ hổng của quy định, quy phạm pháp luật cũng như thực thi pháp luật tại các địa phương. Vụ việc Tỉnh ủy Bình Dương cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác quản lý cán bộ, kiêm soát quyền lực tại các địa phương khác.

Ông Bảo nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không quản lý tốt, không kiểm soát quyền lực tốt thì quốc gia không chỉ tổn thất về tài sản, mà còn mất đi niềm tin của nhân dân và mất dần những cán bộ vốn dĩ có năng lực nhưng bị cuốn vào vòng xoáy tha hóa của quyền lực. Đó mới chính là những mất mát to lớn!".

Cao Kim Anh