Tướng Thước: “Quan chức không thể được ưu ái hơn dân thường”

04/08/2016 12:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: "Đừng làm những việc để con cháu sau này phải xấu hổ, không dám ngẩng mặt lên với người đời”.

Người dân cần sự công bằng

Sự việc ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cộng sự được “liên ngành tư pháp Trung ương” đề nghị không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dù xác định có liên quan tới sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, gây hậu quả nghiêm trọng, đã gây ra phản ứng trong dư luận.

Theo kết quả điều tra bổ sung, từ thời điểm năm 2004, các thành viên của HĐQT Vinaconex gồm: Ông Phí Thái Bình - Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là các ủy viên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

Cụ thể là quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng;

Lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm để cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm cung cấp không đảm bảo chất lượng khiến công trình xây dựng liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng gây hậu quả nghiêm trọng.

Không những vậy, chi phí bỏ ra để sửa chữa đường ống tạm tính đến lúc này là hơn 13 tỷ đồng. Số tiền đó lấy từ đâu ra, nếu không phải là từ tiền thuế của dân?

Dù xác định “gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng một số người có liên quan, trong đó có ông Phí Thái Bình lại được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không có dấu hiệu vụ lợi...

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trước thông tin này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, đã kết luận là sai phạm nghiêm trọng mà lại không khởi tố với lý do “nhân thân tốt” và “phạm tội lần đầu” là không hợp lý.

“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và ngay trong luật cũng đã có các điều khoản quy định rõ khi xét tới tình tiết giảm nhẹ nhờ nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, thái độ hợp tác tốt... nhưng không thể vin vào những lý do này để bảo rằng miễn truy tố.

Nếu xử lý theo kiểu ấy thì liệu có công bằng với những người khác không? Nếu xử lý như thế thì sau này còn nhiều vụ khác người ta cũng lấy lý do tương tự, thế thì làm sao còn phép nước nữa”, Tướng Thước bình luận.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị, bất cứ ai dù có là quan chức khi mắc sai phạm cũng phải xử lý nghiêm minh. ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề nghị, bất cứ ai dù có là quan chức khi mắc sai phạm cũng phải xử lý nghiêm minh. ảnh: Giáo dục Việt Nam.

Trước sự phản ứng dữ dội của dư luận, Viện KSND Tối cao đã giao cho Vụ 3 xem xét vụ việc "không khởi tố lãnh đạo Vinaconex", với lý do hết sức rõ ràng là "Việc không khởi tố các đối tượng này không được dư luận đồng tình và tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự".

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ sự đồng tình với chỉ đạo này của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và nêu quan điểm: “Liên ngành tư pháp chỉ nên tổ chức ở những trường hợp thật sự đặc biệt, thí dụ có yếu tố ngoại giao và cần xem xét kỹ lưỡng, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Tướng Thước: “Quan chức không thể được ưu ái hơn dân thường” ảnh 2

“Liên ngành tư pháp là một tổ chức siêu quyền lực vi hiến"

Còn đối với các vụ án thông thường thì không thể lạm dụng việc này, bởi vì Tòa án – Viện Kiểm sát – Cơ quan điều tra phải hoạt động độc lập.

Viện Kiểm sát phải giữ cho được vai trò đúng nghĩa là giám sát hoạt động điều tra và xét xử. Tòa án là nơi đưa ra phán quyết cuối cùng, cũng phải xét xử trên hồ sơ, độc lập hoàn toàn với hai cơ quan còn lại.

Nếu ba cơ quan này cùng họp bàn với nhau từ đầu thì có khác nào đã chấm án dù chưa xử. Mà trong trường hợp này thì kết luận điều tra đã nói rõ là sai phạm nghiêm trọng, hậu quả cũng đã được xác định là ảnh hưởng tới đời sống của 177.000 hộ dân và chi phí bỏ ra tới giờ được xác định là hơn 13 tỷ đồng.

Vậy thì trách nhiệm của những người để xảy ra hậu quả thiệt hại nghiêm trọng xác định thế nào?

Dân thường ăn trộm con chó, con mèo, cái bánh mỳ... thì bị bắt giam, khởi tố. Thế còn quan chức vi phạm thì lại được lờ đi với những lý do hết sức đơn giản như vậy thì làm sao dân tin vào cơ quan pháp luật được”.

Không minh bạch, làm sao dân tin?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ, ông hoàn toàn ủng hộ những chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư trong thời gian qua tập trung chấn chỉnh công tác cán bộ, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng liên tục yêu cầu phải tập trung vào nhiệm vụ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, nói không với tiêu cực, nhũng nhiễu.

Và ngay trong phiên họp chính phủ đầu tháng 8 này, Thủ tướng tiếp tục đưa ra một thông điệp rất mạnh mẽ nữa, đó là “Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành mình, trong đó, cần phải chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”.

Tướng Thước: “Quan chức không thể được ưu ái hơn dân thường” ảnh 3

Phải chỉ rõ ai ở "liên ngành tư pháp" đã "tha" cho ông Phí Thái Bình và cộng sự?

Tướng Thước bình luận: “Những nỗ lực của đồng chí Tổng Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ được nhân dân hết lòng ủng hộ và chắc chắn sẽ huy động được sức mạnh từ toàn dân đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn.

Nhưng lâu nay trong xã hội đã tồn tại quá nhiều những bất công, tiêu cực, vì vậy hơn lúc nào hết các cơ quan thực thi công vụ phải lấy lợi ích của nhân dân, của quốc gia làm trọng.

Người xưa đã dạy ‘quân pháp bất vị thân’, nếu không xử lý được cán bộ vướng vào sai phạm thì niềm tin trong nhân dân tiếp tục suy giảm, gây mất đoàn kết, đó là mầm mống gây ảnh hưởng xấu tới an ninh quốc gia”.

Dẫn ra quan điểm của Tổng Bí thư khi xử lý cán bộ không có vùng cấm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Mọi tổ chức được lập ra đều phải đáng ứng được chỉ đạo của Đảng là phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc.

Người lãnh đạo ở chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, thấy sai phải biết nhận sai, phải biết xin lỗi nhân dân. Nhưng xem ra lâu nay có quá ít lãnh đạo dám thẳng thắn nhận cái sai về mình.

Thậm chí, khi xảy ra sai phạm rành rành mà còn tìm cách đổ lỗi loanh quanh, chối bay chối biến. Nhưng chối cãi làm sao được, dân người ta biết cả đấy chứ”.

Là một người lính cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, nhiều lần vào sinh ra tử, rồi sau này khi trở thành một vị dân biểu trong Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước luôn rất khẳng khái trong từng phát biểu, mà đối với chính ông là “không có vùng cấm”.

Sở dĩ ông phát biểu thẳng thắn và không ngại đụng trạm là vì luôn cảm thấy trách nhiệm với nhân dân lớn hơn tất cả.

Ông nói: “Đảng ta ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng đã xác định đúng đắn đường lối cách mạng, tất cả vì quyền lợi của nhân dân chứ không có mục đích nào khác, chính vì thế mà nhân dân tin Đảng. Chặng đường 86 năm qua với biết bao thăng trầm đã minh chứng cho điều đó.

Nhưng nhìn lại lịch sử dân tộc ta và nhiều quốc gia khác cũng vậy, nếu như mục tiêu tốt đẹp đã được lựa chọn lại bị bào mòn bằng chính lối hành xử của cán bộ thì sẽ đến một ngày suy kiệt niềm tin.

Thời đại nào cũng thế, quốc gia nào cũng vậy, đều phải lấy dân làm gốc, đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mục đích lý tưởng tốt đẹp của Đảng ta.

Vì vậy, tôi mong các lãnh đạo học tập tấm gương của Bác, nhưng cũng phải làm được theo Bác. Phải trọng dân, nghe dân, hành xử minh bạch thì mới được nhân dân tin yêu, quý trọng. Đừng làm những việc để con cháu sau này phải xấu hổ, không dám ngẩng mặt lên với người đời”.

Ngọc Quang