Ứng xử sai lầm của lãnh đạo có thể giết chết một con người?

30/01/2015 08:38
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - PGS.TS Trịnh Hòa Bình: "Con người ta vẫn còn có khả năng sửa chữa, đâu phải ai dính đến bùn một lần là cũng không rũ sạch được đâu".

Có rất nhiều lý giải cho việc con người hành xử dại dột – tự kết liễu cuộc sống của mình. Nhìn từ góc độ tâm lý học thì đó là biểu hiện trầm cảm hay thiếu hiểu biết, thiếu tự tin vào chính bản thân… nhưng vì sao trong số ấy lại có cả những người có địa vị trong xã hội? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia xã hội học – PGS.TS Trịnh Hòa Bình để làm rõ hơn vấn đề này.

Thưa ông, vì sao một số trường hợp quyên sinh khi đang có địa vị trong xã hội

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Việc nảy sinh những hành động tạm gọi là “dại dột” hoàn toàn có thể xảy ra với tất cả mọi người. Sở dĩ một người nào đó khi đối diện với áp lực và không lựa chọn hành vi “dại dột” là bởi vì họ còn có một lớp vỏ cứng bên ngoài mà ta quen gọi là “bản lĩnh”. Những lúc quẫn trí ấy họ vẫn nghĩ về mối liên hệ giữa họ với cuộc sống, với những người thân, thậm chí là với những việc làm còn dang dở… thành ra họ sẽ chọn cách sống tích cực để xua đi cái tiêu cực vừa mới nhen nhóm.

Thực ra trong số những trường hợp đã lựa chọn cái chết thì không phải trường hợp nào cũng yếu mềm hay thiếu hiểu biết. Đối với nhóm trí thức, thậm chí kể cả nhân tài thì cũng đã từng xảy ra chuyện khi người ta bế tắc đến mức tuyệt vọng thì tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Nhưng hành động ấy của họ là một kiểu phủ định đời sống đang diễn ra bên ngoài họ. Họ không thừa nhận đời sống, không hòa được vào dòng chảy của đời sống cho nên họ lựa chọn cái chết. Trong trường hợp này, họ mắc phải lỗi tư biện, tức là suy nghĩ đơn thuần mà không dựa vào kinh nghiệm thực tiễn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: " Kỷ luật cấp dưới cũng rất cần ứng xử tâm lý".
PGS.TS Trịnh Hòa Bình: " Kỷ luật cấp dưới cũng rất cần ứng xử tâm lý".

Như vậy quyết định dại dột ấy sẽ chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn và nếu vượt qua được khoảnh khắc ấy thì có lẽ họ không còn hành động dại dột nữa

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Điều ấy thì đúng với đa số, nhưng còn một nhóm nhỏ vẫn có thể giữ nguyên lựa chọn ấy kể cả khi họ được chọn nhiều lần, bởi vì họ mắc lỗi “tư biện” và luôn bị ám ảnh rằng chỉ suy nghĩ của cá nhân mình mới đúng.

Ở góc độ phân tích này, chúng ta lý giải được vì sao có rất nhiều người thông minh, thậm chí một số người người có trí tuệ siêu việt lại lựa chọn cái chết.

Đương nhiên là tự tử nhìn ở bất kỳ góc độ nào của những người còn sống thì cũng là một hành động “dại dột”, rằng dù sao cũng cần phải sống để khẳng định giá trị bản thân, để sửa sai, thậm chí cả để trả thù… Thế nhưng đó là lý thuyết mà lúc tỉnh táo thì ai cũng nói được như vậy, nhưng khi rơi vào những hoàn cảnh cụ thể thì họ vẫn cứ lựa chọn sai lầm, bởi nó không đơn thuần chỉ là sự mụ mị mà theo logic nội tại lúc bấy giờ thì họ thấy tuyệt vọng.

Người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đều rất trọng danh dự, cho nên ngày xưa các cụ ta đã có câu “lời nói đọi máu”, đôi khi chỉ vì vài lời nói cũng có thể khiến con người ta hành xử dại dột. Điều đó cho thấy ứng xử của người lãnh đạo với lỗi lầm của cấp dưới (nếu có) cũng rất quan trọng, thưa ông?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Con người ta vẫn còn có khả năng sửa chữa, đâu phải ai dính đến bùn một lần là cũng không rũ sạch được đâu, vì vậy người lãnh đạo kỷ luật cấp dưới cũng rất cần ứng xử tâm lý, chứ không phải thì nói thế nào thì nói, thích làm thế nào thì làm. Việc ứng xử tế nhị cũng sẽ mang lại cảm giác dễ chịu cho cấp dưới, cho dù họ có bị kỷ luật, mà chúng ta quen nói là “tâm phục khẩu phục”.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp những ứng xử của người lãnh đạo nhìn từ bên ngoài thì nhiều người nghĩ họ đang nhân danh công việc chung, vì lợi ích chung, nhưng thực chất là họ đang hành xử vì mục đích cá nhân, vì lợi ích riêng, cho nên lời nói và hành động có tính chất áp đặt, ép buộc cấp dưới phải thực hiện. Khi rơi vào những hoàn cảnh như vậy, cấp dưới sẽ thấy bức xúc nhưng không thể chia sẻ, bày tỏ được, lâu ngày sẽ dẫn tới ảnh hưởng xấu tới tâm lý.

Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)