Vì sao Hà Nội lại quy hoạch trường học trên đất nghĩa trang, ao đình?

05/07/2017 14:41
Trinh Phúc
(GDVN) - "Các chủ đầu tư chỉ chú trọng xây nhà để bán mà không quan tâm đến việc xây dựng trường học, nhà văn hóa đang là bất cập lớn trong phát triển đô thị ở Hà Nội".

Ngày 5/7, tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội khóa 15 đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến quy hoạch đô thị và điều chỉnh quy hoạch hiện nay.

Một vấn đề cử tri bức xúc là nhà cao tầng mọc lên nhiều nhưng thiếu trường học, nhà văn hóa cộng đồng.

Chủ đầu tư không chấp hành đúng với quy hoạch, phớt lờ quy hoạch, không đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội mà chăm chăm xây nhà để bán trở thành nghịch cảnh của phát triển đô thị tại Hà Nội.

Thậm chí, có quy hoạch trường học đưa nhà trường, nhà văn hóa vào các vị trí khó giải phóng mặt bằng như quy hoạch trường học trên ao đình của làng, trên nghĩa trang.

Đơn cử, như khu nhà ở Bắc Linh Đàm và Tây Linh Đàm (Hoàng Mai) của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - HUD, quy hoạch 6 trường học trên khu ao đình nên gần 20 năm đã qua nhưng quy hoạch trường học vẫn là cái áo làng.

Hay như khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm Hà Nội đưa vào hoạt động 7 năm nhưng mới xây dựng được một trường mầm non, còn 3 trường nữa trong quy hoạch chưa xây.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội - ông Lê Vinh (ảnh Trinh Phúc).
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội - ông Lê Vinh (ảnh Trinh Phúc).

Giải trình những thắc mắc của cử tri, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trức Hà Nội cho rằng, các khu đô thị mới luôn được thiết kế đầy đủ về hạ tầng. Ở đây, thiếu là do quá trình triển khai thực hiện.

Các chủ đầu tư chỉ chú trong xây dựng nhà ở hơn là cơ sở hạ tầng xã hội. Cái này phổ biến trong việc xây dựng các đô thị mới.

Ở quận Cầu Giấy, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân… trong quá trình thiết kế thì về mặt tỉ lệ tính trên đầu dân số theo quy hoạch là đủ nhưng thực tế lại thiếu.

Vì sao Hà Nội lại quy hoạch trường học trên đất nghĩa trang, ao đình? ảnh 2Tăng tiền cho giáo dục để thực hiện chương trình phổ thông mới

Vì, tỉ lệ trường công và trường xã hội hóa rất chênh lệch, người dân thích học trường công nên áp lực trường công là rất lớn.

Tôi lấy ví dụ như ở quận Cầu Giấy chỉ có 15 trường mẫu giáo công trên tổng số 51 trường mẫu giáo. Nam Từ Liêm có 11 công mẫu giáo trên tổng số 47 trường mẫu giáo.

Ở khu vực nội đô đang thiếu đất để phát triển nhà trẻ, trường học. Nguyên nhân là do quá trình lịch sử để lại.

Về giải pháp, theo ông Lê Vinh thì đối với các khu đô thị mới sẽ yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khu nhà trẻ, trường học đã có trong quy hoạch.

Đối với các khu đô thị mới cấp phép, phải bắt buộc các chủ đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì mới cho xây nhà ở.

Đối với khu vực đang cải tạo trong thành phố, đề nghị cho phép xây nâng tầng từ 3 tầng lên 4 đến 5 tầng. Dành 3 tầng dưới tổ chức lớp học còn các tầng trên là nơi đặt phòng, ban của nhà trường.

Thành phố cũng có lập quỹ đất khi di dời các cơ sở gây ôi nhiễm trong nội thành để làm nhà trẻ, trường học.

Vì sao Hà Nội lại quy hoạch trường học trên đất nghĩa trang, ao đình? ảnh 3Chi hàng trăm tỷ đồng lập quy hoạch nhưng kiến trúc Hà Nội vẫn bị… “băm nát”

Ngoài ra, trong việc cải tạo chung cư cũ cũng tính toán cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ đáp ứng nhu cầu của dân cư tại chỗ mà còn gánh thêm khu vực xung quanh.

Ông Lê Vinh cũng giải thích thêm: “Vừa rồi, quy hoạch đưa trường học, nhà trẻ vào các khu vực khó giải phóng mặt bằng, ví dụ như nghĩa trang, ao đình.

Khi triển khai gặp khó khăn trong di chuyển nghĩa trang nên trong quá trình đó đã có sự điều chỉnh”.

Vấn đề điều chỉnh quy hoạch cũng được các đại biểu quan tâm chất vấn như, đại biểu Đoàn Việt Cường cho rằng: “Có tình trạng điều chỉnh tăng chiều cao công trình như tại khu đô thị Dịch Vọng, Mễ Trì 2,  Mỹ Đình 2 nhưng không thấy điều chỉnh về cơ sở hạ tầng. Vậy Sở có biện pháp nào để khắc phục sự quá tải về cơ sở hạ tầng”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (ảnh Trinh Phúc).
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (ảnh Trinh Phúc).

Hay đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Điều chỉnh quy hoạch phải tuân thủ các quy hoạch phân khu nhưng trên thực tế có những điều chỉnh quy hoạch lại không thực hiện đúng quy hoạch chung.

Việc tăng dân cư là do điều chỉnh quy hoạch khu đô thị trong vùng lõi. Có phường trong hai năm tăng dân số gấp đôi như phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Việc điều chỉnh một loạt nhà cao tầng không tuân thủ quy hoạch, không có căn cứ điều chỉnh, rất nhiều các dự án điều chỉnh không có căn cứ.

Vậy, sau đây đồng chí tham mưu với lãnh đạo Thành phố như thế nào để giải quyết tình trạng trên”.

Với những câu hỏi đi vào các vấn đề mà cử tri quan tâm như trên, ông Lê Vinh chưa trả lời hết trong buổi chất vấn.

Được biết, vấn đề quy hoạch thành phố là một vấn đề được nhiều đại biểu bấm nút yêu cầu được tranh luận nhưng chưa có điều kiện để phát biểu.

Được biết, vấn đề này sẽ được chất vấn thêm tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố vào cuối năm.

Trinh Phúc