Xu hướng phát triển của các loại xe tăng hiện đại

09/12/2011 20:29
Trịnh Xuân Tuân (Tổng hợp)
(GDVN) - Các xe tăng hiện đại đều có những tính năng siêu việt và những hạn chế. Vậy thì xu hướng phát triển của các xe tăng này sẽ ra sao?

Challenger của Anh, T-90 của Nga, M1A1 của Mỹ, Leopard 2A6 của Đức, và Merkava MK4 của Israel hiện đang được đánh giá là những xe tăng hiện đại nhất thế giới.

Xe tăng Challenger “Kẻ thách thức”

Xe tăng chủ lực Challenger  thuộc dòng xe tăng thế hệ thứ 3 sau chiến tranh và chỉ trang bị cho riêng quân đội Anh. Challenger gia nhập quân đội năm 1983. Sau đó, từ giữa những năm 90, lực lượng vũ trang Anh tiếp nhận thêm Challenger 2 là biến thể cải tiến của Challenger. Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, Challenger đã chứng tỏ khả năng chiến đấu siêu việt của mình.

Xe có khối lượng chiến đấu 62 tấn, sử dụng động cơ CV12 TCA Condor 1200 mã lực, tốc độ tối đa 56km/h. Trang bị chính của xe tăng gồm pháo chính 120 mm nòng rãnh xoắn L11A5 và 2 súng máy 7,62mm.

Challenger bọc giáp Chobhem là loại giáp gồm các lớp thép, gốm chịu nhiệt và các lớp hợp kim ghép lại với nhau. Chobham có khả năng vô hiệu hoá các loại đạn lõm, tên lửa chống tăng bằng kết cấu “tổ ong” làm luồng xuyên bị mất năng lượng và bị triệt tiêu.

Xe tăng M1A1

M1A1 do hãng General Dynamics của Hoa Kỳ sản xuất năm 1985 và là là biến thể của xe tăng M1 Abrams.

M1A1 có khối lượng chiến đấu 57,2 tấn, tốc độ lớn nhất 66,77km/h, được trang bị pháo nòng trơn (đạn biên chế 40 viên), súng máy 7,62 mm, súng máy phòng không 12,7 mm, vỏ được tăng cường lớp hợp kim có thành phần uran nghèo.

Với ưu tiên thiết kế hàng đầu là bảo vệ tố lái, M1A1 là một trong những loại xe tăng an toàn nhất thế giới ngay cả khi giáp xe không cản nổi đạn của đối phương.

Xe tăng T-90

Xe tăng chiến tranh chủ lực T-90 là loại hiện đại nhất của quân đội Nga, được sản xuất với số lượng ít vào năm 1993 và chính thức phục vụ trong quân đội Nga năm 1995, dựa trên kiểu mẫu đầu tiên được gọi là T-88.

T-90 có trọng lượng 46,5 tấn, tốc độ 70 km/h, sử dụng động cơ diesel V-84MS, 12 xi-lanh có công suất 840 mã lực, được trang bị pháo nòng trơn 125mm, 1 súng máy đồng trục PKT 7,62 mm và 1 súng máy phòng không Kord 12,7mm. Vỏ giáp T-90 là giáp thế hệ thứ ba, làm bằng chất liệu tổng hợp gồm nhiều lớp kim loại và gốm, được đánh giá là một tuyệt tác của các chuyên gia quân sự Nga.

Xe tăng Leopard 2A6

Leopard 2A6 là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Cộng hoà Liên bang Đức. Bắt đầu khởi thảo thiết kế vào năm 1970 nhằm thay thế cho loại Leopard 1, tăng Leopard 2 được sản xuất hàng loạt vào năm 1979 với kiểu 2A4 có vỏ thép trên tháp dạng tấm phẳng thẳng đứng.

Kiểu 2A6 là thế hệ tiếp theo của loại 2A5, có 62,3 tấn, tốc độ tối đa 72km/h, sử dụng động cơ diesel turbo đa nhiên liệu MTU MB 873 Ka-501 công suất 1500 mã lực. Leopard 2A6 được trang bị giáp module, pháo nòng trơn 120mm  được kéo dài thêm 1,35m và 2 súng máy 7,62mm.

Xe tăng Merkava Mk4 “Vua Lục quân”

Mk4 đã được khởi công chế tạo vào tháng 8 năm 1970 do nhóm các kỹ sư tăng thiết giáp của Israel phụ trách và mới được chính thức biên chế từ năm 2004.

Nhờ hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, lại được trang bị giáp phòng hộ tích cực nên xe tăng Merkava Mk4 của Israel được mệnh danh là “Vua Lục quân”.

Mekava Mk4 được trang bị giáp phản ứng nổ và phòng hộ tích cực Trophy ở phía trước và hai bên sườn. Động cơ diesel 12 xi-lanh, công suất 1500 mã lực, trọng lượng 65 tấn, được trang bị pháo 120-mm.

Trong cuộc đua giành ngôi vị số 1 thế giới giành cho các phương tiện tác chiến mặt đất mà hàng năm cơ quan phân tích quân sự danh tiếng của Mỹ Forecast International vẫn tiến hành thì xe tăng Merkava Mk4 của Israel đã xuất sắc vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh nặng ký như xe tăng Leopard của Đức hay T-90 của Nga về đặc tính tác chiến để giành ngôi vị quán quân thế giới.

 Xu hướng phát triển

Xe tăng Mỹ và Israel được trang bị hệ thống điện tử hoàn thiện, nhưng chúng có khối lượng và kích thước quá lớn. Xe tăng của Đức đặc biệt là Leopard 2A6 có ưu điểm hơn các xe khác về lớp vỏ giáp, nhưng khả năng có động kém và khó di chuyển trên đường đất mềm.

Xe tăng của Nga có sức mạnh hơn về hỏa lực, có lớp vỏ giáp tốt (đặc biệt là ở phần đầu), được trang bị tên lửa điều khiển, phóng qua nòng pháo, cho phép phạm vi tác chiến lớn hơn hẳn các xe tăng khác cùng thế hệ. Tuy nhiên, xe tăng Nga bị chỉ trích là điều kiện làm việc của kíp chiến đấu không được tiện nghi và hệ thống điện tử thường lạc hậu hơn.

Các nhà thiết kế xe tăng tương lai có xu hướng đưa ra những mẫu xe tăng mới với tính năng ưu việt hơn các loại đã có, cố gắng tích hợp trong mẫu mới với tất cả các ưu điểm của các loại xe đã có như điều khiển linh hoạt, hỏa lực mạnh, lớp giáp phản ứng nổ, khả năng cơ động cao, hệ thống truyền động tốt, điều kiện làm việc thuận lợi cho kíp chiến đấu, trang thiết bị điện tử hiện đại.

Theo các chuyên gia, xe tăng thế hệ mới sẽ là xe được chế tạo theo sơ đồ phi tiêu chuẩn bằng cách sử dụng các giải pháp công nghệ phi tiêu chuẩn – không có tháp pháo, sơ đồ bố trí giáp bảo vệ cũng thay đổi, tập trung chính cho khoang điều khiển.

Pháo của xe dự kiến là loại 120 -125 mm hoặc 140-150 mm. Bản thân pháo cũng có nhiều thay đổi cơ bản…Nói chung, theo các chuyên gia quân sự, xe tăng vẫn luôn là loại vũ khí mạnh, cơ động và đa năng, là cơ sở của các sư đoàn bộ binh cơ giới. Chúng luôn là sức mạnh của quân đội và là “nắm đấm thép” của Lục quân các nước trên thế giới.

Trịnh Xuân Tuân (Tổng hợp)