Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, các trường trung học phổ thông tại tỉnh Hoà Bình đang tổ chức ôn tập bám sát theo chương trình và đề thi tham khảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Trong quá trình ôn tập cũng chú trọng phân loại học sinh khối 12 theo năng lực học phù hợp, giúp các em nắm vững kiến thức, tự tin trước khi bước vào kỳ thi.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác ôn luyện trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô Bùi Thị Thu Nga (Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hoà Bình) cho biết, nhà trường có 95% học sinh là người dân tộc thiểu số, còn lại là học sinh dân tộc Kinh ở những vùng khó khăn.
Đánh giá về năng lực học tập, cô Nga cho biết, các em học sinh luôn có ý thức, nỗ lực học tập. Về phía nhà trường cũng duy trì chất lượng dạy và học bền vững. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh trong trường những năm qua luôn ở mức cao.
“Năm học trước nhà trường có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau tốt nghiệp, có những em lựa chọn học đại học, có em lựa chọn học nghề.
Năm nay, trường cũng tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 ngay từ đầu học kỳ 2 với những chuyên đề tốt nghiệp, duy trì cho đến trước thời điểm diễn ra kỳ thi chính thức”, cô Nga cho hay.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, sau khi có bộ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã phân tích và cho làm thử đề, giúp các em hình dung, làm quen cấu trúc đề thi.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng có văn bản thông báo về việc tổ chức thi thử 2 đợt với học sinh khối 12 trên toàn tỉnh (tháng 4 và tháng 5), đồng thời khuyến khích nhà trường tự tổ chức khảo sát thi thử để đánh giá đúng năng lực của học sinh, qua đó có giải pháp ôn tập phù hợp. Năm nay, ngoài thực hiện theo lịch thi thử chung của Sở, nhà trường cũng sẽ thực hiện 2 đợt thi thử theo đề thi riêng nhà trường xây dựng.
Về việc phân loại lớp theo năng lực học tập của các em, cô Nga cho biết, nhà trường cũng đã định hướng, dựa trên năng lực của học sinh để phân lớp. Theo đó có 3 lớp chuyên sâu khoa học tự nhiên, 3 lớp chuyên sâu về khoa học xã hội và 2 lớp liên quan đến khối D1 (Toán, Văn, Anh).
Trong quá trình học, ôn tập, các phụ huynh rất đồng hành, ủng hộ với nhà trường, tuy nhiên vẫn còn một số học sinh vẫn chưa chăm học, đó cũng là khó khăn với giáo viên.
“Ngoài ôn luyện những kiến thức cơ bản, đến thời điểm này thầy cô giáo cũng hướng dẫn các em kỹ năng phân tích, làm đề để có kết quả tốt nhất", Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Hoà Bình) |
Mục tiêu của nhà trường là giúp các em có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tốt, và căn cứ vào kết quả ấy có thể xét tuyển và đỗ trường đại học mong muốn. Năm nay, có hơn 90% số em lựa chọn sẽ thi và xét tuyển đại học, số còn lại lựa chọn học nghề hoặc du học.
Cô Trịnh Thị Kim Thoa (Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đoàn Kết, Tân Lạc, Hoà Bình) cho biết, học sinh của trường có 95% là dân tộc Mường, toàn trường có hơn 100/556 em có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước về chi phí đi lại, hỗ trợ gạo... trong quá trình học tập.
Với việc ôn tập chuẩn bị cho khối 12 thi tốt nghiệp, từ đầu năm học, trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục như ôn tập, rèn kỹ năng làm đề.. dựa vào năng lực của từng nhóm đối tượng học sinh. Về cơ bản, học sinh có học lực trung bình của nhà trường chiếm phần đông, số học sinh lựa chọn sẽ thi và xét tuyển đại học chỉ chiếm khoảng gần 10%.
Nhà trường tổ chức cho giáo viên ôn trực tiếp trên lớp cho 174 học sinh vào các buổi chiều. Chỉ có 2 học sinh chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên, còn lại là khoa học xã hội. Riêng môn Toán, môn Văn được ôn luyện từ tháng 10/2022 với 35 buổi và dự kiến kết thúc vào tháng 6. Đối với môn Giáo dục công dân là 20 buổi, các môn còn là 25 buổi.
Các thầy cô trong nhóm bộ môn sẽ xây dựng đề thi mẫu với ngân hàng câu hỏi, sau đó sẽ cho học sinh học tập, ôn luyện, thử làm đề.
Ngoài ra, trong tháng 3 nhà trường cũng tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp, kết quả khảo sát cho thấy nếu không tính điểm cộng có 50 học sinh thi thử chưa đủ điểm đỗ.
"Thi thử là một kỳ khảo sát giúp học sinh biết được năng lực hiện tại của bản thân đang ở ngưỡng nào. Thời điểm nhà trường tổ chức thi thử, các em mới được kiểm tra lại hệ thống kiến thức chứ chưa được rèn luyện nhiều về luyện đề", cô Thoa cho hay.
Vị lãnh đạo cho biết, sau đó, nhà trường cũng đã làm việc với các thầy cô giáo bộ môn, xây dựng lại kế hoạch ôn luyện cho các em học sinh có nguy cơ bị điểm liệt, nhóm yếu. Các em sẽ được ôn luyện nhiều hơn, đề luyện bám sát với đề tham khảo, hướng dẫn các em cố gắng thực hiện các câu hỏi kiến thức ở mức nhận biết và thông hiểu.
Về khó khăn trong quá trình tổ chức ôn luyện, cô Thoa nói, học sinh trong trường đa phần là học lực trung bình nên các em xác định mục tiêu chỉ dự thi để đủ điểm đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông. Sau đó các em chọn đi học nghề, hoặc làm công nhân. Vì thế, ít có động lực dành điểm cao hơn. Nhiều em đến thời điểm thi thử môn Toán không mang máy tính, thi Địa lý không có bản đồ Atlat trong khi đã được thầy cô nhắc nhở kỹ trước mỗi buổi thi.
"Trước thực trạng đó, nhà trường nhiều lần trao đổi với phụ huynh để có sự phối hợp tốt hơn trong ôn tập, rèn luyện ý thức học và thi cho học sinh", cô Thoa cho hay.
Lãnh đạo nhà trường cho biết, đến thời điểm hiện tại, thi thử chưa phải là căn cứ duy nhất để đánh giá đầy đủ năng lực của học sinh, nhưng qua mỗi đợt thi thử, nhà trường sẽ dựa vào kết quả để bổ sung, điều chỉnh chương trình ôn tập cho phù hợp. Đến tháng 5, các em học sinh toàn trường sẽ thi thử đợt nữa theo lịch chung của Sở, nhà trường sẽ có đánh giá sát hơn về khả năng của các em.