LTS: Nhân dịp khai giảng năm học mới, thầy giáo Khánh Văn chia sẻ những cảm xúc về truyện ngắn "Tôi đi học" của tác giả Thanh Tịnh.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong kho tàng văn học Việt Nam, những tác phẩm viết về kỉ niệm của ngày đầu tiên đi học không phải là hiếm nhưng có lẽ tác phẩm đã để lại những ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc suốt mấy chục năm qua chắc chắn sẽ là truyện ngắn "Tôi đi học"của tác giả Thanh Tịnh.
Tác phẩm "Tôi đi học"đã chiếm trọn được cảm tình của bạn đọc không chỉ là vì nó được đưa vào sách giáo khoa phổ thông để giảng dạy mà chính là lối văn nhẹ nhàng đầy chất thơ hòa trong dòng hồi tưởng cứ vương vương lay động trong kí ức của bao người.
Truyện ngắn "Tôi đi học" của Thanh Tịnh đã để lại nhiều cảm xúc mùa tựu trường. Ảnh minh hoạ: Tiepsucmuathi.edu.vn |
Thật đẹp biết bao cái không gian làng Mĩ Lí của tác giả trong những thập niên đầu ở thế kỷ XX được Thanh Tịnh tái hiện thật nhẹ nhàng nhưng lại lãng mạn bằng một lối văn đầy chất thơ vô cùng trong sáng:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường”.
Những từ ngữ trong câu văn đầu tiên của tác phẩm rất gợi và cuốn hút ngay được người đọc.
Ta cứ hình dung trên con đường làng thơ mộng “đầy sương thu và gió lạnh” của những ngày cuối thu đang rải đầy những chiếc lá vàng rơi vương trên mặt đất và có thể nó đang khẽ khàng xao động bởi những làn gió thu phe phẩy.
Khí trời thật trong lành và mát mẻ của tiết trời mua thu.
Và, trên không gian cao tít tắp của bầu trời mùa thu kia là những đám mây “bàng bạc” muôn sắc màu đang chuyển trôi chầm chậm…
Thời gian ấy, không gian ấy có sự hòa hợp, quyện hòa bên nhau để khơi dòng cảm xúc của con người.
Cái “kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường” như một dòng hoài niệm dài đang chầm chậm quay về những tháng năm thơ trẻ của bao nhiêu người trong buổi đầu đi học, được “rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên được đến trường” mới đáng yêu làm sao.
Và đây, con đường làng mà cậu bé Thanh Tịnh thuở ấy đã từng “quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ”.
Cũng là con đường làng thôi, cũng là nhân vật “tôi” đi trên con đường làng ấy nhưng cái cảm giác “lạ” lại đang được bủa vây, đang xâm chiếm tất cả những ý nghĩ của người trong cuộc.
Vì thế cái cảm giác tự hào, tự khẳng định: “hôm nay tôi đi học” đã khiến cảnh vật ngày thường bỗng trở nên khác lạ theo cảm xúc của con người.
Sự thay đổi cách nhìn, thay đổi tâm trạng khiến cho cảnh sắc cũng bắt đầu thay đổi theo. Nhưng, ở đây là một sự thay đổi cảm giác hoàn toàn phù hợp.
Cái khung cảnh làng quê của buổi tựu trường được trang hoàng thêm những âm thanh rộn rã của bao đứa trẻ “đang nhí nhảnh gọi tên nhau” sao mà mộng mơ và đáng yêu đến thế.
Và, hình như cậu bé “nhân vật tôi” cũng đang muốn chứng minh trước mẹ mình là mình đã và đang lớn nên ngước mắt nhìn mẹ mình và đề nghị:
“Mẹ đưa bút thước cho con cầm” để được giống như bao đứa trẻ khác mới đáng yêu làm sao.
Chỉ thế thôi cũng thấy được sự tự tin của cậu bé muốn được ngang hàng với bạn bè của mình, đang chủ động, tự tin trước cái cảm giác ban đầu được đến trường đi học.
Có lẽ đứa trẻ nào lần đầu tiên đi học cũng cảm thấy bỡ ngỡ, vẩn vơ khi bước vào sân trường rộng lớn của ngày đầu tiên đi học.
Và, cậu bé trong truyện ngắn "Tôi đi học" có lẽ cũng vậy, cái cảm giác bỡ ngỡ, rụt rè để rồi tác giả tái hiện rất chân thực tâm trạng của buổi đầu đến trường:
“Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ. Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ.
Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ.
Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ”.
Chao ôi, cái cảm giác lần đầu tiên đến trường sao thân thương đến thế và ai chẳng có một lần trong đời như vậy. Nó cứ chênh chao, lớ ngớ đến lạ thường.
Tác giả rất chính xác khi so sánh những cô cậu học trò nhỏ như những chú “chim con đứng trên bờ tổ” đang muốn tung đôi cánh giữa bầu trời cao rộng nhưng rồi lại phải “rụt rè trong cảnh lạ”.
Để rồi, cái cảm giác hồi hộp, chờ đợi từng phút giây để được ông đốc (hiệu trưởng) gọi tên mình bỗng trở nên trang nghiêm quá đỗi bởi đó là lần đầu tiên được gặp, được làm quen với trường lớp, với người thầy:
“Trong lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng”.
Rõ ràng, đây là một cảm giác, một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ của tuổi học trò. Bởi lâu nay, đâu có cảm giác nào trang trọng và thiêng liêng đến thế.
Lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên xa bàn tay mẹ, được hòa vào chúng bạn, được làm quen với những nền nếp của nhà trường.
Vì thế, sự “giật mình” hay “lúng túng” khi nghe thầy gọi đến tên mình cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý với tâm lí của trẻ thơ.
Lời người thầy trong buổi đầu tiên vừa như căn dặn, vừa trang nghiêm và có cả sự hy vọng, trông chờ sự tiến bộ của học trò trong những ngày đang tới:
“Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?”.
Lúc đầu, khi đọc tác phẩm này, tôi thấy thắc mắc vô cùng bởi vì sao cậu bé lần đầu tiên đi học mà “đã vào lớp năm” nhưng sau này tìm hiểu thì ra lớp năm lại là lớp thấp nhất của hệ thống giáo dục thời trước năm 1945.
Điều chúng ta trân trọng là vào giai đoạn đầu thế kỷ XX mà không gian, tinh thần học tập của làng quê Mĩ Lí đã được khá nhiều gia đình chú trọng.
Khi bước vào lớp học, cái cảm giác của cậu bé thật là…trẻ con vô cùng và đáng yêu quá đỗi:
Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình.
Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào.
Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật”.
Những đứa trẻ xa lạ lúc ban đầu ấy vừa gặp nhau mà như đã thân quen theo những phản xạ tự nhiên khiến cho người đọc được hoài vọng về một miền kí ức xa xôi thật đẹp của mình.
Và, nhất là khi được thầy cô xếp cho ngồi vào cái bàn nào đó thì gần như đó là sự mặc định “đây là bàn của tôi” cũng giống như cậu bé trong truyện ngắn này đã “lạm nhận là vật riêng của mình”.
Những kỉ niệm buổi đầu tiên đến trường đi học đã được tác giả Thanh Tịnh tái hiện lại thật sinh động sau mấy chục năm trời.
Và, tác phẩm này đã nhanh chóng đi vào lòng người đọc.
Với một kết cấu truyện trình bày theo trình tự thời gian, không gian hợp lý, nhất là tác giả đã sử dụng ngôi thứ nhất tạo nên một cảm giác chân thật, hợp lý như là một dòng hoài niệm về tuổi thơ của mình.
Bằng một lối văn trong sáng, không cầu kỳ nhưng đầy chất thơ đã khiến cho bao thế hệ bạn đọc yêu thích và trân trọng.
Cuộc đời của mỗi con người ai cũng có những kỉ niệm cho riêng mình. Nhất là kỉ niệm ngày đầu đi học.
Sau này, cho dù kỉ niệm đó đã lùi xa hàng mấy chục năm trời nhưng mỗi khi tiếng trống của những ngày đầu năm học, tiếng trống khai trường vang lên luôn khiến cho chúng ta cảm thấy nôn nao đến lạ.
Tiếng trống khai trường như đánh thức tuổi thơ của của mỗi người đã lùi vào một miền kí ức xa lắc lơ bỗng tự nhiên như một thước phim chầm chậm quay về.
Và, dòng hoài niệm về những ngày đầu tiên đi học của mỗi người cứ tưởng trôi vào trong cõi thinh không thì chúng ta lại tìm thấy chính mình trong truyện ngắn "Tôi đi học"của tác giả Thanh Tịnh - một tác phẩm được yêu mến, khắc ghi trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.